Nơi cô dâu xứ người được tôn trọng

Nơi cô dâu xứ người được tôn trọng
TP - Huyện Thốt Nốt, Cần Thơ có 100% xã, thị  trấn có nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài. Nhưng ở đây không có tình trạng "cò" lộng hành như những nơi khác.
Nơi cô dâu xứ người được tôn trọng ảnh 1
Một góc “ấp Đài Loan” ở Thuận Hưng. Ảnh: Ngọc Huyền

Từ trung tâm TP Cần Thơ tôi về huyện Thốt Nốt xa hơn 40 cây số, nơi 100% xã, thị  trấn có nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài. Điển hình là xã Thuận Hưng có hơn 5.500 hộ dân sống chủ yếu nhờ đồng ruộng và đã có gần 1.000 cô gái đi làm dâu xứ người. Xã Trung Kiên hơn 5.000 hộ dân thì khoảng 1/10 trong đó có con gái lấy chồng nước ngoài.

Không để “cò” lộng hành

Cách đây vài năm, mỗi lần “cò môi giới hôn nhân” xuất hiện là cả xã ai cũng buồn lòng vì thấy hàng chục cô gái trẻ đẹp và hồn nhiên bị nhét lên một chiếc xe chở về TP Hồ Chí Minh mà không biết sau này có còn lành lặn hay không.

Bà Nguyễn Thị Mai - Cán bộ Tư pháp xã Trung Kiên - cho biết: Có lúc hàng chục cô gái muốn lấy chồng ngoại được “cò” đưa lên TP Hồ Chí Minh và tổ chức gặp với hàng chục đàn ông, con trai nước ngoài.

Hai bên tìm hiểu nhau theo kiểu “tập thể cô dâu” và “tập thể chú rể” gặp rồi “mặc cả” tiền bạc qua trung gian rất nhức nhối. Những gia đình có con đi lấy chồng nước ngoài cũng thường mặc cảm, bị xã hội lên án.

Trước tình hình đó, cán bộ cơ sở đã họp lại bàn kế chống “cò”: Người lạ vào xã phải xuất trình giấy tờ, ở lâu mà có hành vi làm “cò” là trục xuất ngay.

Sau đó, “Hội đồng tư vấn” ra đời. “Hội đồng tư vấn” xã Thuận Hưng gồm đại diện Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Tư pháp xã nhằm trang bị cho các cô gái những kiến thức cần thiết trước khi xuất ngoại.

Xã Thuận Hưng còn có chương trình phát thanh về việc lấy chồng nước ngoài, mỗi buổi một tiếng, mỗi tuần hai buổi góp phần giúp bà con nâng cao ý thức trong việc đại sự của con em mình.

Theo tính toán của ông Phạm Văn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng - một năm các cô gái đã gửi về xã này khoảng 200 tỷ đồng.

Dân trong xã thường nói đùa rằng ở những gia đình có con xuất ngoại, bây giờ phải nghĩ cách tiêu tiền cho có hiệu quả.

Tại xã Thuận Hưng đang rộ lên phong trào những gia đình “rể ngoại” đầu tư phát triển kinh tế vườn.

Ông Nguyễn Văn Lùn là một điển hình, gia đình ông trước đây rất nghèo, nhà lá dột nát và không có đất canh tác. Con gái ông đi lấy chồng Đài Loan năm 2000 và nhờ số tiền con gái gửi về, ông mua ruộng đào ao thả cá.

Từ năm 2002 đến nay, mỗi năm ông thu nhập trên 300 triệu đồng.

Quy trình giải quyết vấn đề lấy chồng ngoại ở Thuận Hưng và Trung Kiên là hạn chế mục đích kinh tế mà đề cao mục đích hạnh phúc gia đình. Xã Thuận Hưng đã cho các hộ nghèo vay 3,2 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Nhưng nếu một số hộ vẫn muốn gả con cho người nước ngoài thì “Hội đồng tư vấn” của xã sẽ giúp các cô gái tìm hiểu luật pháp để biết tự bảo vệ mình.

Một vấn đề không kém phần quan trọng để hạn chế “cò môi giới hôn nhân” là các cô gái đi làm dâu xứ người khi có cuộc sống ổn định đã đứng ra làm trung gian giới thiệu các chàng trai ngoại quốc với con gái ở quê nhà. “Rể ngoại” của xã Thuận Hưng đang có xu hướng trẻ dần (chênh lệch nhau không quá 10 tuổi) và có công việc làm ăn ổn định.

“Ở xã Trung Kiên hiện nay - Bà Mai nói - Hầu hết các cô gái lấy chồng ngoại không theo kiểu “nhắm mắt đưa chân” nữa mà đã bắt đầu lựa chọn. Các cuộc hôn nhân bây giờ diễn ra chậm hơn trước đây, không còn “chớp nhoáng”. Ở xã này đã có trường hợp cô gái chủ động từ hôn sau thời gian tìm hiểu”.

Nhiều cuộc hôn nhân đã có lễ hỏi, lễ cưới đàng hoàng. Rể Tây, Tàu, Hàn… cũng khăn đóng áo dài lạy bàn thờ tổ tiên răm rắp. Lấy chồng nước ngoài trở thành niềm vui, bình thường như lấy chồng trong nước.

Những điều còn day dứt

Ông Phạm Văn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng cho biết: Cho đến nay, phần lớn các cô gái lấy chồng nước ngoài ở xã Thuận Hưng vẫn sống yên ổn. Các vụ ly hôn không nhiều, các năm trước mỗi năm dăm vụ còn năm 2006 này, từ đầu năm chưa có vụ nào.

Tuy nhiên, theo ông Tùng và bà Mai, thỉnh thoảng vẫn có một số cô gái lấy chồng chỉ vì mục đích kinh tế hoặc theo “phong trào” và hậu quả là khó có hạnh phúc gia đình bền vững. Có cha mẹ muốn “gả bán” con để có tiền trả nợ, mua sắm tiện nghi đắt tiền.

Đặc biệt, thỉnh thoảng vẫn có gia đình muốn gả con cho mau chóng nên “lén” mang con lên TP Hồ Chí Minh tìm “cò”, khiến vấn đề cô dâu Việt bị báo chí lên án.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.