Nỗi đau của người mang khối u nặng hơn cơ thể

Nỗi đau của người mang khối u nặng hơn cơ thể
TP - Ngày 12/3, các bác sĩ Bệnh viện K đã phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u nặng 27kg trong bụng bệnh nhân Trương Thị Miến (38 tuổi, ở Bản Mới, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

Đây được coi là trường hợp hy hữu tại Việt Nam khi khối u nặng hơn trọng lượng bệnh nhân. Chị đã có thể giải phóng khối u khỏi cơ thể mình sớm hơn nếu có tiền.

Sạt nghiệp vì khối u

Sau ca mổ gần một tuần, chị Miến vẫn chưa lấy lại được sức lực nhiều. Gày gò, xanh xao trên giường bệnh, trông chị già hơn so với tuổi. Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục ngắt đoạn vì chị không cầm được nước mắt khi kể lại những ngày tháng dài dằng dặc chống chọi với cơn đau, với những khoản nợ vay của ngân hàng và bà con họ hàng, láng giềng.

Tám năm trước, vào năm 2000, chị cảm thấy cơ thể có điều bất thường khi bụng cứ mỗi ngày một to. Ban đầu đi khám một số thầy lang trong vùng nhưng không ai nói được chị bị bệnh gì.

Hàng xóm ai nói đâu có thầy thuốc giỏi là hai vợ chồng lại cơm đùm, cơm nắm đến tìm. Hàng trăm thang thuốc sắc mua từ khắp nơi, uống triền miên. Cứ thấy con gái mang bát thuốc lên là chị sợ nhưng vẫn phải nhắm mắt mà uống cho hết.

Mọi người an ủi chị chắc không phải bệnh ung thư vì chị không bị sốt. Bám vào lời động viên đó chị mò mẫm khắp nơi tìm thầy chữa bệnh. Rồi hai vợ chồng lại vượt cả trăm kilômét lên địa phận Đèo Giông, Đèo Gió, với hy vọng có thể thầy lang mà mọi người mách bảo sẽ giúp chị khỏe lại.

Mỗi chuyến đi như thế lấy của chị biết bao sức lực vì bụng ngày càng to và thân thể ngày càng héo hon.

Cùng lúc với việc cái bụng ngày càng to, những cơn hen xuất hiện khiến chị khó thở nhiều hơn. Hàng năm trời như vậy nhưng không thầy lang nào nói được nguyên nhân, họ chỉ đoán chị bị xơ gan cổ trướng, u nước và rồi bốc thuốc cho uống...

Những tài sản quý giá của nhà nông như trâu, lợn chị đã bán cả để đi tìm thầy. Đàn gà không may chết vì dịch, gia đình không còn gì hơn để bán nữa.

Nỗi đau của người mang khối u nặng hơn cơ thể ảnh 1
Bác sỹ đang chăm sóc cho chị Miến sau ca mổ

Bữa cơm cho hai đứa con gái nhỏ mỗi ngày lại ít chất dinh dưỡng hơn. Hai sào ruộng phải nhờ anh chị em làm giúp trong những ngày hai vợ chồng đi tìm thầy, tìm thuốc. Còn lại ngôi nhà không thể đem bán vì bán rồi lấy chỗ nào ở.

Cách đây hai năm, cái bụng chị Miến trông như bụng chửa sắp đến ngày sinh. Thời gian mang vác cái bụng to nặng nề quá lâu làm biến dạng hình dáng của chị. Thân hình gầy xác xơ bị kéo gập về trước.

Vài ngày nữa, khi có kết quả sinh thiết khối u, các bác sỹ mới có thể tiên lượng chính xác về sức khoẻ bệnh nhân. Theo bác sĩ Lục nhiều khả năng đây là khối u lành tính hoặc u có độ ác tính thấp. Nếu may mắn như vậy, chị Miến sẽ xuất viện sau khi hồi phục sức khỏe.

Mỗi bước đi là một lần nghiến răng lại vì đau. Năm tháng trôi qua, không chịu nổi trọng lượng quá lớn kéo về phía trước, lưng chị bị gù.

Sau lưng, xương sống nhô lên nhọn hoắt. Trước khi phẫu thuật khoảng hai năm, chị không thể tự bước đi được nữa, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ cả vào chồng con.

Đường cùng, anh chị đến vay tiền ngân hàng. Mỗi lần vay chỉ được 5 triệu đồng. Số tiền lớn đối với một gia đình thuần nông vẫn tiếp tục không đem lại kết quả gì. Lần gần đây nhất, hai vợ chồng vay tiền ngân hàng để về bệnh viện tỉnh khám bệnh.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng sau khi siêu âm, chụp X-quang chẩn đoán chị bị một khối u to. Nhưng bệnh viện khuyên chị xuống Hà Nội điều trị. Hai vợ chồng lo lắng vì đã bao giờ đi xa như thế, tiền lại không có...

Rời phòng bác sĩ, hai vợ chồng về buồng bệnh nằm để chuẩn bị trở lại nhà. Đoạn đường 30km từ nhà lên tỉnh vốn đã gian nan đối với chị vì đường xấu dường như trở nên dài hơn bởi nỗi lo kinh tế. Lấy tiền đâu đi Hà Nội chữa bệnh khi khoản nợ ngân hàng còn đó?

 Vả lại hai con người nghèo khó đã bao giờ biết thủ đô là gì, đường đi nước bước ra sao. Trong phòng có một phụ nữ tên Anh cũng đưa mẹ chồng về bệnh viện tỉnh điều trị. Biết chuyện của chị, họ nói sẽ giúp. Họ từng đưa người nhà về Bệnh viện K.

Ba người bắt xe khách về Hà Nội. Tám giờ đồng hồ ngồi xe khách quả là sự tra tấn khủng khiếp đối với chị Miến. Chị bảo: “Mừng quá không nhớ hỏi rõ tên tuổi chị ấy, chỉ biết chị tên là Anh, chồng tên là Thái nên gọi là chị Thái Anh. Tới Hà Nội rồi, trong thời gian đợi khám bệnh và nhập viện chị ấy tìm thuê nhà trọ, mua đồ ăn cho chúng tôi”.

Sau khi mọi thủ tục nhập viện cho chị Miến xong xuôi, chị Anh lại bắt xe về Cao Bằng. Sau đó hàng ngày chị Anh đều gọi vào điện thoại di động mà em chồng chị Miến cho hai vợ chồng mượn để hỏi thăm sức khỏe. Nói chuyện với chúng tôi, chị Miến bảo rất muốn xem cái khối u nó thế nào mà nó làm sạt nghiệp gia đình mình vì từ lúc mổ, chị chưa được nhìn thấy cái dị vật khủng khiếp đó.

Khối u kỷ lục

Chỉ cách đây khoảng 10 ngày, chị Miến là người nặng tới 53kg. Còn giờ đây, đối diện với chúng tôi vẫn là chị Miến nhưng chỉ nặng 26kg sau khi các bác sĩ Khoa Ngoại - Phụ khoa (Bệnh viện K) cắt bỏ khối u nặng tới 27kg trong bụng chị. Thạc sĩ, Bác sĩ Đào Tiến Lục cho biết đây là lần đầu tiên Khoa Ngoại - Phụ khoa thực hiện cắt bỏ một khối u nặng đến vậy.

Đó là khối u xuất phát từ buồng trứng phải của bệnh nhân. Bác sĩ Lục cho hay, ca phẫu thuật không áp dụng kỹ thuật mổ nào mới. Chỉ khó nhất ở công đoạn gây mê, hồi sức cho bệnh nhân vì chị Miến là người có tiền sử bị bệnh hen.

Khi lấy khối u ra, bác sĩ Lục cho biết mọi người trong kíp mổ áng chừng nó nặng khoảng 18 -  20 kg. Nhưng rồi tất cả đều bất ngờ vì đó là một khối u đặc có trọng lượng lên tới 27kg.

Bác sỹ Nguyễn Văn Tuyên- Trưởng Khoa Ngoại - Phụ khoa, người phụ trách ca phẫu thuật cho biết lần đầu tiên gặp một khối u có trọng lượng lớn như vậy. Trước đây, khoa từng mổ tách khối u có kích thước lớn nhưng chỉ nặng 10 đến 18kg. Khối u được lấy ra lần này có đường kính hơn 50cm khiến tất cả các bác sĩ có mặt trong kíp phẫu thuật đều bất ngờ.

Bác sĩ Lục cho biết sau khi thoát khỏi khối u, cơ thể chị Miến chưa thích nghi được ngay với việc cơ hoành (cơ hô hấp ngăn giữa ổ bụng và lồng ngực có chức năng trong vận động hô hấp) bị giãn và giảm cơ lực, kết hợp với tiền sử bệnh hen phế quản mãn tính nên chị Miến có biểu hiện của suy giảm chức năng hô hấp.

Chị đã được hỗ trợ hô hấp và hồi sức tích cực tại khoa Gây mê hồi sức. Tuy nhiên chỉ sau ba ngày, sức khỏe chị Miến đã khá hơn, các cơn hen đã được kiểm soát, bệnh nhân ăn được cháo. Hiện sức khỏe chị Miến đã ổn định.

Chị Miến giờ đã chia tay vĩnh viễn khối u được coi là kỷ lục tại Việt Nam. Chi phí cho ca mổ cũng được bảo hiểm y tế chi trả 80%. Hỏi gia đình còn nợ bao nhiêu tiền, chị lắc đầu nói “không nhớ, nhưng chắc cũng phải vài chục triệu đồng”.

Chị bảo: “Thoát được khối u thì mừng lắm nhưng còn đó nỗi lo canh cánh về món nợ chồng chất của những ngày lặn lội đi tìm thuốc chữa bệnh, không biết làm gì trả nợ!?”.

MỚI - NÓNG