Nỗi đau người mẹ cho con khôn nuôi con tâm thần

Nỗi đau người mẹ cho con khôn nuôi con tâm thần
Ở tuổi đáng ra được con cháu phụng dưỡng nhưng 63 năm qua bà Thìn chưa một lần được ngon giấc. Trong giấc ngủ chập chờn hình ảnh cô con gái cứ luôn miệng gọi tên bà.

Cả nhà tâm thần mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu

Đến xóm trọ Long Biên người dân nơi đây không còn xa lạ trước hình ảnh một bà lão đang oằn lưng để đẩy từng xe rác nặng, theo sau là một người thanh niên khỏe mạnh, rắn rỏi. Đó là bà Trần Thị Thìn (sinh năm 1951) quê ở Hải Hậu, Nam Định và người con bị tâm thần Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1985).

Vốn là công nhân công ty xây lắp 1 Nam Định, bà Thìn từng có thời ngang dọc cùng mọi người kiến thiết đất nước những ngày đầu giành độc lập. Tuy nhiên, một tai nạn bất ngờ ập đến khiến bà mất đi tất cả. 28 tuổi bà bị ngã dàn giáo từ tầng 5 xuống, cũng từ đó trí óc của bà không được minh mẫn. Trong quá trình điều trị bà có biểu hiện lúc nhớ lúc không, la hét om xòm, rồi bỏ đi lang thang.

Năm 1984 bà được đưa vào điều trị tại Trung tâm nuôi dưỡng người khó khăn, tàn tật tỉnh Nam Định (thời bấy giờ có người gọi đó là trại An toàn). Tại đây, bà quen biết và nên duyên với ông Nguyễn Văn Ba (sinh năm 1937). Cưới nhau chưa đầy một năm, bà sinh hạ người con trai đầu lòng và đặt tên con là Nguyễn Văn Bình. Không bao lâu sau niềm hạnh phúc như được nhân đôi khi cô con gái Nguyễn Thị Tí (sinh năm 1990) chào đời.

Năm 1994, trung tâm giải thể, thấy cảnh hai người tâm thần nuôi nhau còn không nổi huống hồ lại có thêm hai đứa con nheo nhóc, nhiều người động viên hai ông bà cho bớt đi một đứa.

“Lúc ấy cứ nghĩ là cho cháu đi để cháu được sung sướng, chứ ở cùng bố mẹ khổ thế này sao chịu được. Rồi hai vợ chồng nhắm mắt để lại đứa con gái bé bỏng lại trung tâm tìm người nuôi dưỡng”, nói đoạn rồi bà Thìn đưa bàn tay đã chai sạn lên ngăn dòng nước mắt đang lăn dài trên gò má.

Kể từ khi cho đi cô con gái, cả gia đình chuyển về quê rồi phiêu dạt lên các ngõ ngách Hà Nội bắt đầu những tháng ngày lang bạt.

20 năm xa quê chọn nghề nhặt phế liệu để mưu sinh có đến gần nửa thời gian gia đình bà chọn gầm cầu Chương Dương, đường đê Tô Hoàng, chợ Đồng Xuân... làm nơi ngả lưng. “Đêm đến ngủ không dám ngủ vì sợ người ta lấy mất bịch rác mà mình vừa đi cả buổi tối mới nhặt được”, bà Thìn tâm sự.

Đau khổ đến chết

Khi chợ đầu mối Long Biên hoạt động được 2 năm, thương cậu con trai ngớ ngẩn, hai vợ chồng mới dám nghĩ đến chuyện thuê một căn phòng để tránh mưa, tránh nắng. Nói là phòng nhưng thực ra là túp lều rách được dựng lên trên phần đất được gia cố tạm bợ để nới rộng diện tích. Chỉ cần một trận bão nhẹ là có thể cuốn trôi tất cả.

Trong căn phòng chật hẹp với đủ thứ mùi từ khúc sông đang bốc lên nồng nặc, bà Thìn nhớ lại những năm tháng đau khổ cùng cực của cuộc đời. Năm đó là năm 2008, ông Ba đổ bệnh nặng. Trở về từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ với vết thương còn in hình trên cơ thể, mất hết giấy tờ, ông không còn minh mẫn, nhanh nhẹn, đầu óc lúc tỉnh lúc mơ. Có lẽ, nỗi nhớ bền chặt duy nhất đối với ông là hình ảnh về cô con gái và mong mỏi ngày gặp lại con gái của mình.

“Năm đó, ông ốm nặng lắm, thấy ông ốm nặng, chủ xóm trọ đuổi gia đình tôi đi nơi khác với lý do sợ ông chết ở đây. Thương cha, người con trai cõng bố ra gần mép sông đặt ông nằm tạm rồi hai mẹ con đi nhặt rác kiếm cơm”.

Ngày ngày hình ảnh người mẹ già dong người con trai ngớ ngẩn của mình đi khắp nơi nhặt nhạnh phế liệu về bán; lấy cơm, rau về ăn làm xao động trái tim của bao người. Bà con chòm xóm thấy vậy người cho bát gạo, người cho mớ rau giúp đỡ gia đình.

“Bà ấy thường bới thùng rác lấy cơm, đồ ăn thừa mang về nấu lên cho ông ấy ăn. Có hôm tôi ngửi thấy bát cháo bốc mùi chua chua rồi mà ông ấy vẫn xúc ăn ngon lành”, bà Phải - một người bạn lâu năm của gia đình cho biết.

Nỗi đau người mẹ cho con khôn nuôi con tâm thần ảnh 1

Bà Trần Thị Thìn (sinh năm 1951) quê quán Hải Hậu, Nam Định

Những ngày ông Ba ốm nặng, nằm ngoài mép sông, lực lượng trật tự phường đã gọi xe đến đón ông đi. Nhưng rồi, vì không có tiền trả chi phí chữa trị cho chồng nên mẹ con bà cũng không dám lên thăm. Từ đó đến nay bà không biết chồng còn sống hay đã chết, chỉ biết rằng ông được đưa lên một trung tâm ở Ba Vì.

Còn bà hàng ngày cùng người con trai ngớ ngẩn lưu lạc nay đây mai đó tiếp tục công việc cũ. Buổi sáng, bà dậy từ rất sớm đi nhặt ở chợ Long Biên, chiều về hai mẹ con lại qua chợ Đồng Xuân. Mỗi tháng ăn dè xẻn cũng hết 10kg gạo, tiền rau thì đa phần là được các cô bán hàng thương tình cho.

“Ba năm nay các chú thương tình nên con trai tôi mới có việc để làm. Hàng ngày, cháu đi thu rác từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Mỗi tháng như thế cũng được 600 nghìn đủ tiền thuê trọ cô ạ” nói rồi bà dừng lời, im lặng hồi lâu.

Trong thâm tâm người đàn bà đau khổ có lẽ điều khiến bà ân hận nhất đó là đã cho đi cô con gái bé bỏng của mình. Tuy nhiên, thông tin duy nhất về gia đình nhận nuôi cháu mà bà biết chỉ là một gia đình người Mỹ.

Trò chuyện với bà, tôi nhận thấy ở bà khao khát tìm lại người con gái ngày nào chưa bao giờ tắt. Bà không dám đi đâu xa, không dám chuyển chỗ trọ chờ đợi một ngày nào đó chồng và con sẽ gái trở về.

Theo Lại Hà

Theo Infonet
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.