Nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của đất liền

Nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của đất liền
TP - Mũi Đại Lãnh, Phú Yên được biết đến là nơi đầu tiên đón ánh mặt trời trong ngày trên đất liền của Tổ quốc. 

Ngày 30/6 tới đây, tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức đón nhận Bằng di tích Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia cho mũi Đại Lãnh- Bãi Môn (tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hoà) với nhiều hoạt động độc đáo.

Giữ mắt của biển

Nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của đất liền ảnh 1
Anh Bình cẩn thận vệ sinh cho đèn hải đăng  

Hơn 100 bậc thang hình xoắn ốc thẳng đứng dẫn lên đầu đèn, anh Nguyễn Ngọc Thắng (45 tuổi, Quy Nhơn, Bình Định), Trưởng trạm Hải quan Đại Lãnh lại bắt đầu công việc của mình.

Các thao tác vệ sinh đèn, thả màn đèn, bảo vệ thiết bị, kiểm tra độ sáng... đều được tiến hành trong sự tỉ mỉ đến từng động tác.

“Có khi công việc này ngốn hết thời gian cả ngày của anh em. Đây được xem là phần rất quan trọng, đòi hỏi sự cẩn thận, không được trầy xước, nếu không sẽ làm ảnh hướng đến độ sáng của đèn” - Anh Thắng cho biết.

Mỗi ngày, công việc với người lính hải quan canh giữ con mắt của biển không chỉ là đơn giản là việc phát sáng ngọn hải đăng mà còn đảm bảo an ninh cho vùng biển đảo, quan sát tàu thuyền và kịp thời cứu nạn khi xảy ra sự cố...

Anh Thắng không khỏi tự hào: “Gắn bó với ngọn hải đăng, anh em tôi coi nó như người thân. Không chỉ vào hàng cổ nhất, hải đăng Đại Lãnh còn có khả năng phát sáng vào loại xa nhất, đạt đến 28 hải lý”.

Trạm hải đăng Đại Lãnh thường xuyên đón tiếp các đoàn du khách. Khách tham quan được trò chuyện, giới thiệu về chủ quyền Việt Nam, về cảnh đẹp thiên nhiên.

Mỗi người muốn lưu trú, trạm thu phí 10 ngàn đồng/1 ngày và 80 ngàn một đêm để có thêm điều kiện tu sửa, tạo cảnh quan cho trạm.

Người Pháp xây dựng ngọn hải đăng Đại Lãnh từ những năm cuối thế kỷ XIX. Từng có thời ngừng hoạt động và thậm chí bị hủy bỏ, đến năm 1997, ngọn hải đăng mới được khôi phục lại. Nằm độ cao hơn 110 mét so với mực nước biển, để lên ngọn hải đăng Đại Lãnh, phải đi bộ gần nửa tiếng giữa con đường đá cheo leo.

“Ngày chưa mở đường, những người canh giữ đèn phải đi đường rừng hơn 5 kilômét mới có thể đến được trạm. Chục năm trước, gặp rắn rết, thú rừng thường xuyên nhưng anh em đi miết cũng quen. Nay giao thông thuận lợi hơn nhưng vẫn phải đi bộ mất vài cây số” - Anh Đỗ Công Dũng, trạm Hải quan Đại Lãnh nhớ lại.

Chiều, mặt trời dần tắt. 18giờ, như thường lệ, ngọn hải đăng bật sáng hướng dẫn tàu thuyền ngoài khơi xác định phương hướng để tiếp cận đất liền.

“Dù được lắp đặt hệ thống bật tắt tự động, sử dụng pin năng lượng mặt trời và bình ắc quy cung cấp điện, nhưng anh em vẫn cắt cử nhau túc trực để đảm bảo, tránh những sự cố hi hữu có thể xảy ra. Mắt biển không thể một đêm không sáng”, anh Thắng nói. 

Tổ xa vợ

Nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của đất liền ảnh 2
Hải Đăng Đại Lãnh như một lâu đài nhỏ vươn ra trước biển - Ảnh: Nguyễn Huy

Nhìn từ xa trạm Hải quan như tòa lâu đài nhỏ nhô ra trước biển. Khuôn viên trạm được bao bởi hàng cây xanh, có nhà nghỉ mát và bể cá độc đáo do anh em tự tạo, khiến khung cảnh càng thêm khang trang.

“Đời lính biển, xa nhà là chuyện bình thường, anh em trong trạm hầu hết quê ở Bình Định. Ai cũng coi hải đăng như ngôi nhà thứ hai cùng nhau bảo vệ, chăm sóc. Không ít người vui gọi chúng tôi là tổ xa vợ” - anh Dũng hóm hỉnh.

Mong muốn được một lần ngắm bình minh ở nơi nhận ánh mặt trời đầu tiên, anh Nguyễn Thanh Bình (Quy Nhơn, Bình Định) - thành viên trẻ nhất, quyết định nhận công tác ở trạm, đến khi có vợ vẫn gắn bó với hải đăng Đại Lãnh. Những lúc nhớ nhà, thương vợ con anh em lại cùng trải lòng với biển.

Anh Nguyễn Ngọc Thắng vui vẻ thông báo: Hiện trạm gây được lứa gà đầu tiên với gần trăm con, trồng thêm vài luống rau... Ngoài nhiệm vụ chính, các thành viên ở trạm còn đang tích cực tăng gia sản xuất, bảo vệ môi trường.

Theo anh Đỗ Công Dũng: “Bữa nay người ta dùng định vị GPRS để xác định Mũi Đôi (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) mới là điểm cực Đông.

Tuy nhiên, thực tế mũi Đại Lãnh là một trong những điểm đất liền đón ánh mặt trời đầu tiên của nước ta do nằm ở độ cao hơn. Mỗi sáng, nhìn ngọn hải đăng của mình chan hòa trong nắng ấm càng thêm yêu quý và tự hào hơn”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.