Nơi gieo mầm hạt giống Đỏ tại Sài Gòn

Suối Lồ Ồ bây giờ Ảnh: Tư liệu
Suối Lồ Ồ bây giờ Ảnh: Tư liệu
TP - Suối Lồ Ồ thuộc Dĩ An - Bình Dương được nhắc tới bởi nơi đây đã từng gieo mầm những hạt giống Đỏ để đem đến thành công cho cách mạng tháng 8. 

Trong Biên Hòa sử lược toàn biên xuất bản năm 1972, nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu đã từng viết: “Suối Lồ Ồ là một mục tiêu du ngoạn của giới thanh niên nam nữ, dẫn nhau đến nghỉ trưa, tắm mát”. Và tại nơi đây vào những năm 1940-1941, dưới sự giác ngộ của Đảng, phong trào đấu tranh yêu nước trong giới học sinh, sinh viên, thanh niên do Tổng hội sinh viên tổ chức trong cả nước ngày một lan rộng. Nhiều hoạt động mang tinh thần yêu nước của Tổng hội sinh viên được tổ chức như lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; tổ chức thăm các di tích Cổ Loa, Bạch Đằng, Kiếp Bạc. Đặc biệt trong các buổi sinh hoạt cắm trại, các ca khúc với những đề tài lịch sử ca ngợi những chiến công, những anh hùng dân tộc, kêu gọi tinh thần đoàn kết như Tiếng gọi sinh viên, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Hờn Sông Gianh... được hát khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự hào của những người con đất Việt.

Nhằm mở rộng tinh thần đấu tranh ra cả nước, năm 1943 một đoàn công tác do Tổng hội sinh viên cử ra đã lên đường. Trong đoàn có nhiều sinh viên ưu tú như Đặng Văn Chung, Trịnh Kim Ảnh, Ngô Như Hòa, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Tiến Nam, Trần Cữu Kiến... Mục đích của chuyến đi là xây dựng, thành lập các Trại thanh niên ở miền Nam nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, rèn luyện phẩm chất, rèn luyện thân thể cho giới học sinh, sinh viên. Tại Sài Gòn, đoàn đã gặp gỡ những lãnh đạo sinh viên, Đảng viên nằm vùng để cùng xây dựng kế hoạch. Sinh viên Đặng Văn Chung được cử làm Tổng chỉ huy hội trại.

 Trong hồi ký của mình, sinh viên Đặng Văn Chung (sau này trở thành GS Đặng Văn Chung) đã kể để hội trại này có thể hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích ban đầu đề ra, ông đã cùng các thành viên mất rất nhiều công sức xin phép và tìm địa điểm lập trại cũng như tìm nguồn kinh phí.

 Trại tổ chức buổi khai mạc với số thành viên tham dự ban đầu có hơn 200 học sinh, sinh viên, thầy cô giáo ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Gia Định… Mục tiêu hoạt động của Hội trại được GS Đặng Văn Chung viết: “Mục đích cắm trại là để “nuôi chí cả” thể hiện trong chương trình hoạt động tiến bộ và yêu nước: Hội thảo thời cuộc, thăm hỏi chăm sóc đồng bào đau ốm, giải thích cho cô bác, thanh niên về sự thất bại của phát xít, về sự thắng lợi của Đồng minh và Hồng quân Liên Xô, trình diễn các ca kịch lịch sử, ca khúc thanh niên yêu nước, ca ngợi những chiến thắng của tổ tiên ta chống quân thù xâm lược…”.

 Trong thời gian 1 tháng, Hội trại tổ chức 2 đêm lửa trại. Những người ở thành phố được mời qua báo chí, còn những người dân xung quanh được trại viên mời trực tiếp. Với phương tiện đi là xe ngựa, xe đạp, mọi người đến tham dự đêm lửa trại rất đông, nhiều nhất là những thanh niên ở thành phố. Chương trình là những tiết mục ca hát, diễn kịch do học sinh, sinh viên sáng tác và tự biểu diễn. Những hoạt động đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giáo chức, thanh niên, học sinh các vùng lân cận. Theo thống kê, đã có hàng chục ngàn lượt người đến với hội trại.  Theo GS Đặng Văn Chung: “Cái còn phảng phất lại là việc gợi ý thức đầu tiên tinh thần dân tộc, yêu quê hương, yêu đất nước mà những người thanh niên, sinh viên có dịp chứng tỏ”.

 Từ hội trại suối Lồ Ồ, nhiều hoạt động phong trào đã được lan rộng ra khắp miền Nam và lan ra cả miền Trung. Nhiều trại sinh từ hội trại suối Lồ Ồ trở về đã trở thành lực lượng nòng cốt tổ chức, tập hợp học sinh các trường ở thành phố Sài Gòn và các tỉnh. Tháng 8/1945, lực lượng này đã trở thành nòng cốt, xung kích xuống đường đấu tranh giành chính quyền tại Sài Gòn và nhiều vùng lân cận. 

Trong hồi ký của GS Trần Văn Giàu (Nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ - Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ: “Trại Lồ Ồ đã tạo ra một mẫu cắm trại phổ biến trong học sinh các trường trung học Nam Kỳ. Trại viên tự rèn luyện tinh thần đoàn thể, kỷ luật, tự quản ; cũng còn luyện cho mình lòng yêu đồng bào, yêu nhân dân. Trại là một lớp học sử, lịch sử nước nhà trước hết, học sử để tự hào dân tộc, để tự lập, tự cường. Ngày ngày, nhất là thứ bảy, Chủ nhật, đồng bào trí thức, nhân sĩ, thanh niên từ Sài Gòn, từ các tỉnh đến thăm trại. Trại Lồ Ồ chỉ tồn tại một tháng nhưng ảnh hưởng của nó trong học sinh thì dài hơn nhiều”.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.