Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ: ​Neo tàu, bám đảo

TP - Ðể đi vào vòng Nguyệt Thiềm đánh bắt cá phải là những ngư dân dày dạn kinh nghiệm, không quá sợ tàu tuần tra Trung Quốc. Tôi xin chia sẻ phương pháp neo tàu bám đảo gần vòng Nguyệt Thiềm với hy vọng, thêm nhiều tàu cá sẽ quay trở lại vùng từng diễn ra trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974.

ÐIỂM ÐẢO

Neo được tàu trên bãi cạn ở quần đảo Hoàng Sa? Khi tôi vừa đề cập tới đề tài này thì chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi ngược lại rằng “Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm giữ hết rồi thì neo là neo ở chỗ nào?”. Thực tế hiện nay, có các đảo mà ngư dân vẫn có thể đưa tàu vào neo đậu khi thời tiết xấu. Tôi tạm thống kê, bao gồm: đảo Đá Bắc, Đá Lồi, Bom Bay, vòng Nguyệt Thiềm. Những đảo có lính Trung Quốc đồn trú và khi bão lớn thì có thể chạy vào tránh trú bão như: Phú Lâm, Đá Hải Sâm, đảo Cây, Linh Côn. Riêng đảo Tri Tôn thì tàu không nên tiến vào.

Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ: ​Neo tàu, bám đảo ảnh 1 Loại dây để neo tàu trên bãi cạn, trụ bám đảo Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Neo tàu ở vùng nước cạn trên bãi san hô là phương pháp bám đảo và được các ngư dân làm nghề lặn kiểm nghiệm qua thực tiễn tại vùng đảo của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Trước năm 2000, các ngư dân thường cho tàu chạy thẳng vào các đảo quân sự ở Phú Lâm, Đá Hải Sâm để tránh gió và khi đó Trung Quốc cho phép. Nhưng tình hình mỗi ngày một khó khăn hơn, tàu cá bị thu giữ thiết bị thông tin, máy định vị sau mỗi lần tránh bão. Vì vậy các ngư dân thực hiện “bước lùi”, neo tàu trên các bãi cạn.

Có rất nhiều tàu cá đã neo trụ bão để bám đảo, một số tàu cá xin chạy vào đảo. Tôi đưa ra ví dụ cụ thể: Trong cơn bão số 5 năm 2017, có tàu cá của Quảng Ngãi là tàu QNg-96237TS của ông Mai Văn Lý; trong đợt áp thấp nhiệt đới vào ngày 9/10/2017, có 11 tàu cá với 105 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi ở lại quần đảo Hoàng Sa thả neo trên các bãi cạn. Các ngư dây này cho biết, cứ thả dây neo bằng cáp xích để bão đi qua thì lại hoạt động bình thường.

Cơn bão số 10 xảy ra vào tháng 9/2017, tàu cá BĐ 95164 TS của ông Nguyễn Thanh Đường, quê ở tỉnh Bình Định không chạy vào bờ mà ở lại Hoàng Sa tránh gió. Ngư dân này đề nghị địa phương báo cáo Bộ Ngoại giao can thiệp khi tàu chạy vào đảo Linh Côn để tránh bão. Đây là đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và đang bị Trung Quốc chiếm giữ. Cũng vào thời điểm đó, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi từ ngoài khơi báo cáo về đất liền, có 3 tàu cá trụ lại ở bãi ngầm quần đảo Hoàng Sa và không vào bờ, ngư dân thả neo trên các bãi cạn.

Nếu bão cấp 10 thì các tàu cá chạy vào các đảo quân sự, còn dưới cấp này ngư dân tự tin thả neo trên các bãi cạn để trụ bám đảo.

VÀO ÐÁ LỒI

Trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, đảo Đá Lồi là điểm các tàu chiến của Việt Nam Cộng hòa bắt đầu chuẩn bị để tiến vào lòng chảo của vòng Nguyệt Thiềm để khai chiến cùng tàu chiến Trung Quốc. Đảo Đá Lồi là một rạn san hô hình vòm như một sân vận động. Đảo này nằm cách đảo Quang Hòa khoảng 13,5 hải lý. Hòn đảo này không có lính Trung Quốc đồn trú và có thể xem đây là một siêu âu thuyền do thiên nhiên tạo ra giữa biển khơi.

Vì âu thuyền tự nhiên này dài gần 30 km, nên sức chứa được hàng chục ngàn tàu cá. Nhiều nguồn tài liệu đề cập, khi thủy triều rút thì vành đai đảo nhô lên mấp mé trên mặt biển, khi thủy triều dâng cao thì mực nước ngang bằng vành đai san hô. Khi thời tiết xấu, ngư dân có thể chạy vào bên trong tránh gió cấp 10. Trong lòng đảo nước trong xanh, ngư dân có máy đo sâu nên có thể tìm những điểm neo trú tùy theo nhu cầu thả neo của mỗi tàu cá.

Trong những lần phỏng vấn gần đây nhất, các ngư dân cho biết, rất nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và Bình Định đã chạy vào trong đảo Đá Lồi để tránh gió, ngư dân Trung Quốc cũng chạy vào, nhưng neo riêng ở một góc. Khi biển lặng sóng, các ngư dân thường hối hả cho tàu rời đảo, vì hòn đảo này chỉ có 2 cửa ra vào và ngư dân lo ngại tàu tuần tra Trung Quốc sẽ đến chặn cửa làm khó dễ như đã từng xảy ra.

Một số ngư dân quá lo xa thì rời đảo Đá Lồi và xuôi ra tận đảo Bom Bay (hơi giống đảo Đá Lồi). Tuy nhiên, đảo Bom Bay cách vòng Nguyệt Thiềm hàng trăm hải lý, nên hải trình tốn nhiều thời gian và nhiên liệu. Ngư dân Nguyễn Văn Bình, quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi từng thả neo trên bãi cạn và trụ được qua cơn bão cấp 11. Ông Bình cho biết: “Đó là lúc lâm thế, không thể chạy được vào các đảo quân sự, nhưng cũng nhờ cách neo đó mà cả chục anh em thoát chết”.

Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ: ​Neo tàu, bám đảo ảnh 2

Ðảo Ðá Lồi, nơi nằm gần vùng hải chiến Hoàng Sa 1974 là điểm neo trú tránh bão khá thuận lợi. Ảnh chụp từ màn hình định vị của tàu cá đang đi vào vòng Nguyệt Thiềm. Ảnh: Văn Chương 

THẢ NEO CẠN

Neo tàu ở vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa, mỗi tàu thường mang theo một chiếc phi chứa 40 đến 60 mét dây xích hoặc dây cáp chịu lực. Ngư dân bỏ dây cáp vào phi, đổ nhớt bảo quản dây cáp để chống ô xy hóa bởi nước mặn. Đối với các tàu cá có chiều dài thân tàu 17 mét trở xuống thì sử dụng dây cáp hoặc xích phi 28. Tàu cá có chiều dài trên 17 mét sử dụng loại dây cáp, hoặc xích phi 30.

Dây cáp neo tàu được ngư dân gọi là dây buộc trố (trố là những cục san hô ngầm gọi theo tiếng địa phương). Dây cáp khi nối với dây ni lon buộc vào mũi tàu phải lấy nhiều quần áo cũ để biến thành nẹp, bó quanh dây. Vì độ ma sát giữa dây với thân tàu rất lớn, dù mưa gió nhưng dây vẫn nóng lên vì chà xát với mũi tàu. Nhưng nhờ có quần áo cũ dây giảm bớt độ ma sát và không bị đứt.

Trước khi bão tới, các ngư dân bấm máy dò độ sâu và tìm vị trí sát các đảo, nơi có độ sau 4 mét nước. Theo các thuyền trưởng, nếu neo tàu ở nơi có độ sâu lớn hơn 4 mét thì tàu sẽ bị sóng đào (sóng đào là cách nói địa phương, có nghĩa là sóng lớn cuộn tàu lên). Còn nơi neo tàu có độ sâu từ khoảng 4 mét thì sóng sẽ yếu đi và chỉ còn bọt sóng. Các ngư dân sẽ ngậm ống thở và đeo gương lặn xuống để tìm địa điểm neo tàu. Xích sẽ quấn vào các hòn đá san hô. Ngư dân chọn san hô liền chân. Vì theo kinh nghiệm, có nhiều cục san hô là chân gởi (chân san hô không ăn liền với tảng san hô) nên sóng lớn sẽ đánh bật dây neo. Nếu không tìm được cục san hô để quấn dây xích đành phải di chuyển sang vị trí gần đó để dò tìm và cố định neo.

Năm 2018, đề tài nghiên cứu “Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo” của tác giả (Trung tá Lê Văn Chương) đã được Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Ðông của Học Viện Ngoại giao trao giải đặc biệt xuất sắc. Tác giả đã biên soạn thành cuốn sách để phổ biến rộng rãi, giúp nhiều tàu cá quay trở lại vùng hải chiến Hoàng Sa xưa.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.