Nói “không” với “cao hổ”!

Nói “không” với “cao hổ”!
Người dân nên nói "không" ngay khi được ai đó chào mời mua "cao hổ cốt"!". Các loại "cao hổ" được bán trên "thị trường lén lút" chỉ là thứ được các tay bịp nấu bằng xương bò, trâu, chó...

Lâu nay, nhiều người vẫn tìm mua cho bằng được cao hổ cốt vì lời đồn thổi chữa được bách bệnh. Thế nhưng thật - giả của loại cao này lại rất khó nhận biết được (nếu không muốn nói là không thể).

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Danh Tài - Chủ tịch Hiệp hội Đông y Lâm Đồng, và ông cảnh báo ngay:

"Phải nói ngay là hiện nay tại Việt Nam (và cả Đông Dương), hổ hoang dã chỉ còn rất ít. Hổ là động vật đã được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới (cấm săn bắt dưới bất kỳ hình thức nào).

Cũng có một số người nuôi, nhưng số lượng không đáng kể và cũng không được phép làm thịt để lấy xương nấu cao. Vì thế trên thị trường công khai, kể cả các xí nghiệp dược phẩm của Nhà nước hoàn toàn không bán cao hổ cốt. Vì thế người dân nên nói "không" ngay khi được ai đó chào mời mua "cao hổ cốt"!".

Bác sĩ Trần Danh Tài còn cho biết, thực tế có một số người lén lút rao bán "cao hổ" và thường viện dẫn một số lý do (kể cả cung cấp phim dỏm quay cảnh làm thịt một con hổ nào đó) để thuyết phục người mua; hoặc được "chiến hữu" tặng; được các vị lãnh đạo cao cấp nhượng lại; mang từ Lào, Campuchia hay Thái Lan về; thậm chí có người còn nói từ thời kỳ Pháp thuộc do các cụ để lại (?!)...

Tất cả những viện dẫn đó đều không thể tin cậy được, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô lý. Và ngay cả khi chứng kiến việc làm một con hổ thật, nấu cao thật trước mắt đi nữa thì các tay bịp vẫn dễ dàng cho bạn đem về nhà một sản phẩm cao... chó; khổ nữa sau đó lại có thể còn bị liên lụy đến pháp luật.

Hiện nay trên thị trường người ta bán "cao hổ cốt" khoảng 15-20 triệu đồng/300 gr. Rất đắt mà không thể biết chất lượng thật giả, vậy mua để làm gì?

Để phân biệt được cao hổ cốt thật hay giả cực kỳ khó khăn và tốn kém, phải được làm ở những cơ sở có trang thiết bị đặc biệt và phải do những cán bộ chuyên ngành mới phân biệt được. Đa phần các loại "cao hổ" được bán trên "thị trường lén lút" được các tay bịp nấu bằng xương bò, trâu, thậm chí còn cho cả a giao (keo da trâu hay da bò), xương chó...

Tốt hơn hết là không nên mua (dù của bất kỳ ai). Cũng cần nói thêm rằng, nếu ai đó bảo là cao của họ do các cụ để dành mà có thì lại càng không nên tin. Dù đó là cao hổ thật cũng không nên dùng, vì nếu để lâu chắc chắn đạm trong cao bị phân hủy, biến chất, rất nguy hiểm khi dùng.

Hiện nay để trị các chứng phong tê thấp, đau nhức xương, phục hồi sức khỏe, chúng ta có nhiều phương pháp, bài thuốc (đông y) rất hiệu quả, không nên "cầu cạnh" đến cao hổ cốt làm gì.

Đặc biệt các bệnh nhân bị bệnh thống phong (gút) và tim mạch thì không nên dùng. Hãy cẩn thận để khỏi rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang"!

Theo Bảo Trân
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.