Nan giải chuyện tiêu hủy sữa

“Nói không” với melamine!

“Nói không” với melamine!
TP - Hôm qua, 7/10, tại cuộc họp liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm ở TPHCM, nhiều nhà chuyên môn và lãnh đạo của thành phố cho rằng “không thể chấp nhận sản phẩm có chất melamine”.

Tiến sĩ Lê Hoàng Ninh- Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM ví doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất sản phẩm sữa và thực phẩm khác có chứa melamine như kiểu doanh nghiệp làm hàng giả!

Vì vậy theo ông, việc chấp nhận có hàm lượng melamine nhất định trong sản phẩm với ngưỡng cho phép là điều không thể chấp nhận.

“Bỏ melamine vào trong sữa là một kiểu đánh lừa người tiêu dùng, là một việc làm phạm pháp”- TS Ninh nói. Còn theo ông Lê Xuân Đài - Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường TPHCM thì việc hàm lượng melamine có thấp đến mấy cũng không chấp nhận nó tồn tại trong sữa.

Ông Đài cho rằng những tác hại mà trẻ em ở Trung Quốc phải gánh chịu khi sản phẩm sữa dính melamine là bằng chứng để chúng ta nói không với sản phẩm chứa độc chất này. Trong khi đó, bác sĩ Lê Trường Giang - PGĐ Sở Y tế TPHCM cho biết: Nếu trong sữa có hàm lượng melamine nhỏ cũng có thể chấp nhận(!?).

Để có sự thống nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Giang cho rằng thường trực UBND TPHCM sớm có văn bản yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa và sản phẩm từ sữa phải “công  bố chất lượng sản phẩm bổ sung không có melamine”.

Điều này có nghĩa ngoài hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm bắt buộc doanh nghiệp phải có từ trước, nay doanh nghiệp phải bổ sung thêm hồ sơ “sản phẩm của mình không có melamine” để công bố.

“Sau khi có thông tin sữa nhiễm melamine, doanh nghiệp cũng đã làm kiểm nghiệm và công bố trên báo chí. Tuy nhiên, một khi doanh nghiệp công bố sản phẩm này với cơ quan chức năng thì họ phải chịu trách nhiệm hơn với người tiêu dùng. Và khi ngành chức năng tiến hành hậu kiểm, nếu sản phẩm đã công bố vi phạm sẽ bị xử lý nặng” - ông Giang cho biết.

Ông Nguyễn Thành Tài- Phó Chủ tịch Thường trực  UBND TPHCM đồng ý với quan điểm này và cho biết sẽ ban hành chỉ thị vào hôm nay, 8/10. Tuy nhiên, ông Tài yêu cầu trong thời điểm này cần tập trung mạnh vào thanh kiểm tra sữa, đặc biệt là các sản phẩm sữa dành cho trẻ em và ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Nan giải chuyện tiêu hủy sữa

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM về công tác thanh kiểm tra sữa và các nguyên liệu từ sữa từ ngày 19/9 đến nay, toàn TP đã có 34 cơ sở được kiểm tra.

Trong đó, Sở Y tế đã tiến hành lấy 74 mẫu đi kiểm nghiệm, đã có 8 mẫu sữa thành phẩm và nguyên liệu làm từ sữa nhiễm melamine, trong khi đó quản lý thị trường lấy 4 mẫu kiểm nghiệm nhưng chưa có kết quả.

Theo Sở Y tế, hiện vẫn còn hơn 160 tấn nguyên liệu có nguồn gốc từ sữa và sữa thành phẩm, tạm giữ chờ kết quả kiểm nghiệm. Đó là chưa kể hơn 36.200kg nguyên liệu có nguồn gốc từ sữa và hơn 16.000lít sữa thành phẩm nhiễm melamine chờ tiêu hủy.

Tuy nhiên, đến nay chuyện tiêu hủy sữa nhiễm vẫn chưa có sự thống nhất giữa các ngành liên quan. Một đại biểu cho rằng, ở quận huyện đã có hiện tượng khi phát hiện sữa bẩn đã pha với nước rồi đổ bỏ.

Theo ông Lê Xuân Đài, ngoài những sản phẩm nhiễm bị niêm phong, còn những sản phẩm không nhiễm melamine nhưng đã niêm phong thì nhanh chóng giải phóng, tránh gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Đài cũng đề nghị: “Nếu nguyên liệu sữa không nguồn gốc, nhãn mác, chất lượng đã được đưa vào chế biến trong sản phẩm, không có melamine cũng nên tiêu hủy”. Ông Lê Trường Giang cho rằng: “Việc xử lý sữa dính melamine cũng cần tính toán cẩn thận vì không nhất thiết phải tiêu hủy tất cả mà cần có ý kiến ngành chức năng và nhà khoa học”. 

TPHCM: Phát hiện 20 tấn sữa dỏm

Hôm qua (7/10), ông Lê Xuân Đài - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết lực lượng quản lý thị trường vừa phát hiện và bắt giữ 20 tấn sữa có nhãn nhiệu Amilk Gold và đã lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm.

Đây là sữa bổ sung can xi dành cho người lớn tuổi có chức năng giúp xương chắc khỏe, tăng trí nhớ và các bệnh về mắt do Cty TNHH Chế biến thực phẩm Khương Nguyên ở 70/476/6A Huỳnh Văn Nghệ, quận Gò Vấp, TPHCM phân phối và nhà máy đóng ở 211A Hoàng Văn Thụ, P.8, Q. Phú Nhận sản xuất.

Theo ông Đài, chủ cơ sở cho biết nguyên liệu nhập khẩu từ Newzealand nhưng không chứng minh được nguồn gốc; cơ sở không có các giấy tờ liên quan đến. Hiện ngành chức năng đã niêm phong toàn bộ lô sữa trên.

MỚI - NÓNG