Nỗi lo 'di sản thế giới' hậu vinh danh

Nhiều chuyên gia lo ngại về những biến tướng khi Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ảnh: Nhã Khanh.
Nhiều chuyên gia lo ngại về những biến tướng khi Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ảnh: Nhã Khanh.
TP - Những tranh cãi xung quanh câu chuyện “di sản thế giới” ở Việt Nam không mới nhưng chưa bao giờ cũ, nhất là khi mới đây Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tiếp tục được UNESCO công nhận di sản thế giới, khiến chủ đề này được hâm nóng trở lại.

Thời của “di sản thế giới”?

Việc phong danh di sản ở Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là khá ồ ạt trong nhiều năm qua. Nói về tình trạng này, GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam nhận định: “Di sản giúp cho gương mặt Việt Nam được giới thiệu đến với nhân loại nhưng nhiều nơi coi di sản UNESCO như một danh hiệu để thi đua, vì vậy đã không có ít nơi tìm mọi cách để có được danh hiệu di sản thế giới bằng mọi giá”.

Hiện, Việt Nam có 24 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới: 3 Di sản thiên nhiên: Vịnh Hạ Long (1994), Cao nguyên đá Đồng Văn (2010), vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (2003). 5 Di sản văn hóa vật thể: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Phố cổ Hội An (1999), khu di tích Mỹ Sơn (1999), khu di tích Hoàng Thành-Thăng Long (2010), thành Nhà Hồ (2011). 4 Di sản tư liệu: Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2010), Mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (2012), Châu bản triều Nguyễn (2014).  1 di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới: Quần Thể danh thắng Tràng An (2014). 11 di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng ở Phù Đổng và đền Sóc (2011), Hát xoan của tỉnh Phú Thọ (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử Nam bộ (2013),  Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi thức kéo co (2015), và mới đây nhất là Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ (2016).

Chưa kể, một danh sách dài đang xếp hàng chờ được xét duyệt để công nhận là di sản thế giới như: Chùa Hương, Vườn quốc gia Cúc Phương, Cố đô Hoa Lư, Bãi đá cổ Sa Pa, Hang Con Moong, Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Nhà tù Côn Đảo, Nhà thờ Phát Diệm, Quần thể di tích núi Yên Tử, Di chỉ khảo cổ Óc Eo, Vườn quốc gia Cát Bà,… Về phi vật thể có: đàn bầu, nghệ thuật hát Then của dân tộc Tày, xòe Thái Tây Bắc, nghệ thuật Bài Chòi (Bình Định), lễ Quá tang (Cấp sắc) của dân tộc Dao (Yên Bái)… cũng xin được lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Chí Bền (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia), một người đã có nhiều năm trải nghiệm trong việc trình các hồ sơ lên UNESCO thì số lượng di sản thế giới của Việt Nam chưa thấm vào đâu và chưa thể gọi là nhiều so với kho tàng di sản rất phong phú của người Việt. “Người ta cứ nói phong trào di sản nhưng tất cả hồ sơ đều được chính phủ phê duyệt thì làm gì có chuyện phong trào. Mà cũng không phải cứ nộp hồ sơ trình UNESCO là được công nhận. Hội đồng ban giám khảo đến từ 24 quốc gia xét duyệt rất nghiêm khắc, ngặt nghèo. Rất nhiều hồ sơ của Việt Nam đã bị từ chối vì không đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật như hồ sơ Vườn quốc gia Cát Tiên, hay chưa chứng minh được tính độc đáo, duy nhất như Vườn quốc gia Ba Bể. Cùng trong đợt xét danh hiệu của năm 2009, khi Việt Nam chỉ ứng cử mỗi hồ sơ Quan họ thì Trung Quốc có tới 22 di sản được công nhận, Nhật Bản có 13 di sản, Croatia 7 di sản, Hàn Quốc 5 di sản.…”- ông cho biết thêm.     

Nỗi lo 'di sản thế giới' hậu vinh danh ảnh 1 Vịnh Hạ Long- di sản thế giới từng 4 lần bị UNESCO khuyến cáo và đề nghị giải trình về công tác quản lý, bảo tồn.

Nguy cơ bị tước danh hiệu

Mục tiêu cao nhất khi UNESCO khi công nhận các khu di sản thế giới là đưa các khu này vào khuôn khổ quốc tế và làm thế nào để đảm bảo cho việc bảo tồn những khu di sản thế giới được thực hiện một cách chuẩn nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng thường sau khi được công nhận thì du khách rất thích đến tham quan những nơi này, vô tình đẩy di sản vào cảnh bị du lịch “bóc lột”.

Thực tế, nhờ có du lịch mà nhiều địa phương và người dân có nguồn thu từ di sản. Tuy nhiên, khai thác du lịch khiến một số di sản của Việt Nam đã bị cảnh báo khi đánh mất “phần hồn” của mình. Phố cổ Hội An là một ví dụ. Trong quá trình phát triển du lịch, người dân đã bán hoặc cho thuê nhà để sử dụng làm nơi kinh doanh. Không còn là nơi ở của dân cư gốc khiến tinh thần của phố cổ đang đứng trước nguy cơ mai một.

Sau khi không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, ngay lập tức những bộ cồng chiêng được khách du lịch và các tay chơi đồ cổ săn lùng, đến nỗi, nhà nước phải bỏ tiền đúc chiêng cho dân. Việc thánh địa Mỹ Sơn đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày đã phần nào ảnh hưởng lên di tích, bởi đây là những công trình kiến trúc, khách giẫm đạp khiến một số nơi rạn nứt, đổ vỡ.

Bên cạnh niềm hân hoan, vui mừng khi Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh mới đây, cũng có những băn khoăn, lo ngại hầu đồng sẽ bị biến tướng, cuồng tín, trục lợi, làm mất đi giá trị vốn có của tín ngưỡng chứa đựng những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc này.

Trong quá trình xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản, tất cả các nước đều phải cam kết có những chương trình hành động để bảo tồn và phát triển di sản. “UNESCO có quyền công nhận và cũng có quyền tước bỏ danh hiệu. Nếu trong quá trình thực hiện, họ kiểm tra thấy các di sản của chúng ta không còn đáp ứng được yêu cầu thì sẽ xem xét khả năng tước bỏ danh hiệu. Chúng ta cần phải làm tốt việc bảo tồn phát huy giá trị các di sản đã được công nhận, cũng như đưa vào bảo vệ khẩn cấp” - GS. TS Nguyễn Chí Bền bày tỏ sự lo ngại.

Thế giới đã chứng kiến năm 2007, khu bảo tồn Arabian Oryx của Oman bị tước danh hiệu khi để tình trạng khai thác dầu mỏ, săn bắn trộm và nạn ô nhiễm môi trường khiến các loài vật quý hiếm ở đây suy giảm mạnh. Năm 2009, UNESSCO tiếp tục gạch tên Thung lũng Elbe của Đức ra khỏi danh sách di sản thế giới do các dự án xây dựng làm ảnh hưởng đến cảnh quan vốn có của thung lũng.

Ở Việt Nam, Vịnh Hạ Long từng bị cảnh báo tước danh hiệu do tình trạng ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Hoàng thành Thăng Long cũng bị cho vào “danh sách đen” trước nguy cơ xuống cấp, rêu mốc và ngập nước. Cố đô Huế cũng từng bị khuyến nghị về việc quản lý và phát triển đô thị gây ảnh hưởng đến di sản. Sự kiện 3.700 người tập trung hát quan họ tập thể ở Bắc Ninh để lập kỷ lục cũng bị nhận định là phản cảm, phi quan họ. Mấy năm nay, hát Xoan, hát Ca trù luôn nằm trong danh sách những di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp do thiếu nghệ nhân và lớp trẻ kế cận. Nếu không có phương án khắc phục, nguy cơ các di sản này bị tước danh hiệu là rất có thể.

Bàn về chuyện này, PGS-TS. Trương Quốc Bình (Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia) cho rằng có trách nhiệm không nhỏ của các nhà quản lý du lịch, trong việc tổ chức tour tuyến phù hợp. “Hướng dẫn viên phải hiểu biết về các giá trị của di sản từ phong tục tập quán đến kiến trúc nghệ thuật... để chuyển tải đến du khách, giúp họ hiểu và chủ động tham gia việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản”, ông nói.

GS. Nguyễn Chí Bền phân tích: “Ở Nhật, chính phủ đã xây dựng chính sách, chế độ đảm bảo cuộc sống cho nghệ nhân. Ở ta cũng nên chú trọng đầu tư vấn đề này. Tôi đánh giá cao việc Bắc Ninh cấp thẻ bảo hiểm y tế cho nghệ nhân quan họ. Việc truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ sau hay đi hát, đi biểu diễn... cần phải có chế độ để kích thích, động viên người dân xứng đáng. Phải để người dân được hưởng lợi từ di sản thì họ mới có ý thức giữ gìn”. 

Thực tế, nhờ có du lịch mà nhiều địa phương và người dân có nguồn thu từ di sản. Tuy nhiên, khai thác du lịch khiến một số di sản của Việt Nam đã bị cảnh báo khi đánh mất “phần hồn” của mình.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).