Nỗi niềm ông chủ xứ “Kim Chi”

Ông Kim Heung Soo- một trong số người đã mở đường cho giao thương kinh tế TPHCM- Hàn Quốc. Ảnh: L.N
Ông Kim Heung Soo- một trong số người đã mở đường cho giao thương kinh tế TPHCM- Hàn Quốc. Ảnh: L.N
TP - Sau lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào năm 1986, ông yêu xứ sở này từ đó để rồi 6 năm sau ông quyết định từ bỏ Seoul (Hàn Quốc) hoa lệ cùng vợ chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai. Gần 25 năm sống ở Sài Gòn, nơi đã mang lại cho vợ chồng những quả ngọt và cũng không ít đắng cay, có cả canh bạc trên thương trường.

Kim Heung Soo - Tổng giám đốc Công ty Đại Quang Maika, thương hiệu may mặc mà ông gây dựng gần 25 năm qua ở Việt Nam giờ đang đứng trước sóng gió. Người đàn ông 64 tuổi này nói mình đang sống những ngày tháng không thể buồn hơn.

Người mở đường

Kim Heung Soo với chiếc kính cận dày cộm trên khuôn mặt tròn bầu thi thoảng pha một vài câu tiếng Việt bập bẹ khi kể về hành trình đến Sài Gòn. Bỏ lại sau lưng những khảo sát làm ăn với Indonesia và Trung Quốc, cuối cùng ông Kim đặt chân đến TPHCM vào một ngày cuối năm 1986. “Lúc ấy, tôi được một người bạn ở Seoul giới thiệu với vợ chồng ông Hàn Phúc Sinh và Dương Thị Mai Khanh ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM - vốn làm nghề gia công may mặc. Sau đó tôi hợp tác với vợ chồng ông Sinh nhập hàng”- ông Kim nhớ lại.

Công việc làm ăn thuận chèo mát mái cũng là lúc ông làm cầu nối cho các doanh nhân xứ Kim Chi sang TPHCM cùng tìm kiếm cơ hội đầu tư. Từ một người, đến hai rồi hàng chục người được sợi dây gắn kết của ông Kim kết dính lại và trở thành một đường dây giao thương qua lại giữa Seoul và Sài Gòn thời bấy giờ.

Ông kể có những người sang tìm hiểu đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, cũng có người kết hợp gia công may mặc, giày dép... nhưng tất cả đều làm ăn trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bền chặt cho đến nay. Kan Choe Hun - một đại gia trong ngành kinh doanh thực phẩm nổi tiếng ở TPHCM vẫn thầm cám ơn ông Kim mỗi khi nhắc đến quá khứ của mình. Với ông Kan, nếu không có người “mở đường” Kim Heung Soo có lẽ ông không có được như ngày hôm nay. 

Từ một người làm ăn nhỏ lẻ ở xứ sở Kim Chi, Kan được ông Kim hướng dẫn sang TPHCM để mở rộng thị trường. Sau gần 20 năm lăn lội ở nơi đất khách quê người, những mặt hàng thực phẩm Hàn Quốc của ông Kan đã làm mưa làm gió ở thị trường Việt Nam, trở thành một trong số những người thành công hiện nay. Hàng loạt những người như ông Kan, ít nhiều đều có “dấu ấn” từ sự giúp đỡ của ông Kim. “Ông ấy dẫn chúng tôi gặp rất nhiều khách hàng, đối tác tại TPHCM, ở Hà Nội, và hướng dẫn cho cách thức phân phối sản phẩm, lo các thủ tục pháp lý để giao thương hàng hóa”- Lee, một doanh nhân Hàn đang sống ở “phố Hàn” quận Tân Bình, kể.

Sóng gió thương trường

Ở vị trí Phó chủ tịch thường trực Hội doanh nhân Hàn Quốc - TPHCM, ít nhiều đã nói lên phần nào những đóng góp to lớn của ông Kim trong mối lương duyên kinh tế giữa hai nước. Nhưng trong kinh doanh chính bản thân ông Kim gặp không mấy thuận lợi. Năm 1992, để lại hai con ở quê hương, ông cùng vợ là Chyo So Hee đến đất này. Ông kể, thời đó pháp luật Việt Nam quy định để cấp chứng nhận đầu tư tại đây tôi phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời chứng minh có địa điểm tại một vị trí cụ thể, sau khi cấp chứng nhận đầu tư thì mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để làm được việc này, ông Kim đã nhờ ông Hàn Phúc Sinh đứng tên mua hộ mảnh đất rộng hơn 7.430m2 tại 45 Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân và xây dựng nhà xưởng. “Đó là vào ngày 14/9/1993”- ông Kim nhớ rất rõ. Sau khi có đất này, không quên tình nghĩa ân nhân, ông Kim cắt lại cho vợ chồng ông Sinh 2.600m2 đất để lập công ty riêng tên Maika. Số tiền mà ông Kim Heung Soo chuyển để mua mảnh đất này là hơn 431 nghìn USD, ông vẫn còn giữ tất cả chứng từ. Do luật pháp Việt Nam khi đó không cho người nước ngoài đứng tên sở hữu đất, vậy là ông Kim phải thuê lại chính mảnh đất mình bỏ tiền ra mua để hợp thức hóa thủ tục được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ngày 26/3/1994, Cty Dea Kwang của ông Kim Heung Soo ở Hàn Quốc liên doanh với doanh nghiệp của ông Sinh có tên May Maika và được cấp phép đầu tư với tên gọi là Công ty TNHH Đại Quang Maika với thời hạn liên doanh 20 năm.

Nỗi niềm ông chủ xứ “Kim Chi” ảnh 1

Xưởng may mà ông Kim gây dựng kể từ ngày đặt chân lên mảnh đất Sài Gòn- nay đứng trước kiện tụng. Ảnh: L.N

Cầm trên tay hàng chục giấy ký nhận tiền để mua đất mà ông Kim chuyển cho vợ chồng ông Sinh, ông rưng rưng nước mắt. Không ngờ đến một ngày ông mất tất cả. Năm 2010, ông Hàn Phúc Sinh đơn phương làm thủ tục xin cấp sổ đỏ trên toàn bộ lô đất và quyền sở hữu nhà ở mang tên mình, mà không hề có sự đồng ý của Công ty Đại Quang Maika. Tuy chính quyền địa phương biết rõ Công ty Đại Quang Maika đang sử dụng đất hợp pháp tại vị trí đó, nhưng đã không thông báo sự việc cho ông Kim, mà lại cấp sổ đỏ cho ông Sinh, trong khi các quyết định của UBND TPHCM về điều chỉnh giá tiền thuê đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều mang tên Công ty Đại Quang Maika đang sử dụng diện tích này.

Một năm sau khi có được giấy tờ sở hữu trên, ông Sinh mất đi, con ông là Hàn Khải Trí được thừa kế. Ông Trí thông báo với ông Kim rằng Công ty May Maika không liên doanh với ông Kim nữa và đuổi ông Kim ra ngoài, yêu cầu đưa hết máy móc đi nơi khác trả lại phần đất hơn 7.430m2.

Từng đi gõ cửa cơ quan chức năng để làm thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng thị trường ở TPHCM, nay ông Kim lại đến gặp họ trong một hoàn cảnh trớ trêu với mình: xin trả lại đất hợp pháp. Không được cứu xét, ông Kim quyết định đưa vụ việc ra toà. Toà sơ thẩm tuyên ông thắng với những chứng cứ rành rành. Nhưng phúc thẩm buộc ông thua oan ức, giao lại đất cho ông Sinh.

Khóc cho ông chủ

Nghịch cảnh như vậy nhưng vợ ông Kim- Chyo So Hee vẫn luôn lạc quan, sát cánh cùng chồng. “Tôi tin công lý luôn đứng về người đúng đắn. Các giấy chuyển tiền cho ông Sinh đều ghi rất rõ là nhờ mua đất và làm nhà xưởng, vậy mà họ vẫn lật lọng”- bà Chyo So Hee nói. Hai người con, một cậu con trai đang làm kỹ sư cho tập đoàn SamSung và cô con gái dạy nhạc ở Hàn Quốc. Thi thoảng họ vẫn qua TPHCM thăm mẹ cha. “Có lần bọn trẻ khuyên chúng tôi về lại Hàn Quốc nhưng mảnh đất này và vô vàn kỷ niệm ở đây níu giữ tôi”- ông Kim kể. Là người luôn có tính hài hước mỗi lần nói chuyện nhưng lúc này đây ông ngồi trầm tư không che giấu nỗi buồn phiền xen âu lo.

Nỗi niềm ông chủ xứ “Kim Chi” ảnh 2

Ông chưa bao giờ để công nhân phải khó khăn. Ảnh: L.N

Chị Loan, công nhân có thâm niên 14 năm kể, chưa bao giờ ông để cho hàng trăm công nhân của mình biết ông lo lắng. Nhiều đơn hàng ở các nước ngưng không gia công, nhiều thị trường ở Mỹ và châu Âu cắt giảm nhưng ông Kim vẫn chạy vạy để kiếm đơn hàng nhỏ lẻ giúp duy trì việc làm cho 600 công nhân.

“Ông ấy vẫn quyết tâm để vực dậy công ty. Nhiều lúc buồn phiền ông sinh bệnh, nhưng ông luôn khẳng định: “Tôi không nhờ vả, chiếm đoạt của ai””- chị Hương - gắn bó với công ty hơn 20 năm nói về ông chủ của mình. Đầu tháng 8, gần 600 công nhân đồng ký đơn gửi Tổng Bí thư - Chủ tịch nước và Thủ tướng mong bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công ty ông Kim. “Chúng tôi vào đây làm, người ít thì 10 năm, người nhiều cũng 22 năm. Có được nghề cũng nhờ ông Kim đào tạo cho. Đây cũng là nơi giúp cuộc sống của chúng tôi ổn định”- các công nhân bày tỏ. Cho đến thời điểm này, dù khó khăn, điều mà ông Kim luôn làm được là vẫn đóng bảo hiểm và trả lương cho công nhân đầy đủ.

Trước hoàn cảnh của ông, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội cũng lên tiếng. Trong lá thư gửi Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, họ cho rằng, ngày 5/2/2015, Tòa án Nhân dân TPHCM đã phán quyết để công ty ông Kim tiếp tục hoạt động nhưng ngày 7/9 Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM lại đưa ra phán quyết ngược lại. “Chúng tôi quan ngại rằng phán quyết ấy khiến cho công ty của ông Kim khó hoạt động được ở Việt Nam, làm 600 công nhân nguy cơ mất việc và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam”- Đại sứ quán Hàn Quốc, bày tỏ.

Dẫn tôi đi thăm các công nhân đang làm việc, ông Kim Heung Soo thông tin sốt dẻo rằng, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm với Bản án phúc thẩm. “Viện kiểm sát tối cao đã chỉ ra Tòa án cấp phúc thẩm công nhận toàn bộ diện tích đất 7.430m2của Cty TNHH May Maika là chưa đủ cơ sở, ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty chúng tôi và 600 công nhân nơi đây. Tôi hy vọng công lý sẽ sáng tỏ”- ông Kim chia sẻ.

MỚI - NÓNG