Nỗi niềm sơn nữ

Phụ nữ dân tộc thiểu số đang đối mặt với cạm bẫy buôn người
Phụ nữ dân tộc thiểu số đang đối mặt với cạm bẫy buôn người
TP - Xã hội hiện đại, cuộc sống đồng bào bản địa lẫn du cư ở các buôn làng vùng sâu vùng xa trên Tây Nguyên bây giờ đã có nhiều khởi sắc. 

Tuy nhiên, nhiều cô gái không cam phận sáng chiều lên rẫy, muốn tìm cơ hội để đổi đời. Họ bỏ rừng xuống phố và cạm bẫy giăng mắc. Tuy nhiên, nhiều cô gái không cam phận sáng chiều lên rẫy, muốn tìm cơ hội để đổi đời. Họ bỏ rừng xuống phố và cạm bẫy giăng mắc. 

Kỳ 1: Các chiêu lừa 

Nhiều cô gái nhẹ dạ, cả tin lời đường mật nên bị sa chân vào cạm bẫy của bọn buôn người. Những năm gần đây, có không ít thiếu nữ bị lừa bán qua bên kia biên giới. Khi họ được cứu hoặc tìm mọi cách trốn được thì hậu quả đã xảy ra. Những câu chuyện đau lòng của họ xao xác cả vùng quê yên tĩnh. 

Sập bẫy tình

Từ trung tâm xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) lên “dốc cổng trời” thôn Ea Rớt, chúng tôi phải dò dẫm trên con đường đất đỏ gồ ghề, vượt qua cánh rừng âm u dài hơn 30 cây số. Vào sâu trong thôn, đói nghèo hiện hữu lên từng nếp nhà sàn cũ kỹ của người Mông nằm chênh vênh bên núi. 

Căn nhà xập xệ lọt thỏm giữa đồi của gia đình cô gái Lò Thị V (sinh năm 2001, học sinh trường THCS Cư Pui) vừa được Công an tỉnh Đắk Lắk giải cứu từ Trung Quốc trở về nằm im lìm trong ánh nắng chiều. Vài đứa trẻ mặt mũi lem luốc nấp sau vách nhà tò mò nhìn người lạ. Qua lời kể bằng tiếng kinh bập bẹ, ngắt quãng của ông Lò Seo S (57 tuổi) bố của V, chúng tôi biết được: Cách đây gần 1 năm về trước, một buổi chiều giữa tháng 10/2017, hai vợ chồng ông S không thấy con gái đi học về. Nghĩ có chuyện chẳng lành, ông đến trường hỏi thăm được bạn bè của V cho biết có 2 thanh niên lạ mặt đến rủ V đi chơi thác. Vài ngày sau, gia đình ông nhận được cuộc gọi của con gái báo đang ở Lào Cai, sắp bị bán sang Trung Quốc. Vợ chồng ông lên báo chính quyền địa phương… 

Sau khi được trưởng thôn đi cùng thuyết phục, V đồng ý tự kể câu chuyện bị lừa bán cho tôi nghe: Thông qua mạng xã hội, em kết bạn với một người tên Phương. Sau một thời gian nhắn tin, Phương ngỏ lời yêu và muốn cưới em làm vợ. Anh ấy hứa sẽ cho em một cuộc sống sung sướng, giàu sang sau khi kết hôn. Đến giữa tháng 10/2017, anh ấy hẹn gặp em để trao nhẫn cưới. Đến hẹn, Phương đi cùng với một người bạn, và rủ em ra Lào Cai chơi. Em tin ngay và cũng thấy ... yêu Phương, nên đồng ý. Khi ra đến Lào Cai, cả hai tìm cách vượt biên. Không ngờ Phương lại nhẫn tâm bán em vào một động mại dâm tại Trung Quốc, V nhớ lại.

Trong ánh nắng hiu hắt cuối chiều, đôi mắt thẫn thờ của Hồng Thị C (SN 1998, thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) như càng sẫm lại khi em kể thật thà cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện em liên tục bị sập bẫy lừa, tới nỗi bị sang qua bán lại ở xứ người. C trải lòng: Ở đây, các cô gái Mông ngày ngày quanh quẩn bên rẫy sắn nương ngô, nơi xa nhất đặt chân đến là chợ xã. Khi mạng thông tin về buôn làng, thông qua facebook, C đã kết bạn với một thanh niên tên Phềnh.

Những lời nói yêu đương mùi mẫn cùng lời hứa sẽ cho một cuộc sống sung túc khiến cô gái trẻ say trong giấc mộng tình yêu cùng người tình qua mạng. C đồng ý về nhà Phềnh để… ra mắt. Cuối năm 2016, Phềnh hẹn gặp C tại cầu treo cách nhà 5km, hẹn khi gặp nhau tại đó Phềnh sẽ... trao nhẫn cưới cho C. Đến ngày hẹn, C được một người tên Gia giới thiệu là bạn của Phềnh, được Phềnh nhờ Gia đến đón người yêu về ra mắt nhà trai, vì Phềnh đang bận chuẩn bị hôn sự cho cả hai. Ra tới nơi, C được Gia và Phềnh dẫn tới gặp một cặp vợ chồng đã lớn tuổi, rồi hai thanh niên ... bỏ đi biệt tích.   

Nỗi niềm sơn nữ ảnh 1  Một góc của thôn Ea Rớt

Theo đại tá Phạm Minh Thắng, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2017 đến nay lực lượng công an tỉnh đã phát hiện 14 phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc; đã đấu tranh làm rõ được 5 vụ và 8 nghi can. Lực lượng công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, phòng ngừa đấu tranh với loại tội phạm này. Tuy nhiên người dân cũng cần đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo của người lạ, và kịp thời tố giác đến cơ quan chức năng về những hành vi của tội phạm mua bán người. 

Ám ảnh xứ người

Đôi mắt còn hằn lên sự sợ hãi khi nhớ về quãng thời gian nơi đất người, Lò Thị V nhớ lại: Cô đã từng bị lôi qua cả quãng đường ngoắt ngoéo cho đến khi dừng trước một căn nhà ẩn sâu trong ngách núi. Đang ngơ ngác thì cô bị một gã bặm trợn lôi vào căn nhà tối om. Lúc này những câu chuyện khủng khiếp đọc được trên báo hiện ra trong đầu, V hiểu mình sa bẫy, ôm mặt khóc thì đã quá muộn…

Kéo lại chiếc áo cho kín cổ khỏi bị cơn gió lạnh hắt vào, V vẫn chưa hết thổn thức khi nhớ lại những chuỗi ngày kinh hoàng ở xứ người như địa ngục trần gian mà cô vô tình vướng phải bởi chính gã người yêu hờ. Sau khi lưu lạc ở nhà thổ, V được một người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ. Vì không đồng ý, V bị chủ nhà thổ bỏ đói, dùng gậy đánh đập tàn nhẫn. Sau thời gian bị bắt tiếp khách, khoảng giữa năm 2018, trên đường bị đưa về nhà một người đàn ông để làm vợ thì V được lực lượng công an kiểm tra và giải cứu.

Nỗi ám ảnh ở xứ người vẫn khiến Hồng Thị C (thôn Noh Prông) tới nay nhiều đêm bật dậy xót đau gào khóc. Trong 5 ngày C bị nhốt cùng hai thiếu nữ người Việt khác ở một căn nhà nhỏ, có nhiều người đàn ông ra vào xem mặt và thỏa thuận giá cả, cô nào không đồng ý đều bị nhà chủ bỏ đói và đánh đập tàn nhẫn.

C nghẹn giọng: “Chúng ngã giá em như một món hàng, rẻ mạt như rau cỏ”. C được bán cho một người đàn ông lớn tuổi. May sao chuyến xe buýt chở C về nhà chồng tương lai bị công an Trung Quốc dừng lại để kiểm tra. “Khi công an kiểm tra xe, em chạy đến nắm tay một cán bộ nữ khóc lóc, kêu cứu. Họ mời em về trụ sở làm việc. Khi biết em bị lừa, họ giúp đỡ đưa em về nước và bàn giao cho công an tỉnh Lào Cai. Sau đó, em được công an đưa về quê đoàn tụ cùng gia đình...

(Còn nữa).

MỚI - NÓNG