Nỗi niềm X24 - Làng Cung

Nỗi niềm X24 - Làng Cung
TP -  Mỗi gùi hàng từ vũ khí đạn dược cho tới hạt muối, cây kim sợi chỉ ngày ấy thấm đẫm mồ hôi và máu của lính X24. Dâng hiến, hy sinh cả tuổi thanh xuân, nhiều người ngã xuống, giờ đây nhiều  người trong  họ lam lũ, cô độc giữa tuổi già...

Xông pha dâng hiến thanh xuân

Những ai từng chiến đấu ở chiến trường khu 5 ngày ấy đều chịu ơn Y4, Liên Gia 14, hay còn gọi là X24, Làng Cung.

Ra đời năm 1959 tại căn cứ Trà My (Quảng Nam), quân số X24 khoảng 400 người nhưng hoạt động độc lập ngang cấp tiểu đoàn, chiếm 2/3 nữ giới, đó là các thanh thiếu niên thoát ly gia đình theo kháng chiến, TNXP và cán bộ miền Bắc tăng cường. 

Ngày 16/5 vừa qua tại Quảng Ngãi, đã có cuộc gặp mặt giữa các cán bộ chiến sĩ đơn vị. Mười bốn năm rồi kể từ lần đầu gặp gỡ, nhìn nhau qua mái tóc pha sương, nét mặt khắc khổ, ưu tư mà lòng rưng rưng xúc động. Cuộc họp đã thông qua Hồ sơ đề nghị Nhà nước ghi công và phong tặng X24 danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Chị Đặng Thị Thu (hiện ở tại 52 Thái Phiên, Đà Nẵng) cả thời niên thiếu và tuổi thanh xuân gắn với chiến khu. “Tôi cân nặng hơn 30kg mà gùi hàng trên lưng luôn trên 40kg, lúc leo dốc không cẩn thận dễ đổ kềnh. Khi nghỉ chân, cứ phải lựa chỗ vừa tầm kê gùi hàng trước rồi dựa luôn vào đó mà thở…”- chị nói. Chị Võ Thị Hạnh (Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam) kể, chỉ tiêu mỗi năm mỗi người phải gùi cõng được khoảng 15 tấn hàng, trung bình mỗi ngày trên lưng các chị ít nhất 40kg, để được phong làm kiện tướng số hàng phải đạt từ 70kg trở lên!

Các chị đi không ngừng nghỉ, đi ngày đi đêm, đêm không đèn đuốc, vạch rừng mà đi, âm thầm mà đi. Đang tuổi ăn ngủ, có lúc không cưỡng lại được vừa đi vừa ngủ, thúc cả vào gùi hàng người đi trước, có lúc đang đi đứng sựng lại ngủ, chợt tỉnh chạy bở hơi tai mới kịp đồng đội. Qua nhiều cung đường giờ nhớ còn dựng tóc gáy: Núi Hòn Dầu, đèo Chim Hót, Đèo Le, sông Giang, suối Nước Chè… Dốc Bình Minh (Trà Bồng, Quảng Ngãi) cao ngất ngưởng, xuất phát từ mờ sáng đến trưa khê mới chạm đỉnh, giao hàng xong, quày quả về mới kịp trước đêm, hai bắp chân tê cứng nhấc không nổi, vậy mà mai trên lưng gùi hàng nặng trĩu vượt sông nước Chè (Kom Tum)- sông dữ dằn như con thú hoang…

Nỗi niềm X24 - Làng Cung ảnh 1

Một hình ảnh thời ở chiến trường Khu 5 của anh Thái Huy Tường

“Đâu chỉ gùi cõng hàng nặng băng rừng vượt núi xa xôi cách trở, nguy hiểm tính mạng. Chúng tôi hành quân trong tình hình đồn bót địch đóng dày đặc, biệt kích Mỹ ngụy phục kích bất ngờ, đèn pha hàng ngàn oát của chúng rà sát mặt đất, rừng rậm nhưng đến con dế bò cũng bị phát hiện. B52 sẵn sàng rải thảm…”- anh Thái Huy Tường (hiện công tác tại VKSND tỉnh Quảng Nam), nguyên lính trinh sát, mở đường hạng từng trải và dũng cảm nhất X24 vẫn chưa hết ám ảnh về sự khốc liệt của chiến tranh và sự ra đi đau đớn của đồng đội.

Đặc biệt từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 68 của ta, địch cảnh giác cao độ, tăng cường quân và vũ khí tối tân. Đủ loại máy bay quần vũ trên trời thám sát, thả mưa bom, mưa chất độc hoá học xuống những khu vực khả nghi ta đóng quân. Các tuyến đường bị chúng dày công phục kích khiến cho việc khai thác, vận chuyển, tiếp tế nhiều thời điểm bị chặn đứng, lương thực thực phẩm cạn kiện, chỉ còn mấy rẫy sắn ngấm nặng chất độc hóa học.

“Bằng bất cứ giá nào, dù hy sinh đến mấy cũng phải đảm bảo phục vụ tốt nhất sinh hoạt toàn quân”, “khi cần phải có, khi khó không bó tay”- đó là khẩu hiệu và lẽ sống của X24. Việc khai thông “cửa khẩu” Quảng Ngãi là một sáng kiến, chiến công to lớn của X24, mở màn cho chiến dịch sau đó được áp dụng trên khắp các chiến trường, rất hữu hiệu mà địch hoàn toàn không ngờ tới: “Gom hàng của địch phục vụ kháng chiến !”. Hàng nghìn tấn hàng do X24 móc được từ trong vùng địch kiểm soát được vận chuyển lên chiến khu phục vụ cho khu ủy 5, và cả chiến trường Trung bộ trong suốt thời gian khó khăn nhất.

Bao năm rồi đã qua, nhưng trong lòng những người lính X24 vẫn chưa yên tiếng súng. Họ không thể quên chị Lài, anh Phú, anh Dương, anh Tơ… đã hy sinh như thế nào. Đang ăn chiều thì bom dội trúng mâm cơm, bốn người chết khi miệng đang nhai. Chị Lê Thị Lài (Cẩm Dương, Hội An) bị thương đổ ruột ra ngoài, chị chịu đau đớn, cố nhoài vớ cái rổ úp che vết thương, nói: “Tôi không sống nổi, các đồng chí hãy lo cho anh em khác”. 

Anh Phạm Hồng Tơ (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) thấy trực thăng địch nhào định bắt sống hai cán bộ nữ đang cõng hàng, quên bản thân mình giương súng bắn giải thoát cho đồng đội liền bị chiếc máy bay sau phát hiện, xả đạn. Anh Ngô Văn Ba (Sơn Thạch, Quế Sơn, Quảng Nam) đi trinh sát mở đường cho hàng qua, bị biệt kích bắn chết, được anh em chôn cất nhưng cả ba lần đều bị chúng đào lên. Đại đội trưởng Phạm Đông Sơn (Tịnh Hoà, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), dẫn đầu quân tải hàng bị chúng phát hiện bắn chết. Sau đó chúng banh xác anh phơi trên tảng đá rồi phục canh suốt một tuần không cho đồng đội mang về chôn. Sau này, phải chôn anh luôn cùng với phiến đá. Trận mưu bom ở vùng Tây sông Đà đã cướp đi sinh mạng cùng lúc 40 chiến sĩ…

Lam lũ cô độc tuổi già

Mỗi khi nhắc đến đồng đội, chị Hạnh mắt lại ngấn nước: “Bỏ qua thiệt thòi, cực khổ của người còn sống. Tâm nguyện của chúng tôi là dựng tấm bia tại khu căn cứ Trà My lưu danh những người đã khuất, vì đa phần mộ họ đều bị thất lạc, thành mộ vô danh, có người vẫn nằm khuất nẻo nơi chiến trường xưa…”. Chị Hạnh chịu khó tìm thăm đồng đội cũ, vì thế chị biết tường tận nhiều cuộc đời mang tên số phận. Này Phương (Vĩnh Điện, Điện Bàn, QN) “kiện tướng”, hai lần Chiến sĩ thi đua, nổi tiếng xinh đẹp, hát hay giờ không chồng chẳng con. Hường (Quế Sơn, Quảng Nam) nguyên trung đội phó thông minh, năng nổ giờ đơn chiếc lọ mọ kiếm sống qua ngày. Chị Mai, chị Bốn, chị Xuân, chị Hồng… đã cô đơn, bệnh tật, lại mãi  cảnh thiếu hụt.

Nỗi niềm X24 - Làng Cung ảnh 2
Nguyên tiểu đoàn trưởng  X24, ông Võ Cập : “Tôi thấy mình có lỗi với anh chị em ...”

Rơi vào cảnh này bởi thời niên thiếu, tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ở chiến khu ăn uống kham khổ, bị sốt rét vật, lại mang vác nặng, ngâm nước ngay trong ngày “kiêng cữ”, hầu hết chị em đơn vị bị tắt kinh kéo dài dẫn đến mất khả năng làm mẹ, người sinh con thì bị di chứng chất độc hoá học và nỗi đau đó ám ảnh nhiều chị em khác khiến họ không dám lập gia đình, ám ảnh cả những người đàn ông làm cho họ không dám lấy người mình yêu và nhiều chị em đã phải “tự túc” kiếm đứa con vui tuổi già.

“Tôi không thể nhận ra các chị vì sự lam lũ, khổ cực đã tàn phá dung nhan, cơ thể các chị đến tàn tạ”- Chị Thu không thể nào quên tâm trạng của mình trong cuộc hội ngộ đầu tiên với đồng đội vào năm 1995 do anh chị em tự đứng ra tổ chức.

Ở tuổi 86, ông Võ Cập (hiện trú tại thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) nguyên tiểu đoàn trưởng X24 vẫn giữ được vóc dáng của một thời vạm vỡ. Ông đứng mũi chịu sào ở X24 từ ngày đầu thành lập và vì thế rõ mọi nếm trải, hy sinh, đóng góp của các cán bộ chiến sĩ đơn vị.

Nỗi niềm của X24 - Làng Cung ẩn chứa sâu sắc trong con người này, khi ông nói: “Trận địa của chúng tôi thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng và ác liệt. Hàng chính là vũ khí góp phần chiến đấu và chiến thắng. Người đi trước ngã xuống có người đi sau bước tiếp. Mỗi gùi hàng, thậm là hạt muối, cây kim sợi chỉ ở chiến trường khu 5 ngày ấy không chỉ thấm đẫm mồ hôi, mà còn là máu thịt lính X24. Nhưng cho đến nay, tất cả còn khuất lẫn vào thời gian. Thậm chí mộ phần của anh em đơn vị hiện rải rác nhiều nơi, nhiều trường hợp biết có tên mà vẫn chịu cảnh vô danh, bởi anh chị em chúng tôi không ai có điều kiện để đi xác minh, thăm viếng...”.

Người lính già xứ Quảng chất phác đưa tay áo chùi đôi mắt dăn deo đỏ khô giờ đã ươn ướt, nói tiếp: “Tôi thấy mình có lỗi nhiều lắm với các chị đến giờ vẫn không được xét trợ cấp, phải đi làm thuê kiếm ăn từng bữa trong tình trạng cô đơn, tuổi ngày một cao, cơ thể suy nhược, âm thầm chống chọi bệnh tật vốn là hậu quả của thời làm việc quá sức !”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.