Nội thành, ngoại thành Hà Nội 'bơi' trong mùa mưa, vì sao?

Nhiều khu vực ở Hà Nội ngập nặng sau cơn mưa lớn ngày 20 - 21/7
Nhiều khu vực ở Hà Nội ngập nặng sau cơn mưa lớn ngày 20 - 21/7
TPO - Việc chưa hoàn thiện hạ tầng thoát nước cùng tính dự báo chưa sát thực tế là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cứ mưa là ngập ở Hà Nội.

Theo chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm, việc chưa hoàn thiện hạ tầng thoát nước, cùng tính dự báo chưa sát thực tế là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cứ mưa là ngập ở Hà Nội.

Theo ông Nghiêm, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước toàn thành phố, thậm chí có cả quy hoạch điều chỉnh đợt 2, nhưng trong quá trình làm chưa thực hiện đầy đủ và hoàn tất. “Từ thực tiễn này đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện quy hoạch thoát nước”, ông Nghiêm nói.

Với khu vực nội thành, theo ông Nghiêm, hiện nay, thành phố đã cống hóa một số mương thoát nước, đã có tính toán nhưng chưa kết nối được với các khu dân cư xung quanh.

“Do công suất tối đa chưa đáp ứng được nên mưa to là dềnh lên đường phố”, ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm cũng nhấn mạnh, phải khơi thông, kết nối giữa các khu vực với nhau, đặc biệt trong khu vực nội đô.

“Phải xử lý việc thoát nước bằng cách thu gom, phân loại rác thải. Tránh hiện tượng rác thải quá nhiều làm tắc các cống thoát nước”, ông Nghiêm phân tích thêm.

Theo ông Nghiêm, Hà Nội cần dự báo tốt hơn, sát hơn với diễn biến thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu. “Dự báo thoát nước, lượng mưa của chúng ta chưa chính xác với tác động của biến đổi khí hậu”, ông Nghiêm nói.

Nội thành, ngoại thành Hà Nội 'bơi' trong mùa mưa, vì sao? ảnh 1

 Ông Đào Ngọc Nghiêm

Theo ông Nghiêm, từ những số liệu dự báo cập nhật nói trên, phải điều chỉnh lại dự án thoát nước, vì trước đây, theo tính toán, chưa đáp ứng được mức độ như hiện nay.

“Càng ngày càng mưa lớn. Hạ tầng chưa đáp ứng được. Dự án cũ tính theo thông số cũ chưa đáp ứng được, chưa theo kịp, chưa dự báo được tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lượng mưa”, ông Nghiêm nói thêm.

Với những điểm úng ngập cục bộ, ông Nghiêm cho biết, cần phải có điều tra, khẳng định, xác định rõ những điểm úng ngập để có giải pháp thực hiện.

“Cái này chúng ta bàn nhiều quá nhưng không làm. Phải điều tra những vị trí úng ngập cục bộ để đề ra các giải pháp. Thành phố HCM đưa các máy bơm siêu khủng vào rồi mà Hà Nội thì chưa làm được điều này”, ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm cũng nêu quan điểm về đề xuất đào hồ ngầm dưới lòng phố cổ để giải quyết một số điểm úng ngập cục bộ khu vực nội đô Hà Nội. Theo ông, đây là giải pháp chưa thực sự ứng dụng khoa học công nghệ mới.

“Giải pháp đào hồ ngầm chống ngập lụt ở nội đô là không thực tiễn. Bởi như thế chỉ là dự trữ nước. Từ những hồ ngầm như thế, việc liên kết với bên ngoài như nào là không có. Như vậy càng nguy hiểm hơn nữa”, ông Nghiêm phân tích.

Theo ông Nghiêm, cần phải tiếp tục nghiên cứu về điều kiện địa chất, thủy văn, chưa kể còn gây ảnh hưởng đến phần kiến trúc nổi bên trên.

“Cần đưa những máy bơm cực mạnh để xử lý úng ngập cục bộ. Còn việc đào hồ ngầm, bến ngầm kết hợp trông giữ xe, chứa nước là không thích hợp”, ông Nghiêm nói thêm.

Với các khu vực phía Hà Đông, Hoài Đức... bị ngập nặng trong mấy ngày vừa qua, ông Nghiêm cho rằng, đó là vùng trũng, thấp, nên nước đổ dồn về.

Một phần nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do xây dựng nhiều, cùng với đó, chưa quan tâm đến các khu vực cảnh quan cây xanh, mặt nước điều hòa.

“Trong các quy hoạch trước, quy hoạch tổng thể có chia ra các vùng thoát nước, mỗi vùng phải có bề mặt bao nhiêu, thậm chí còn có quy định về diện tích và khối lượng nước. Tức là hồ trong các công viên phải có chiều sâu bao nhiêu. Hiện nay ít thực hiện việc nạo vét nên chứa được ít nước hơn so với quy định, thêm vào đó lại chưa liên kết với bên ngoài”, ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, giải pháp để giải quyết tình trạng úng ngập ở phía Tây Hà Nội chỉ còn cách đẩy mạnh hoạt động các trạm bơm cuối nguồn, kết nối với sông Hồng.

“Nhưng thời gian qua người ta kêu nhiều, các sông kết nối với sông Hồng đều bị ô nhiễm. Lượng bùn, rác thải nhiều làm hạn chế tốc độ dòng chảy. Chung quy lại, lại quay về vấn đề xử lý rác thải, làm sạch các cống ngầm...”, ông Nghiêm nhận định.

MỚI - NÓNG