Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Chưa nắm được số liệu cán bộ rời chức vụ đã trả lại nhà công

Nóng bỏng chuyện nhà công biến thành nhà "ông"

Nóng bỏng chuyện nhà công biến thành nhà "ông"
TPCN - Phần chất vấn với Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân về vấn đề nhà công, nhà bán theo NĐ 61 hôm qua (25/11) thực sự đã làm nghị trường nóng hẳn lên.

>> Nhà công :  Ai trả, ai giữ ?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Tôi chưa thấy trường hợp nào bán nhà công vụ

Khái niệm nhà công vụ năm 1997 mới có!

Chất vấn của một số ĐBQH là: “Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định về tiêu chuẩn nhà công vụ.

Nóng bỏng chuyện nhà công biến thành nhà "ông" ảnh 1
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh

Có bao nhiêu người, nhất là những người có chức có quyền đã mua nhà ở công vụ theo Nghị định 61/CP của Chính phủ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh? Hướng giải quyết đối với những người đã mua nhà ở công vụ theo Nghị định 61/CP với giá rẻ?”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích rằng: Việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước được thực hiện theo nghị định 61/CP (ngày 5/7/1993) và việc bán đã phân cấp cho chính quyền các địa phương.

Riêng về nhà biệt thự, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước theo NĐ 61 tại Quyết định 189 (28/9/1998) trừ những biệt thự trong danh mục không được bán, danh mục này do UBND TP Hà Nội lập.

Sau đó Hà Nội cũng đã có Quyết định 4591 (ngày 7/9/2000) ban hành danh mục biệt thự không được bán, gồm 43 biệt thự, trong đó 20 biệt thự đang là của công vụ, 14 biệt thự thuộc khu trung tâm chính trị Ba Đình, 9 biệt thự  có giá trị đặc trưng về kiến trúc.

TP HCM cũng được Thủ   tướng Chính phủ có quyết định cho phép thí điểm bán biệt thự theo NĐ/61 tại Quyết định số 188 (ngày 28/9/1998), đến nay đã bán được 4 đợt.  Những biệt thự bán đều ở phố không nằm ở vị trí quan trọng và diện tích dưới 500 m2.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh,  từ 1997 về trước chưa có khái niệm nhà công vụ, khái niệm này chỉ có sau khi Văn phòng Chính phủ xây khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu (Đống Đa-Hà Nội) và Thủ tướng có Quyết  định 75 (năm 2000) ra quy chế quản lý nhà công vụ ở Hoàng Cầu này.

Tới tháng 9/2006, trong Nghị định 90 hướng dẫn Luật Nhà ở 2005 mới có 1 chương quy định  về nhà công vụ. Theo đó, khi cán bộ hết công vụ thì phải trả lại nhà công vụ trong vòng  3 tháng, và tuyệt đối cấm việc sang nhượng, cho mượn hay bán nhà công vụ.

Tiêu chuẩn nhà ở cho cán bộ: Hỏi Bộ Xây dựng?

Ông Nguyễn Minh Thuyết (ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đã chất vấn trực tiếp tại hội trường: “Dư luận nhân dân rất bất bình  trước việc biến nhà công thành nhà tư (“nhà ông”) bởi về mặt nào đó là hành vi sang đoạt của công.

Thực tế có 3 hành vi: Hoàn thành chưa khắc phục hậu quả, hoàn thành đã khắc phục hậu quả, và suýt hoàn thành.  Bộ Tài chính có tham mưu cho Chính phủ  xử lý các trường hợp trên?”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh  trả lời rằng, việc chuyển nhà công thành nhà tư là vấn đề lớn, có tính lịch sử. “Cho đến nay, theo tôi nắm được thì chưa có trường hợp nào bán nhà công vụ cho cán bộ đang thuê” –Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định.

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, ông Thuyết chất vấn tiếp “Bộ trưởng chưa trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi về tiêu chuẩn nhà ở cho cán bộ. Đề nghị Bộ trưởng khẳng định lại thông tin đến nay chưa có trường hợp nào bán nhà công vụ cho cán bộ, Chúng tôi biết có một danh sách không ít các nhà mà các đồng chí giữ các chức vụ nhất định đã được bố trí ở,  nhưng bây giờ đã hoá giá rồi, chuyện đó có đúng hay không?”.

Bộ trưởng Vũ Văn  Ninh trả lời ngay: “Thứ nhất, về nhà bán cho đối tượng đó thì tôi trả lời là chưa bán nhà công vụ. Còn nhà biệt thự thì đã được phép của Thủ tướng Chính phủ  cho bán theo quy định. Vẫn có danh mục biệt thự ở Hà Nội và TP HCM không được bán, và hiện nay những nhà đó vẫn chưa bán.

Thứ hai, về tiêu chuẩn nhà ở với cán bộ, theo phân công thì  Bộ Xây dựng là người chủ trì quản lý toàn bộ những vấn đề về nhà ở, vấn đề về tiêu chuẩn nhà ở, các bộ, ngành của Chính phủ sẽ tham gia ý kiến.

Ông Thuyết tỏ ra thất vọng: “Bộ trưởng trả lời thế tôi rất khó giải thích với cử tri. Xin Bộ trưởng giải thích cho thế nào là nhà công vụ? Nếu nhà công vụ như ở Hoàng Cầu thì tôi chắc chắn là không có mấy người muốn mua. Nhà biệt thự thì mới có giá trị. 

Thứ hai, Bộ trưởng cho biết cả Hà Nội chỉ  có 43 biệt thự không được phép bán, vậy số này là  trên tổng số bao nhiêu biệt thự của Hà Nội , chúng tôi muốn biết con số ấy?”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời: “Như thế nào là nhà công vụ thì trong Luật Nhà ở và Nghị định 90 của Chính phủ đã quy định rất rõ rồi.  Đối với nhà ở và nhà biệt thự của địa bàn Hà Nội, tôi nhớ không chính xác lắm vì tôi không quản lý lĩnh vực này, vào khoảng trên dưới 700 cái.

Những nhà ấy hiện nay cũng vẫn đang sử dụng, một phần làm nhà công sở, một phần cho làm nhà công vụ cho một số các đồng chí có tiêu chuẩn”.

Số biệt thự đã được bán, giá cả ra sao - không phải bí mật quốc gia

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, ông Dương Trung Quốc (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) chất vấn : “Một câu hỏi nhỏ trong một vấn đề lớn, lớn vì vấn đề liên quan đến các biệt thự và công thự. Lớn vì giá trị nhưng lớn hơn nữa là thông điệp về chính sách công bằng của Nhà nước.

Bộ trưởng có nói: Mọi người có thể yên tâm là tất cả việc xử lý đều đúng luật pháp, không có điều gì sai cả. Nhưng liệu Bộ trưởng có thể cung cấp cho ĐBQH và minh bạch đối với xã hội là biệt thự đã được bán như thế nào? Thu được bao nhiêu cho ngân sách, giá cả ra sao? Tất cả những số liệu ấy có được coi là bí mật quốc gia hay không?”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đáp rằng: Việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước nói chung và biệt thự nói riêng được thực hiện theo NĐ 61.  Nghị định đã quy định rất rõ về giá bán, đối tượng bán, diện tích được bán. Nếu diện tích trong tiêu chuẩn thì bán như thế nào, còn diện tích vượt tiêu chuẩn thì bán như thế nào, giá ra làm sao”.

Ông Dương Trung Quốc hỏi lại: “Những số liệu liên quan đến giá cả mua bán các biệt thự có phải là bí mật quốc gia không? có thể công khai được hay không?”. Ông Vũ Văn Ninh trả lời rằng “Cá nhân tôi nghĩ đó không phải là số liệu bí mật quốc gia”.   

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Chưa nắm được số liệu cán bộ rời chức vụ đã trả lại nhà công

Vấn đề “nhà công biến thành nhà ông” mà báo Tiền phong đã “xới” lên đầu tiên trong thời gian gần đây, tiếp tục “hâm nóng” nghị trường với phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân.

Nóng bỏng chuyện nhà công biến thành nhà "ông" ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân

Chúng tôi quản lý nhà chứ không quản lý cái nhà!

Câu hỏi đầu tiên mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhận được từ nhà giáo Nguyễn Minh Thuyết (đại biểu Lạng Sơn), chính là về vấn đề nhà công, biệt thự công.

Ông Thuyết hỏi: Thứ nhất, đến nay có bao nhiêu cán bộ sau khi rời khỏi chức vụ đã tự nguyện trả lại công thự và có bao nhiêu gia đình cán bộ lãnh đạo, sau khi người có đủ tiêu chuẩn ở những căn nhà ấy mất thì gia đình đã tự nguyện trả lại, như gia đình các ông Nguyễn Lương Bằng, ông Lê Thanh Nghị và ông Nguyễn Duy Trinh.

Thứ hai, Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào trước tình hình khoảng 80% các biệt thự này từ sở hữu Nhà nước đã biến thành sở hữu tư nhân và cũng biến dạng luôn?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân không trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu Thuyết, mà chỉ cho biết một số thông tin chung, trong đó có ý: “Bộ Xây dựng có chức năng quản lý Nhà nước về nhà chứ không phải quản lý cái nhà... Nếu đại biểu có nhu cầu nắm danh sách công thự thì tôi nghĩ đây cũng không phải là vấn đề gì bí mật”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân vừa dứt phần trả lời của mình, lập tức đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục đăng ký chất vấn.

Ông Thuyết nhắc lại hai câu hỏi nêu trên để “truy” đến cùng vấn đề mình nêu ra, đến đây Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã bộc lộ: “Tại thời điểm này số liệu công thự được trả lại cho Nhà nước như đại biểu hỏi thì tôi chưa nắm được.

Về con số 80%, riêng việc để biến dạng biệt thự thì hết sức đáng tiếc. Còn đổi chủ? Việc bán biệt thự là do cơ quan quản lý ở địa phương bán, riêng số biệt thự ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đưa vào danh mục bán là có sự đồng ý của Thủ tướng.

Như vậy xét về phương diện pháp lý là đầy đủ. Đối với số biệt thự đã đổi chủ này, người được mua cũng không phải là sai, Nhà nước bán cho người ta rồi. Bây giờ mình nhìn vào mình thấy miếng đất đấy có giá trị quá, chỗ đẹp thế thì cũng thôi chứ làm sao. Mình bán cho người ta, làm sao mình hồi tố được!”.

Bộ trưởng không thu hồi được thì để Quốc hội vào cuộc!

Dường như phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân về vấn đề nhà công, biệt thự công, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của các đại biểu đối với câu chuyện đang gây nhiều bức xúc trong xã hội này.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đã đăng ký chất vấn (Trong giờ giải lao bà Khánh nói với Tiền phong là trước đó bà chưa hề có ý định này).

Câu hỏi của bà Khánh là: “Thứ nhất, xin Bộ trưởng cho biết trong cả nước hiện có bao nhiêu biệt thự công, nhà công, danh sách cụ thể các nhà công, nhà biệt thự đã được bán hóa giá như thế nào?

Thứ hai, trên cơ sở công khai và có sự giám sát của nhân dân, về những nhà công và biệt thự công đã được bán hóa giá nhưng không phù hợp, liệu Bộ trưởng có dám mạnh dạn trình Chính phủ khắc phục và thu hồi lại không?”.

Bà Khánh cũng đặt vấn đề: “Để xảy ra tình trạng không rõ ràng trong quy định pháp lý về quản lý công thự như hiện nay, tạo dư luận xấu, gây nghi ngờ không ít đối với một số cán bộ có quá trình cống hiến. Bản thân không ít những cán bộ đang ở biệt thự công cũng băn khoăn và lo lắng. Vậy trách nhiệm của Bộ Xây dựng như thế nào?”.

Trả lời bà Khánh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng không đưa ra các số liệu cụ thể theo như câu hỏi mà chỉ cho biết: “Người dân thì không cần gì phải lo gì về việc mình đang ở trong những công thự.

Còn về việc bán công thự mà không phù hợp thì theo tôi, đúng hay sai trong các trường hợp mua bán thì phải xét đến việc mua bán đó có vi phạm pháp luật hay không? Như tôi đã nói, không thể cứ thấy bán rẻ thì đòi thu hồi lại”.

Cho rằng vấn đề nhà công, biệt thự công là “rất nhạy cảm, rất khó đối với Bộ trưởng nếu phải trả lời ngay”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị: “Vì Bộ trưởng nói là việc thu hồi nhà trong trường hợp đã nêu là có thể khó.

Tôi đề nghị Bộ trưởng cung cấp cho các đại biểu Quốc hội danh mục các biệt thự, nhà công đã được quản lý và đã được bán hóa giá như thế nào?

Trên cơ sở đó Quốc hội trong những trường hợp cần thiết, (tôi nghĩ không phải tất cả) sẽ giúp cho Bộ trưởng làm tốt hơn vai trò quản lý Nhà nước của mình về vấn đề này”. “Quyền của Quốc hội là cao nhất”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trả lời.

MỚI - NÓNG