Nóng bỏng lạm phát, tai nạn giao thông

Nóng bỏng lạm phát, tai nạn giao thông
TP - Sáng 27-10, Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế xã hội. Vấn đề lạm phát, nợ công và tai nạn giao thông được đưa ra thảo luận sôi nổi. Nhiều kiến nghị biện pháp xử lý mạnh mẽ cũng được đề cập.

> Tranh phần, trốn trách nhiệm

Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

DN nhỏ và vừa đang dở sống, dở chết

Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho biết, các đại biểu ngồi đây mang theo biết bao tâm tư bức xúc của người dân với mong muốn mọi việc sẽ tốt hơn qua mỗi kỳ họp. Nhưng chúng ta chưa có một chỉ số cụ thể để đo lường việc này.

“Tôi kiến nghị QH đưa thêm chỉ tiêu mức độ hài lòng của người dân để đánh giá hoạt động của các cơ quan quyền lực trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm”- Ông Tín đề xuất. Theo đại biểu này, việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định mức độ này không khó.

Thảo luận về những nội dung cụ thể, ĐB Mai Hữu Tín cho rằng, Chính phủ cần nhìn thẳng thực trạng là đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa “đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết”. Ông Tín lo ngại, nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, không giảm được lãi suất xuống dưới 15%/ năm; lạm phát xuống dưới 10% thì phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa và “hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế”.

Nhận xét việc thực thi các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, chúng ta vẫn bị “bệnh kinh niên là triển khai thiếu đồng bộ”. Ông Lịch dẫn chứng, trong khi chính sách tiền tệ đã thắt chặt, thì chính sách tài khóa vẫn mở, cụ thể là đầu tư công vẫn tăng 15%, tương đương 23 nghìn tỷ đồng.

“Tôi hiểu ngay từ đầu, cái khó nhất là giải quyết đầu tư công. Chúng ta không thể nào sắp xếp với một năm trên 20 nghìn dự án, trong đó hơn 15 nghìn dự án tiếp tục đầu tư, 5.400 dự án mới”- Ông Lịch nói.

Không nên bù lỗ cho đầu tư ngoài ngành

ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) lo ngại, trong khi nợ công ở các nước phát triển tối đa là 60% GDP, các nước đang phát triển dưới 40% là an toàn thì năm 2011 nợ công của ta là 59% và sẽ tăng lên 65% GDP vào năm 2015. ĐB Minh cho rằng, Chính phủ cần phân tích xem ngưỡng an toàn nợ công của nước ta là bao nhiêu.

ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, bên cạnh những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, đan xen là nỗi lo: Chính phủ dù đã chỉ đạo quyết liệt, lạm phát vẫn tăng cao, đứng thứ hai thế giới; bất ổn vĩ mô, một số mặt cách xa với các nước trong khu vực. Nhân dân hy vọng Chính phủ cụ thể hóa những điều kiện, yếu tố kiến tạo mới đối với nền kinh tế, chú ý giải quyết những mặt trái khi chúng ta đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu, bởi chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn.

ĐB Nguyễn Bá Thanh lo ngại, nếu tình hình thế giới vẫn khó khăn, kinh tế Mỹ khủng hoảng, giá USD tăng, vàng tăng, không biết điều gì xảy ra với tình hình lạm phát của ta. Nguyên nhân chủ yếu là những chính sách tài chính, tài khóa: Đưa tiền mặt vào lưu thông nhiều mà hàng hóa lại quá ít, ngân hàng đẻ ra quá nhiều. Ngân hàng lấy tiền của người sau gửi trả cho người trước, đi ôm mấy miếng đất, tín dụng đen tràn lan…

Để hạ nhiệt, tái cơ cấu ngân hàng là việc quan trọng nhất. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, động chạm lợi ích nhóm. “Phải cải tổ, phải làm thận trọng, diệt sâu rầy nhưng vẫn phải giữ cho lúa tốt, mùa màng bội thu” - ĐB Thanh nhìn nhận.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Chính phủ cần minh bạch giá xăng, dầu tức là minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp trước khi cho tăng giá. Đành rằng giá theo thị trường nhưng phải cân nhắc hài hòa lợi ích, cân nhắc thời điểm điều chỉnh. “Theo báo cáo, EVN đầu tư ra ngoài ngành 2.100 tỷ đồng, thua lỗ lũy kế đến 6-2011 là 31.000 tỷ đồng. Không thể tăng giá điện để bù đắp cho những thua lỗ ngành này đầu tư ra ngoài” - ĐB Vở kiến nghị.

Giao thông: Liệu có lại ngồi nhìn 11.000 người chết?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm “nóng” hội trường khi cho rằng, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông đã trở nên quá nghiêm trọng, hậu quả đã tương đương với tiêu chí cần thiết phải ban hành “tình trạng khẩn cấp”.

Để xảy ra tình trạng này, theo bà Nga có hai nguyên nhân chủ quan. Thứ nhất, việc xây dựng ý thức pháp luật của người tham gia giao thông. Hiện nay, ý thức của nhiều người tham gia giao thông quá kém và đã trở thành thói quen cố hữu của một bộ phận không nhỏ người dân.

Trên 80% vụ tai nạn là do lỗi của người điều khiển phương tiện, phổ biến là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu. Điều đáng lo ngại là nhiều người dân coi vi phạm pháp luật về giao thông là việc không có gì cần lên án, thậm chí có những trường hợp chống lại và gây thương vong cho cảnh sát giao thông.

“Ngược lại một bộ phận không nhỏ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nhận tiền mãi lộ hoặc thiếu trách nhiệm bỏ qua vi phạm. Điều này lý giải cho việc vì sao cũng con người ấy nhưng khi đi ra nước ngoài người dân chúng ta lại chấp hành luật giao thông của nước bạn rất nghiêm túc. Khi bản thân người đại diện cho nhà nước thực hiện luật không nghiêm thì người dân nhờn pháp luật là hệ quả tất yếu”- Bà Nga nói.

Nguyên nhân thứ hai là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông của các cấp kéo dài qua nhiều năm nhưng rất chậm được khắc phục, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Cụ thể là chế độ trách nhiệm không nghiêm.

“Trong 3 khóa gần đây có khoảng trên 150 nghìn người chết vì tai nạn giao thông nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ Trung ương đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn và Quốc hội cũng chưa miễn nhiệm một bộ trưởng nào vì lý do này.

Hằng năm đại đa số cán bộ, công chức của những cơ quan có trách nhiệm về an toàn giao thông đều được đánh giá là hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế thì khó có thể giải quyết tình trạng này” - Bà Nga nói.

Do đã ở vào “tình trạng khẩn cấp” nên, ĐB Lê Thị Nga kiến nghị, cần thực hiện ngay những biện pháp hành chính mạnh. Từ đầu khóa XIII cần tổ chức một cuộc giám sát tối cao của toàn thể QH về nội dung này và có nghị quyết riêng để tạo căn cứ pháp lý và sự đồng thuận của xã hội cho việc thực hiện những biện pháp mạnh, thậm chí có thể phải hạn chế một số quyền của một số tổ chức vì sự tôn nghiêm và lợi ích của cộng đồng.

Ngoài ra, cần cho phép Hà Nội và TPHCM được thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết sớm vấn đề giao thông. Nếu không dùng biện pháp mạnh thì chúng ta lại bất lực ngồi nhìn hơn 11.000 người chết của năm sau. Để chặn đứng số người chết, chúng ta có thể huy động cả quân đội tham gia vào công tác này như một số quốc gia đã từng làm.

 

QH cần ủng hộ những bộ trưởng mạnh mẽ, quyết liệt

“Thời gian gần đây, Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng đã có những chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng thi công chậm trong lĩnh vực giao thông vận tải được cử tri đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Gần đây nhất, Bộ trưởng đã yêu cầu cán bộ cao cấp của ngành dừng đánh golf trong những ngày nghỉ. Tôi nghĩ việc tạm dừng đó tiết kiệm được thời gian, kinh phí và đó là việc làm có lợi cho dân. Do vậy, tôi mong QH đồng tình ủng hộ để có những bộ trưởng mạnh mẽ quyết liệt trong điều hành chỉ đạo” - ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên).

Hà Nhân)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG