Nóng bỏng ma túy vùng biên

TP - Tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) dài 1.450km, qua 13 tỉnh, thành phố của 4 quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Bắt đầu từ cảng Mawlamge Bang Mon (Myanmar) đến điểm cuối cùng là cảng Đà Nẵng (Việt Nam), đây là tuyến đường xuyên Á thuận lợi, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, lợi ích đã đi kèm với mặt trái: ma túy cũng theo tuyến đường này xâm nhập vào nước ta…

Kỳ 1: Nhận diện “chảo lửa”

Theo số liệu cơ quan chức năng, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 1.100 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý thì một nửa số đó tập trung ở huyện Hướng Hóa. Từ địa bàn “trắng về ma túy”, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng người nghiện ma túy ở huyện miền núi này gia tăng chóng mặt, ví như ở thị trấn biên ải Lao Bảo và xã vùng biên Tân Thành.

Huyện rẻo cao Hướng Hóa có đường biên giới dài 156 km tiếp giáp với Lào, có Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo nằm trên hành lang kinh tế Đông-Tây nối liền với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh- xuất nhập biên, giao thương, buôn bán. Lợi dụng tính chất đặc thù của địa bàn, tội phạm đưa ma túy từ tam giác vàng qua Viên Chăn, Bắc Lào về tập kết ở tỉnh Savannakhet, sau đó móc nối cung cấp ma túy cho các tụ điểm trên biên giới dọc huyện Sê Pôn, Mường Phìn, bản Densavan (tỉnh Savannakhet, Lào).

Theo các cơ quan chức năng, từ các tụ điểm ma túy này, tội phạm tìm cách móc nối với người Việt Nam sang Lào làm ăn buôn bán, thiết lập các đường dây mua bán ma túy lớn, cất giấu trong các phương tiện, người, hàng hóa để vận chuyển qua cửa khẩu Lao Bảo về Việt Nam tiêu thụ hoặc chuyển tiếp sang các quốc gia khác.

Mặt khác, sau khi Lào đóng cửa rừng và siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán vào cuối năm 2014, một bộ phận người lao động Việt Nam làm ăn tại Lào không có việc làm phải về nước, trong số đó có nhiều người nghiện ma túy ở Lào về địa phương tiếp tục sử dụng ma túy và lôi kéo anh em, bạn bè, những thanh thiếu niên ăn chơi lêu lổng cùng sử dụng.

Đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy này hình thành nên các nhóm, tiếp tục lợi dụng điều kiện giao thương, làm ăn qua lại và địa hình phức tạp của khu vực biên giới, tìm cách quay trở lại Lào đưa ma túy về Việt Nam tiêu thụ với số lượng nhỏ lẻ, làm cho cuộc chiến phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy càng phức tạp.

Nóng bỏng ma túy vùng biên ảnh 1 Các đối tượng buôn bán ma túy bị bắt ngày 11/7/2017. Ảnh: NT/BPQT.

Ma túy về bản

Nếu như trước đây các tụ điểm buôn bán ma túy và người nghiện tập trung ở các đô thị, nay ma túy đã lan đến tận các ngõ ngách bản làng dọc tuyến biên giới Việt- Lào. Không khó để có thể mua ma túy ở vùng biên. Chỉ cần “nhảy cóc” qua biên giới phía bạn Lào là các con nghiện dễ dàng sử dụng ma túy tại chỗ rồi đưa ma túy về Việt Nam vừa sử dụng vừa bán kiếm lời. Xử lý đối tượng này rất khó, vì với số lượng nhỏ lẻ nếu bị phát hiện, họ sẽ khai mua về phục vụ bản thân, xét nghiệm thì không đủ trọng lượng và hàm lượng ma túy để khởi tố, xử phạt hành chính thì con nghiện không có tiền nộp phạt...

Toàn huyện Hướng Hóa có 86 đối tượng nghiện là người đồng bào dân tộc thiểu số có hồ sơ quản lý, đây chỉ là phần nổi của tảng băng, trên thực tế con số người nghiện chưa quản lý được lớn hơn gấp nhiều lần. 5 năm về trước, người nghiện ở huyện Hướng Hóa chỉ tập trung ở các xã dọc tuyến Quốc lộ 9, giờ thì cả vùng Lìa hầu như xã nào cũng có người nghiện. Điển hình một số xã có nhiều người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý như: A Xing 25 người, Thanh 14 người, Thuận 14 người, Hướng Lộc 9 người…

Trung tá Lê Anh Tuấn - Đội phó Đội điều tra tội phạm về ma túy, Công an huyện Hướng Hóa dẫn chúng tôi gặp đối tượng cụ thể vừa nghiện hút, vừa buôn bán ma túy là Hồ Văn Hương, sinh năm 1984, trú ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, bị bắt giữ khi vận chuyển 200 viên ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam hồi tháng 8/2016. Hương có thâm niên hơn 10 năm sử dụng ma túy tổng hợp khi bốc vác gỗ ở rừng Lào.

Đặc điểm của loại ma túy mà Hương dùng có tác dụng gây ảo giác có sức mạnh lớn lao, bốc vác gỗ cả ngày đêm mà không thấy đói. Khi đã sử dụng ma túy, Hương sẵn sàng một mình dùng mô tô tự chế vận chuyển đồ gỗ cỡ lớn vượt đường rừng để giao hàng. Hầu hết những người làm nghề bốc vác gỗ ở rừng Lào đều sử dụng ma túy như Hương, vắt kiệt sức để làm công cho các ông chủ. Đến khi phía Lào đóng cửa rừng, Hương về lại địa phương, không có việc làm ổn định nên đã quay trở lại Lào để mua bán ma túy rồi bị bắt.

Người không có việc làm ổn định, nghiện hút rồi tiếp tay vận chuyển, buôn bán ma túy ở vùng biên giới Hướng Hóa như Hương rất nhiều. Riêng thị trấn Lao Bảo có 2 bản đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì cả hai bản này đều trở thành tụ điểm về ma túy.

Nóng bỏng ma túy vùng biên ảnh 2 Tang vật của một vụ án.

Chiến thuật “kiến tha mồi”

Để đưa ma túy vào nội địa trót lọt, ngoài thủ đoạn gia cố ma túy trong hàng hóa, xe cộ, người… qua đường cửa khẩu, bọn tội phạm ma túy nay còn sử dụng chiến thuật “kiến tha mồi”, lợi dụng các con nghiện là đồng bào dân tộc thiểu số thông thuộc địa hình, dễ dàng qua lại biên giới để vận chuyển ma túy nhỏ lẻ tập kết vào sâu trong nội địa Việt Nam, từ đây ma túy được gom lại đưa đi tiêu thụ. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới Việt Nam đều có bà con họ hàng ở bản đối diện phía bạn Lào. Đêm đêm, trai gái đồng bào dân tộc thiểu số có tục “đi sim” (tìm bạn nam nữ), việc trai bản qua lại biên giới để vận chuyển ma túy số lượng nhỏ lẻ rất dễ dàng.

“Đối tượng nghiện và tiếp tay buôn bán ma túy ngày càng trẻ hóa, gia tăng trong thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số các xã miền núi dọc tuyến biên giới Việt-Lào, khiến cuộc chiến chống ma túy vùng biên càng thêm nóng bỏng hơn bao giờ hết”.

 Đại tá Nguyễn Thuận Hóa

Chiến thuật “kiến tha mồi” cũng là thủ đoạn mà tội phạm ma túy “lách luật” đưa ma túy qua biên giới. Theo thượng tá Hà Trọng Hoàn, Phó phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, trước đây, đối tượng ma túy chỉ cần vận chuyển trên 10 viên ma túy tổng hợp là lực lượng chức năng có thể bắt và khởi tố hình sự rồi, nên có tác dụng răn đe cao.

Nhưng sau khi TAND Tối cao yêu cầu bắt buộc giám định hàm lượng chất ma túy làm căn cứ xử phạt tội phạm ma túy, thì quá trình điều tra, truy tố tội phạm về ma túy trong hai năm trở lại đây gặp nhiều vướng mắc, vì phải đưa ma túy trưng cầu giám định hàm lượng, trọng lượng, theo đó phải có số lượng lớn các viên ma túy mới đủ hàm lượng để bị khởi tố hình sự. Lợi dụng quy định này, tội phạm ma túy dùng thủ đoạn kiến tha lâu đầy tổ, vận chuyển số lượng nhỏ lẻ để qua mặt các cơ quan chức năng, bởi nếu có bị bắt thì số lượng chỉ đủ để xử phạt hành chính, rồi đâu lại hoàn đó.

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, dọc biên giới Việt - Lào đoạn qua thị trấn Lao Bảo và xã Tân Thành, đêm đêm từ 22-24 giờ có khoảng 20 thanh niên “đi sim” qua biên giới sử dụng ma túy tại chỗ ở phía Lào rồi đưa ma túy về Việt Nam. Bình quân cứ một viên ma túy tổng hợp bên kia biên giới của Lào có giá 40.000 đồng, khi đưa về nội địa Việt Nam sẽ có giá bán từ 100.000-150.000 đồng.

Thử làm một phép tính đơn giản, một người nghiện sử dụng ít nhất 2 viên ma túy mỗi ngày, toàn huyện Hướng Hóa “đốt” trên 1.000 viên ma túy mỗi ngày, tương đương 100-150 triệu đồng. Đây là con số chính thức quản lý được. Toàn bộ số ma túy cung cấp cho đối tượng nghiện trên địa bàn phần lớn do những người nghiện và mua bán ma túy nhỏ lẻ qua lại biên giới cung cấp. Vì nguồn cung cấp quá dễ dàng và tính “siêu lợi nhuận” của ma túy, các đối tượng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, sa vào nghiện hút và tiếp tay cho tội phạm ma túy rất nhanh. 

Nhiều bản làng ở Ka Túp, Ca Rôn của huyện Sê Pôn (Lào) vốn yên bình nhưng từ đầu năm 2016 đến nay điêu đứng vì cơn lốc ma túy. Tình trạng trộm cắp, thanh niên sử dụng, tham gia buôn bán ma túy tổng hợp ngày càng nhiều. Hướng Hóa, Quảng Trị cũng nhức nhối với thực tế thanh, thiếu niên nghiện hút, vượt biên sang Lào mua bán, sử dụng ma túy. Hàng đêm có khoảng 20 đến 30 đối tượng vượt biên qua Lào mua ma túy. 

MỚI - NÓNG