Nóng bỏng rốn thuốc nổ

Một trong 4 nạn nhân bị thương nhiều khả năng do đánh cá bằng chất nổ
Một trong 4 nạn nhân bị thương nhiều khả năng do đánh cá bằng chất nổ
TP - Bốn ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị thương hôm 7-12 vì thuốc nổ vừa tỉnh dậy trong bệnh viện ngay lập tức đã đổ lỗi cho một vật thể lạ là nguyên nhân gây nổ. Thực hư đang chờ cơ quan điều tra, nhưng khó có thể phủ nhận rằng, bao năm nay, Lý Sơn vẫn luôn nóng bỏng chuyện dùng thuốc nổ đánh cá trên biển.
Tàu đánh cá ở Lý Sơn
Tàu đánh cá ở Lý Sơn . Ảnh: Nam Cường

Cách đây 3 năm, báo Tiền Phong từng có bài phản ánh về rốn thuốc nổ ở miền Trung là đảo Lý Sơn. Cũng năm 2007, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi nắm danh sách hơn 100 tàu thường xuyên sử dụng thuốc nổ để đánh cá.

Theo Đại tá Bùi Phụ Phú- Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, đến bây giờ thì BĐBP tỉnh không còn thống kê được số lượng tàu thuyền dùng thuốc nổ bởi hầu như không còn, và cũng có thể là không thể quản lý được.

Từ đầu năm đến nay, riêng tại huyện Lý Sơn đã có 3 vụ tai nạn do sử dụng thuốc nổ, làm ít nhất 10 người chết và bị thương.

Vì sao ngư dân thích sử dụng thuốc nổ đánh cá? Anh Dương Thọ (An Hải - Lý Sơn) giải thích: “Đánh cá bằng lưới vây, lưới cản thường lâu, mệt người, còn mang theo vài tạ thuốc nổ, ra khơi bùm phát là xong, cứ việc lặn xuống vớt cá lên. Vừa tiết kiệm được dầu, tiết kiệm công sức mà lại lời nữa”. Theo tính toán của anh Thọ, nếu đánh cá bình thường chưa chắc lời, nhưng khi ra khơi có mìn, cầm chắc ít nhất mỗi chuyến thu về 50 triệu đồng.

Một trong 4 nạn nhân bị thương nhiều khả năng do đánh cá bằng chất nổ
Một trong 4 nạn nhân bị thương nhiều khả năng do đánh cá bằng chất nổ . Ảnh: Minh Cường

Đại tá Bùi Phụ Phú cho hay, nguồn thuốc nổ cung cấp cho ngư dân Lý Sơn có xuất xứ từ Quảng Trị, Huế, Tây Nguyên. Thời gian gần đây, có nhiều người còn sang cả bên Lào tìm nguồn bom mìn phế liệu để lấy thuốc nổ.

Dùng GPS mua bán thuốc nổ giữa biển

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, tiếp xúc với PV Tiền Phong, 4 ngư dân gồm Nguyễn Quốc Chinh, Nguyễn Văn Hiệp, Trương A và Bùi Văn Việt đi trên tàu QNg 96498TS (do ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Đông, xã An Hải làm thuyền trưởng), bị thương trong vụ nổ thuốc nổ ngày 7-12 phủ nhận chuyện dùng thuốc nổ đánh bắt cá trên biển.

Ngư dân Nguyễn Quốc Chinh - một trong 4 ngư dân đã dần hồi phục, quả quyết: “Tàu của chúng tôi dùng lưới vây để đánh bắt cá ngừ. Hoàn toàn không có chuyện dùng thuốc nổ để đánh bắt cá”.

Theo ông Chinh: Sáng 7-12, khi đang đánh bắt vùng biển gần bờ ở Lý Sơn thì họ phát hiện một chiếc hộp lạ trôi dạt. Mấy người tò mò vớt lên tàu rồi mở ra xem thì phát nổ!

Đại tá Bùi Phụ Phú cho biết, BĐBP và Công an Lý Sơn đang xác minh. Nhưng theo cá nhân ông thì chưa chắc lời khai đó là thật. Có đời nào ngư dân mua thuốc nổ rồi khai ra nguồn gốc đâu.

Cũng theo ông Phú, thời gian gần đây ở Lý Sơn, thủ đoạn mua bán, vận chuyển vật liệu nổ ngày càng diễn ra tinh vi. Lúc đầu đối tượng mua bán thường giao bằng đường bộ, nhưng giờ đây hoàn toàn giao trên biển.

Sau khi đã thống nhất giá cả, lấy khoảng 40% số tiền hàng, đối tượng bán sẽ gói kín “hàng” trong các bao nilon, lợi dụng đêm tối và các bãi ngang để mang thả dọc bờ biển. Khi đã trót lọt công đoạn thứ nhất, họ tiếp tục dùng thiết bị định vị toàn cầu GPS để đánh dấu tọa độ dưới đáy biển rồi mang hàng tập trung tại điểm đã đánh dấu.

Công đoạn tiếp theo là lấy đủ tiền và thông báo tọa độ cho các tàu (đã thoát qua khỏi trạm kiểm soát biên phòng, chuẩn bị ra khơi). Hễ có động là các đối tượng phi tang ngay, thuốc nổ chìm xuống đáy biển, một vài ngày sau lại được vớt lên.

Để có thuốc nổ, nhiều đối tượng trên đất liền đã lập hẳn các đường dây với hàng trăm chân rết đi thu gom. Do cầu vượt cung và thuốc nổ dần khan hiếm, giá thuốc nổ cứ thế leo thang từng năm và không bao giờ hạ. Hiện nay, thuốc nổ được bán với giá: 350.000 đồng/kg.

Dân sử dụng chất nổ đánh cá gần bờ chủ yếu sử dụng loại mìn “thằng nhóc”. Đó là các lon bò húc, lon bia được nhồi thuốc nổ, gắn kíp và dây cháy chậm, trọng lượng “thằng nhóc” thường từ 2,5 đến 3 lạng.
Còn “đại bác” là loại mìn sử dụng cho dân chuyên nghiệp đánh cá ngoài khơi. Thuốc nổ loại này thường được dồn vào vỏ lon dầu nhớt castrol, trọng lượng trung bình trên 1 kg.

Một số quả được dồn vào vỏ thùng nhớt 5 lít dùng cho ô tô, trọng lượng lên đến 5 kg. Loại “đại bác” cỡ bự này được ngư dân thảy xuống các đảo ngầm có luồng cá dày đặc.

Ngư dân sử dụng thuốc nổ luôn phải đối mặt với nguy cơ chết người. Đó là nhiều trường hợp luồng cá bơi sát mặt nước, buộc trái thuốc nổ phải “bung” ở độ sâu cách mặt nước vài gang cho đỡ tốn kém. Nhiều ngư dân làm nhiệm vụ phát hỏa đã lóng ngóng với những tình huống này, vì phải chờ cho lửa cháy sát miệng kíp mới thảy quả nổ xuống nước. Những trường hợp ném thuốc nổ xuống biển chậm đã bị thương hoặc bỏ mạng đáng tiếc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.