Nóng chuyện giá cả, môi trường

Nóng chuyện giá cả, môi trường
TP - Sáng qua, thảo luận Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách năm 2010 - những tháng đầu năm, ĐBQH lo ngại cùng với lạm phát tăng cao đời sống người dân nghèo sẽ bị ảnh hưởng.
Nóng chuyện giá cả, môi trường ảnh 1


ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) tỏ ra lo lắng bởi tình trạng bội chi ngân sách ở mức cao. Nhưng với mức 6,9% mà Ủy ban Kinh tế nói an toàn là hơi tự mãn, bởi nếu tính con số tuyệt đối sẽ lớn hơn nhiều. Chưa kể thâm hụt cán cân thanh toán cũng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong khi đó, các tập đoàn-tổng Cty mặc dù có đóng góp lớn, nhưng công bằng mà nói sản xuất không hiệu quả cũng góp phần làm tăng lạm phát do các đơn vị này chiếm tới 40% tổng vốn xã hội.

“Giá cả tăng dữ dội với đà này bà con rất khổ. Tất nhiên phải tăng theo thị trường, nhưng tăng thế nào cho hợp lý, tăng giá một lúc, gần nhau như điện, nước, than, xăng dầu vừa qua là không ổn”- ĐB Trừng phân tích.

ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) lo lắng, dường như ta chạy theo chỉ tiêu, thành tích, cái cần là hiệu quả đầu tư lại thấp đi. “Giá thuốc tăng gấp 3-5 lần, cử tri rất bất bình. Phải có giải pháp bài bản để quản lý giá. Kỳ họp này cũng chưa thấy báo cáo gì về giải pháp”- ĐB Dũng nói.

Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, nhập siêu vẫn cao, thâm hụt ngân sách lớn. Quý I-2010, chỉ số giá tăng cao, nhập siêu chưa được kiểm soát, nhiều loại vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đều tăng giá tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính phủ cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự yên tâm cho cộng đồng doanh nghiệp, người lao động bằng giải pháp như hạ lãi suất, tháo gỡ khó khăn về vốn, quản lý hiệu quả giá. Đồng thời phải nâng cao hiệu quả đầu tư công, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính – đặc biệt là nâng cao đạo đức công chức.

“Chính sách tài chính liên tục thay đổi từ thắt chặt đến nới lỏng, tăng, hạ lãi suất liên miên làm doanh nghiệp mất phương hướng, không dám đầu tư dài hạn, đầu tư chiều sâu mà phải cầm cự. Điều đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững của nền kinh tế”- ĐB Phạm Thị Loan nói.

Môi trường: Chưa có lối ra?

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng nói, trong số 8 chỉ tiêu không đạt có đến 4 chỉ tiêu về môi trường. “Vụ Vedan kéo dài 2 năm chưa giải quyết xong. Phát triển để làm gì, khi mà cuộc sống chúng ta không tăng chất lượng. Phải có kiến nghị cụ thể, coi trọng vấn đề môi trường”- ĐB Trừng phân tích.

Vấn nạn môi trường dường như chưa có lối ra? (ảnh: Cty Tung Kuang xả thải độc ra môi trường)
Vấn nạn môi trường dường như chưa có lối ra? (ảnh: Cty Tung Kuang xả thải độc ra môi trường) . Ảnh: Q.D

ĐB Trần Hoàng Thám (TPHCM) bức xúc: “Bà con kêu nhiều về môi trường, Chính phủ có vẻ chưa có lối ra trong việc giải quyết vấn nạn này. Cùng với môi trường là vấn đề cho thuê đất rừng. Trên dưới 10 tỉnh có rừng cho nước ngoài thuê, thời gian đến 50 năm, cần có báo cáo với QH về việc này”.

“Việc phân cấp cho địa phương vừa qua có bài học thuỷ điện, chúng ta đã trả giá kinh hoàng về môi trường. Phân cấp rồi buông đấy, nên khó trách địa phương, bởi trình độ quản lý địa phương có hạn. Ở đây, ngoài phần trách nhiệm địa phương, có phần trách nhiệm trung ương. Vấn đề là xử lý như thế nào, bởi lẽ khi đã để mất môi trường rồi thì rất khó phục hồi” - ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM) nói.

Ngân hàng thương mại được đầu tư chéo

Chiều cùng ngày, thảo luận tại hội trường về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với các giải pháp giới hạn một cá nhân, tổ chức sở hữu vốn của một tổ chức tín dụng để ngăn ngừa khả năng lũng đoạn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, cuối năm 2010, vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại phải nâng lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng, do vậy một cá nhân nắm giữ 5% và tổ chức nắm 15% vốn điều lệ cũng rất là lớn. Do vậy, việc giới hạn tỷ lệ góp vốn là cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, hệ thống tín dụng nước ta đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, nên cần thiết có việc mua bán cổ phiếu giữa các tổ chức tín dụng. Đây là tiền đề cho sự sáp nhập nhằm nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.

Thêm vào đó, nếu cấm ngân hàng trong nước đầu tư chéo sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng nước ngoài đang được nắm giữ cổ phần của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Dự thảo ban đầu là cấm đầu tư chéo, nhưng lần này sẽ được sửa đổi theo hướng: Ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại được mua, nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác với điều kiện và trong giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Dự thảo luật cũng quy định rõ, khi một tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt thì cần công khai thông tin nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng về quyền tiếp cận thông tin, tránh tác động tiêu cực từ những thông tin rò rỉ không chính thức. Ngân hàng Nhà nước phải quy định cụ thể việc công bố thông tin này.

MỚI - NÓNG