Hà Nội:

Nông dân 'cấm cửa' người lạ để phòng dịch tả lợn châu Phi

 Hà Nội tổ chức diễn tập chống dịch tả lợn châu Phi
Hà Nội tổ chức diễn tập chống dịch tả lợn châu Phi
TP - Các hộ dân trong vùng dịch đang có các biện pháp để tự bảo vệ đàn lợn khỏi dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, nhiều nông hộ vẫn lo lắng về chính sách hỗ trợ của Nhà nước nếu không may đàn lợn nhiễm bệnh.

Cấm người lạ vào chuồng lợn

Về phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai nơi phát hiện ổ dịch tả châu Phi thứ 3 của Hà Nội, vôi bột phủ trắng đường dẫn vào phố Thúy Lĩnh. Ngay tại đây, có một chốt kiểm dịch liên ngành bao gồm: Thú y, Quản lý thị trường, công an và cán bộ địa phương. Đại diện liên ngành cho biết, chúng tôi làm nhiệm vụ kiểm soát lợn qua khu vực 24/24h, không cho bất cứ xe chở lợn nào ra ngoài hoặc đi vào bên trong khu vực ổ dịch. Vôi bột được rắc vào mỗi buổi sáng để khử trùng, mục tiêu không để dịch lây lan. 

Cách đó không xa, ngõ 197 phố Thúy Lĩnh cũng mới xuất hiện trạm kiểm dịch. Bà Nguyệt - cán bộ phường Lĩnh Nam cho biết, địa bàn phường có 46 hộ chăn nuôi lợn. Trước khi phát hiện ổ dịch tại địa phương, phường đã tổ chức một số buổi họp tập huấn cho người dân về cách nhận biết, phòng chống dịch. Đồng thời, yêu cầu 100% bà con ký cam kết không bán chạy đàn, tránh nguy cơ lây bệnh sang các địa phương khác. Đồng thời lập chốt kiểm dịch liên ngành kiểm soát 24/24 giờ, hạn chế người ra vào cũng như ngăn chặn tình trạng vận chuyển lợn đi nơi khác bán, đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Đến thời điểm phát hiện ổ dịch, các hộ nuôi lợn đã “đóng cửa” với người lạ do sợ lây lan dịch bệnh. Chúng tôi cùng cán bộ thú y thăm một số trại lợn tại hộ ông Nguyễn Văn Chung ở số 6, ngõ 203, tổ 36 phường Lĩnh Nam, nhưng chủ trại lợn không đồng ý tiếp bất cứ ai, kể cả cán bộ thú y vì sợ lây lan dịch, bảo vệ đàn lợn. 

Tại một số trại lợn khác, dù nuôi với số lượng nhỏ chỉ từ 2-3 con nhưng người dân cũng hết sức bảo vệ an toàn cho lợn trước dịch bằng cách rắc vôi cửa trước, cửa sau. Khi về nhà thay quần áo trước khi vào trang trại. Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Toan (tổ 26, phường Lĩnh Nam) cho biết, nhà bà có 15 con lợn nên hiện gia đình đang “căng mình” chống dịch cho đàn. “Lở mồm long móng còn tiêm phòng được, chứ bệnh này thì mình chịu”, bà Toan nói. Bà đang trên đường ra trạm kiểm dịch xin thuốc về phun chuồng trại, “mình chỉ đi xin thuốc về tự phun chuồng chứ không để ai vào nhà hết”.

Tại ổ dịch nhà bà Trương Thị Vân (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh), mới 2 ngày trước chuồng trại vẫn còn đàn lợn 10 con chuẩn bị xuất bán nhưng hôm nay chỉ còn toàn vôi bột trắng xóa. Vôi rải suốt từ đầu ngõ đến tận từng chuồng, vải bạt bịt xung quanh chuồng. 10 con lợn là toàn bộ thu nhập của gia đình bà. Ngày đàn lợn bị mang đi chôn bà ngồi thẫn thờ tiếc của. Không chỉ thiệt hại 15 triệu như ước tính, mà với dịch tả lợn châu Phi ít nhất 6 tháng nữa gia đình mới được nuôi lại. “Không biết gia đình sẽ phải sống thế nào trong thời gian tới”, bà Vân lo âu. 

Người dân mong sớm có tiền hỗ trợ

Khu Đầm Nấm, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, nơi phát hiện ổ dịch tả châu Phi đầu tiên của Hà Nội, cổng ra vào được cảnh giới nghiêm ngặt bởi trạm kiểm dịch liên ngành. Ông Phiếm- người chăn nuôi tại đây không khỏi lo lắng bởi không may đàn lợn mắc bệnh, gia đình sẽ mất đi một khoản thu nhập lớn. “Chính sách hỗ trợ của nhà nước ra sao? Có nhanh và sát với giá thị trường hay không?”.

Không chỉ ông Phiếm, hơn 50 hộ dân chăn nuôi ở khu vực phường Ngọc Thụy đều lo lắng về kinh phí hỗ trợ bởi đã 10 ngày trôi qua nhưng đàn lợn rừng đầu tiên mắc bệnh đã được tiêu hủy nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Một số người dân cho rằng: Mức đền bù hiện nay là quá thấp so với giá thị trường, nếu quá chênh lệch rất dễ có chuyện tìm cách “bán chạy” lợn bệnh mà không khai báo. 

Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Nguyễn Quốc Văn cho biết: Để hạn chế nguy cơ lây lan dịch, ngay sau khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn phường, Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Long Biên đã cử cán bộ hỗ trợ địa phương trong công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh… Từ đầu đợt dịch đến nay, địa phương đã rải 6 tấn vôi bột và phun 100kg hóa chất để tổng tẩy uế môi trường. Cho đến nay, các mẫu lợn xét nghiệm khu vực xung quanh đều an toàn, không phát sinh lợn bệnh trên địa bàn.

Về vấn đề hỗ trợ cho người dân, ông Văn cho biết, ngay sau khi xảy ra dịch, phường đã trình dự toán hỗ trợ, đến hôm qua (8/3), quận đã ký quyết định phê duyệt, muộn nhất trong tuần này hộ dân có lợn bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ. Việc duyệt hỗ trợ chậm hơn so với chủ trương của thành phố (7 ngày- PV) bởi còn duyệt dự toán mức hỗ trợ 1,5 hay 1,8 tùy địa phương, lợn nái hay lợn giống… Sau khi có dự toán thì các hộ sau này sẽ được hỗ trợ rất nhanh. “Để thúc nhanh việc hỗ trợ, chúng tôi đã bàn bạc, thống nhất với người dân hỗ trợ đồng loạt 38.000 đồng/kg. Sau khi thành phố thống nhất hệ số hỗ trợ sẽ trả bổ sung cho người dân”, lãnh đạo phường nói.

Kiểm soát, không để dịch lây lan

Trưa 8/3 tại cơ sở giết mổ tập trung rộng 7.000 m2 tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, các ô giết mổ vẫn đang đông đúc, người bán lẻ chở lợn bằng xe máy ra bên ngoài 
tấp nập. 

Nông dân 'cấm cửa' người lạ để phòng dịch tả lợn châu Phi ảnh 1 Trạm kiểm dịch tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai

Ngay khi Hà Nội phát hiện dịch bệnh, chốt kiểm dịch động vật liên ngành ở đầu cơ sở giết mổ đã bổ sung thêm cán bộ y tế để giám sát chặt chẽ các xe chở lợn. Mỗi chốt có thêm 2 cán bộ thú y, cán bộ quản lý thị trường và công an khu vực. Cán bộ thú y tại đây thông tin: “Mỗi lượt xe tải chở lợn đến cơ sở đều trải qua các khâu kiểm tra nghiêm ngặt. Đầu tiên là kiểm tra giấy tờ, sau đó kiểm tra xe, tháo kẹp chì kiểm tra số lượng lợn có trùng khớp với giấy tờ khai báo hay không”. 

Khu vực giết mổ có 2 cán bộ thú y làm nhiệm vụ kiểm tra từng con lợn sau giết mổ và đóng dấu kiểm dịch. Anh Nguyễn Văn Tùng (cán bộ thú y) cho biết, ngoài các biểu hiện lâm sàng bên ngoài, sau khi mổ lợn, nội tạng phải đẹp, lông da, các thớ thịt tươi… thì mới được đóng dấu kiểm dịch, nếu không sẽ phải lập biên bản. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến thời điểm này, Hà Nội đã xuất hiện thêm một ổ dịch tại 4 quận/huyện với tổng số lợn bệnh là hơn 100 con. Các ổ dịch đều được phát hiện và báo cáo xử lý kịp thời. 

Nhiều người chăn nuôi lợn lo lắng, bởi đã qua 10 ngày mà hộ dân đầu tiên có lợn bị tiêu hủy vẫn chưa được nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, chính sách đồng giá 38.000đ/kg lợn không phân biệt lợn nái, lợn giống khiến nông dân thiệt hại lớn. 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, thời gian tới Hà Nội tiếp tục phát động đợt tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn toàn thành phố. “Chúng tôi cũng sẽ thành lập các tổ kiểm dịch lưu động để đi kiểm tra ở các đường ngách, phát hiện kịp thời nếu có hoạt động vận chuyển giữa các tỉnh, thành có dịch”, ông Sơn nói. 

MỚI - NÓNG