Nông dân “chui”

Buổi chiều trong xóm cá không tên ở quận 7. Ảnh: T.N.A
Buổi chiều trong xóm cá không tên ở quận 7. Ảnh: T.N.A
TP - Chinh là một chàng trai trẻ quê ở Đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố học hành nào khoa quản trị kinh doanh, rồi khoa kiến trúc nhưng không hiểu sao Chinh cứ muốn nối nghiệp gia đình làm nghề nuôi cá tra. Thuê ruộng, mượn tiền, năm đầu tiên đã tiêu tán mất vài trăm triệu, bỗng thành con nợ. 

Đất chẳng của ai


Ông Tâm người huyện Thốt Nốt, Cần Thơ, năm nay hơn năm mươi tuổi. Ông bà nội theo cách mạng, cùng các chú bác đều đã hi sinh từ thời chống Pháp. Ông bố chán cảnh chiến tranh đi cấy thuê, được chủ đất tin tưởng gả con gái cho.

Khi anh Tâm lớn lên, gia đình vẫn còn mấy chục mẫu ruộng, nhưng nhà đông anh em cuộc sống khó khăn bán đi hầu hết. Anh Tâm mang theo 3 đứa con, cháu nội cháu ngoại, lên thành phố lang thang mưu sinh, không mảnh đất cắm dùi. 

Cách đây mười bốn năm, lần đầu tiên anh Tâm đào một ao cá trong khu đất đã được quy hoạch treo gần khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Chủ đất đã nhận tiền đền bù, bảo: “Đất để không, cứ làm đi, kiếm chút đỉnh mà nuôi các cháu”.

Đào ao, nuôi được một năm thì đơn vị thi công tới rào kín mít, không một lối ra. Họ không nói gì hết, chỉ rào vây kín cái ao. Anh Tâm đành chài lưới vớt cá đem đi. 

Một người chủ đất khác đang trong quá trình thương lượng đền bù với bên dự án, cho mượn đất đào ao, dặn: “Khi nào dự án khởi công thu hồi đất thì gia đình không được đền bù gì đâu nhé”. Bốn gia đình mấy thế hệ làm bốn cái lều nát lợp lá, giữa rừng cỏ dạ.

Con gái tên Nhung, trở dạ, đem đi bệnh viện, sinh xong lại chở về lều. Điện câu nhờ, nước không có. Ngày ngày đem can trắng đi mua, mỗi can 30 lít mất một ngàn đồng. Cả ngày nhà Nhung 4 người chỉ dám dùng 5 can. 

Vùng đất quận 7, và huyện Nhà Bè của TPHCM nhiễm mặn tới mức nhiều nơi cỏ cũng không mọc được, chỉ thấy dừa nước. “Động vật thì thường thấy rắn độc thôi”. Một hôm có chàng trai trẻ tới hỏi tìm đất nuôi cá, anh Tâm vừa động viên vừa can ngăn. Chinh thành hàng xóm.

Chàng sinh viên người Tiền Giang mới ra trường, mới lập gia đình, vay mượn vốn liếng đào một mẫu ao, thả cá. Ngay vụ đầu tiên lỗ sáu chục triệu bạc. Năm nay Chinh tiếp tục thả cá tra, mỗi ngày mua 30 thùng cơm thừa, thả cá ăn.

Chinh nói: “Bây giờ em đã hiểu vì sao nông dân mình cứ nghèo mãi. Một mẫu ao cá nếu được đầu tư đầy đủ thức ăn thì thu 40 tấn cá, được 700 triệu đồng, lãi 200 triệu đồng. Cũng một mẫu, nghèo như anh Tâm, cứ mua cơm nguội cho cá, chỉ thu được 6 tấn, bán lãi 50 triệu đồng mà chi phí cho cả năm trời”. 

Mời tôi uống trà giữa ao cá yên tĩnh, nhìn những tòa chung cư trước mặt sáng rực ánh đèn, Chinh nói: “Nuôi cá tạm bợ như thế này, đủ ăn là may, đừng bao giờ mơ chuyện mua nhà thành phố”.

Xung quanh chỗ Chinh giờ cũng khoảng 30 hộ nuôi cá trong khu dự án treo như thế. Họ thành một xóm nhỏ với các túp lều xiêu vẹo không tên, không địa chỉ.  

Nông dân “chui” ảnh 1

Anh Hoàng nói nguồn nước bị ô nhiễm nhiều. 

Làm nông trên đất “hoang”

“Chúng tôi là nông dân mà không có ruộng, không việc làm thì dễ sa vào rượu chè con cái nó nhìn sao được, nên khổ mà cũng phải cố tìm miếng đất ruộng hoang mưu sinh như thế này thôi”.

Anh Hoàng, phường Phước Kiểng, quận 7, TPHCM

Hoàng là dân phường Phước Kiểng, quận 7. Ngày trước gia đình của anh sở hữu đám ruộng lớn, nhưng đã bị thu hồi để làm dự án. Họ được đền bù vài trăm triệu, nhà đông người, tiền tiêu hết từ lâu. Lạ cái là mảnh đất ruộng ấy nay vẫn còn nằm trơ trơ, dự án chưa hề triển khai dù đã chục năm qua rồi. 

Trong thời gian ấy, Hoàng khăn gói đi tìm ruộng. Anh tìm tới một khu đất hoang vu, hỏi thăm thì: “Chủ khu đất nhận tiền đền bù đi đâu mất tích”. Anh bèn thuê máy xúc vào đào ao nuôi tôm cá, không phải đóng thuế gì cả, nhưng chẳng biết làm được đến ngày nào. Anh cũng không biết dự án sẽ xây dựng sau này là cái gì nữa. Chỉ biết đất này không còn thuộc sở hữu của những người nông dân thôi. 

Khu công nghiệp Hiệp Phước gần đó và những tòa nhà chung cư trước mặt đang siết lại dần: “Chất thải họ đẩy hết ra kênh rạch. Đầu năm nay tôi thả tôm xuống mười thì chết hết sáu, sợ quá, đang tạm ngưng lại”. Tôm chết mà biết kêu ai? Đất đai đã vào quy hoạch từ lâu. Hoàng làm nông “chui”, không một mảnh giấy tờ gì, không thuộc tổ chức nào. Tự làm thì ráng chịu. Ông Sáu cũng trong khu rừng dừa nước, đầu năm thả tôm, tôm ô nhiễm chết, mất đứt mấy chục triệu. Biết kiện ai. 

Xa xa, Hoàng chỉ có những người cùng cảnh ngộ như anh Tâm. Họ ở những xóm không tên, cách nhau chừng cây số. Không chợ búa, không trường học, không quán xá, chỉ mới thấy một con đường nhựa vắng vẻ chạy băng qua. Sau chục năm không cấy lúa, giờ cánh đồng năm xưa đã thành rừng dừa nước. Lác đác những hồ cá nham nhở được đào vội vã, rồi lại bỏ không.     

Anh Tâm có tính thương người, một lần đi xin cơm thừa cho cá, thấy mấy bác thợ hồ nghèo khổ thiếu chốn nương thân, bèn rủ ra đồng hoang làm cái chòi ở. Không dè được vài tháng, bước chân ra cầu, cá chạy hết. Đành mời khéo mấy vị ấy đi nơi khác. Đáng lẽ thu 3 tấn cá chỉ bắt được hơn 300 kg.

Hỏi ra mới biết “Bác đi vắng, đám thợ hồ kéo nhau về, đánh lưới đem cá ra chợ bán rồi” – một người thợ hồ tốt bụng giờ mới dám nói. Được một thời gian, lại thấy cặp vợ chồng mới cưới đến năn nỉ: “Bác còn cái lều nát kia, cho chúng em nhờ”. Lại gật đầu. Chỉ tháng sau, lấy cơm thừa về, thấy im ắng khác lạ. Sang thăm, đôi vợ chồng dọn đi đâu mất. Ao cá đã trống trơn. 

Nông dân “chui” ảnh 2

Nhà tắm dành riêng cho phụ nữ

Hai lần Hoàng bị bọn đạo chích từ trong rừng và kênh rạch vào ẵm hai chiếc máy sục khí cho tôm giá hơn hai chục triệu bạc. Cách đây mấy hôm, anh Khai khu ấy cũng bị mất một chiếc máy sục khí còn mới. Mất máy rồi, chỉ còn biết đứng nhìn rừng dừa nước xanh um.   

Anh Hoàng bảo tôi đình làng vẫn còn, mỗi năm vẫn làm lễ cầu mùa mà ruộng đồng của phường nay hết sạch. Hoàng nuôi tôm cá trong khu dự án treo cả chục năm nay chưa thấy lãi, chỉ mong nuôi được mấy đứa con ăn học như mọi người. Buổi tối, cái lều của Hoàng còn nhấp nháy tí ánh sáng điện chạy máy phát được vài tiếng, lều của anh Khai gần đó chỉ dám thắp đèn dầu. Trời đất tối um, những người nông dân đi thắp hương trên những ao cá, ao tôm. Ao đầy nước mà tôm cá chết cả rồi. Họ vẫn giữ phong tục thắp hương cho các vị thần đất.   

Trong vùng chờ giải tỏa, dường như chính sự tạm bợ lại là cái gì đó chắc chắn? Hoàng từng làm một cái lều bề ngang 3 mét, bề dài 9 mét, “chỉ để đi vào không phải khom lưng”. Vừa làm xong, một đội giải tỏa xuất hiện, dùng dây kéo đổ sập xuống liền. Ông Ngọc gần đó, mấy căn khác nữa, dựng tươm tất thì bị kéo sập ngay.

“Trong khu quy hoạch không được xây dựng kiên cố”. Muốn làm ruộng thì cứ làm, chục năm nay vẫn làm, nhưng dựng lều kiên cố là không xong. Hoàng kể: “Hôm nọ gió bão lớn, em phóng chân ra ngoài thì cái lều nát cũng đổ rầm xuống”. 

Hoàng nói với tôi với vẻ buồn buồn khi nhìn những ánh đèn rực rỡ đang tỏa ra từ những khu đô thị chọc trời đang tiến dần về phía những ao cá đìu hiu: “Chúng tôi là nông dân mà không có ruộng, không việc làm thì dễ sa vào rượu chè con cái nó nhìn sao được, nên khổ mà cũng phải cố tìm miếng đất ruộng hoang mưu sinh như thế này thôi”.

9/2014
MỚI - NÓNG