Nông dân điêu đứng vì 'ghen ăn tức ở'

Vườn sầu riêng của nông dân bị khoét ở giữa thân để bơm thuốc độc
Vườn sầu riêng của nông dân bị khoét ở giữa thân để bơm thuốc độc
TP - Thời gian qua, tại một số tỉnh ở Tây Nguyên liên tiếp xuất hiện hiện tượng phá hoại cây trồng do kẻ xấu phá hoại. Dấu vết hiện trường để lại là những loại cây có giá trị cao về kinh tế bị héo chết dần, nên rất khó để xác định được đối tượng.

Bà Đoàn Thị Thanh Thủy (trú tại thôn Tân Hòa, xã Tân Lập, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng nhiều cây sầu riêng của gia đình trong rẫy phút chốc bị đầu độc rụng lá, rụng quả.

“Rẫy chỉ cách nhà 500 mét. Sáng ngày 30/4, vợ chồng tôi vào rẫy thì bàng hoàng phát hiện nhiều cây sầu riêng bị đục lỗ ở giữa thân, cạnh xung quanh cỏ, lá cây cà phê chết cháy. Kiểm tra một vòng, có 20 cây sầu riêng bị hiện tượng tương tự. Vườn sầu riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình, nhưng nay chúng tôi đã trắng tay”, bà Thủy buồn bã kể.

Sau khi sự việc xảy ra, Công an xã Tân Lập và huyện Krông Búk đã có mặt ở hiện trường để điều tra đồng thời xác định có 20 cây sầu riêng bị đầu độc bằng thuốc diệt cỏ, trong đó có 12 cây đang cho độ thu hoạch được 10 năm nay, gây thiệt hại với gia đình bà Thủy gần 1 tỷ đồng.

Cũng bằng thủ đoạn nói trên, vào khoảng giữa tháng 3/2019, 60 cây sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Công Lợi (SN 1975, trú tại buôn Ea Chăm, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) bị đầu độc bằng thuốc diệt cỏ.

“Ngày 9/4, tôi đi phun phân bón lá và dưỡng hoa cho 60 cây sầu riêng. Tới ngày 11/4, khi trở lại thăm rẫy, những cây đã được phun có hiện tượng cháy lá, vàng lá và rụng hoa hàng loạt. Một số cây trồng khác gần đó như cà phê, mít thái cũng chịu cảnh tượng tương tự. Vợ chồng tôi cho rằng vườn sầu riêng bị kẻ xấu đổ thuốc diệt cỏ để “giết chết” kinh tế nhà tôi” - ông Lợi bức xúc.

Theo ông Lợi, rẫy của ông trồng xen canh 120 cây sầu riêng. Niên vụ 2017-2018 sầu riêng cho thu nhập 1,7 tỷ đồng. Có thể, sầu riêng nhà ông này bị hạ độc do kẻ xấu “ghen ăn tức ở”.

Thượng tá Bùi Trọng Tuấn - Trưởng phòng tham mưu tổng hợp Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, qua nắm bắt tình hình ở các địa bàn thường xuyên xảy ra nạn hủy hoại nông sản, thường ở những điểm vắng, diện tích rộng không có người canh giữ. Nên việc phát hiện để xử lý kịp thời rất khó khăn.

“Tại các buổi giao ban hàng tuần, hàng quý lãnh đạo công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương cần tăng cường công tác bảo vệ tài sản cho người dân. Quan điểm của công an tỉnh, phải xử lý nghiêm trước pháp luật để làm gương và có đủ sức răn đe” - thượng tá Tuấn nói.

MỚI - NÓNG