Quốc hội thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội:

Nông dân gặp khó, doanh nghiệp lao đao

Nông dân gặp khó, doanh nghiệp lao đao
TP - Báo cáo kinh tế - xã hội 2008 và kế hoạch năm 2009 của Chính phủ đã được các đại biểu Quốc hội phân tích, mổ xẻ trong buổi thảo luận tại tổ, sáng qua (17/10).
Nông dân gặp khó, doanh nghiệp lao đao ảnh 1

Đại biểu Phạm Thị Loan phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Hồng Vĩnh

“Mặc dù Chính phủ đã có các nhóm giải pháp, kiềm chế được lạm phát, chỉ số CPI giảm dần, nhưng các doanh nghiệp (DN) phải nhìn lại mình”- Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói.

Bà Loan cho rằng, phương pháp điều hành có phần quá đột ngột, như một cú “phanh gấp” khiến DN ngày càng khó khăn. Báo cáo Chính phủ nói 9 tháng có chuyển biến tích cực, nhưng chuyển biến đó là từ cái “đà” của năm 2007.

“Báo cáo không đi sâu phân tích, vì thế không đưa ra cơ chế tháo gỡ. Thắt chặt tiền tệ là đúng, nhưng thắt chặt đồng loạt đã làm nhiều DN điêu đứng, thiếu vốn. Lẽ ra cần phân loại dự án, điều hành linh hoạt, nhưng nhiều nơi không linh hoạt mà “phanh gấp”. Hậu quả, kinh tế chững lại, nhiều DN rơi vào khó khăn nặng nề, và 2-3 năm nữa mới có thể trở lại bình thường”- Bà Loan nói.

Đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) cho rằng với thủ tục vay vốn siết lại, các DN nhỏ và vừa rất khó khăn, khó phục hồi.

“Không nên thắt chặt như vừa qua, mà cần có chính sách hỗ trợ vay vốn, ưu đãi cho các DN này. Thắt chặt là tăng kiểm tra, giám sát chứ không phải không cho vay nữa”-Bà Thái nói.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cho rằng nhiều phân tích cho thấy, một trong những nguyên nhân gây lạm phát, khó khăn chung là sự đầu tư dàn trải của các tập đoàn, các TCty, như lời ông Cao Sỹ Kiêm (Nguyên Thống đốc NHNN): “Các đơn vị này như vòi nước lớn, cứ phun đại ra làm bức tranh kinh tế lầy lội đi”.

Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) lo ngại về một số vấn đề như việc một số tập đoàn mở ngân hàng, xin mở trường đại học, nhưng điện lực thì trả lại các dự án điện. Một số đại biểu đặt câu hỏi, kinh tế tập đoàn có nhiều tiềm lực mà tăng trưởng chỉ đạt 5,9%, trong khi đó các DN ngoài Nhà nước ít được ưu ái lại tăng trưởng tới 20,9%, nên có cơ chế cho các DN này(?).

Trong khi đó, “người nông dân cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay, dù chỉ với vài chục triệu để duy trì sản xuất”- Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho biết.

Cũng theo ông Hữu, dù vay được vốn, trồng bắp, trồng cà phê mà phải chịu mức lãi trên 21% thì “bao nhiêu công sức, bao nhiêu lãi của họ sẽ bị “lãi ngân hàng ăn” hết”.

Một số đại biểu cho rằng chính sách, quy hoạch cho vùng nông nghiệp thiếu ổn định, các chính sách việc làm, tái định cư còn mờ nhạt, dẫn đến tình trạng người dân bị thu hồi đất vẫn phải ly hương.

Điện, nước, xăng dầu - cần dứt điểm

Nông dân gặp khó, doanh nghiệp lao đao ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) phát biểu: Rung chuyển tài chính thế giới, nhưng ta đã vượt qua và làm được một số việc, thế nhưng Chính phủ còn ôm nhiều việc quá.

Ông Đào cho rằng, cách đặt vấn đề của Chính phủ là đề nghị Quốc hội xem xét quyết định một số chỉ tiêu có tính định hướng là đúng đắn. Quốc hội nhất trí và xem đó như là chỉ tiêu định hướng.

Đại biểu Đào đề nghị năm 2009, Chính phủ cần dứt điểm một số việc quan trọng như vấn đề giá xăng dầu: Không bù giá là tốt, nhưng có định giá được không, theo hay không theo thị trường?

“Những gì liên quan đến đời sống dân sinh như điện, nước phải có quan điểm rõ: ưu tiên dân, hay phía DN, hoặc phải cân đối bằng chính sách. Nếu tiếp tục để độc quyền, họ sẽ làm mình làm mẩy, làm cho cả một thành phố mất điện để gây áp lực”.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị tính tới tình huống năm 2009 kinh tế thế giới suy thoái, dẫn đến giảm phát: “Giảm phát xảy ra, thị trường thế giới hàng hóa ứ đọng, ta sẽ không xuất khẩu được”. Theo ông Lịch, Chính phủ phải đặt ra tình huống, có kịch bản ứng phó vì khi đó chúng ta sẽ không đặt ra vấn đề kiềm chế lạm phát, mà phải kích cầu thị trường.

MỚI - NÓNG