Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp - Kỳ 3:

Nông dân góp đất làm công nhân

Hướng dẫn, đánh giá chất lượng mủ cao su.
Hướng dẫn, đánh giá chất lượng mủ cao su.
TP - Nông dân góp đất không phải “lăn tăn” chuyện mất đất, được công ty nhận vào làm công nhân, sản phẩm ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận… Đó là mô hình tích tụ đất đai được đánh giá là liên kết bền vững, hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt đang được áp dụng với vùng trồng cao su trên dải đất nghèo khó miền Tây Bắc - Lai Châu.

Góp đất, đổi phận

Xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ) là vùng đất thấp, hoang hóa, cằn cỗi, sản xuất kém hiệu quả ở Lai Châu. Nhưng rồi, những vạt đồi trơ hiện hữu sự nghèo khó đó được hồi sinh bằng những vườn cao su tăm tắp, qua mô hình người dân góp đất cùng sản xuất với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Gia đình chị Phúc Thị Ngân là người dân tộc Lự, ở bản Can Hồ, xã Lùng Thàng góp 3 ha đất để trồng cao su từ năm 2008. Hiện cả hai vợ chồng chị đều là công nhân tay nghề cứng của Nông trường cao su Lùng Thàng (thuộc Cty CP Cao su Lai Châu).

Chị Ngân đang nhận 3 phần cây (khoảng 3 ha) để cạo mủ, chăm sóc. Giai đoạn cạo mủ (từ tháng 4 đến tháng 12 hằng năm), chị bắt đầu làm từ 5 giờ sáng đến khoảng 8 giờ 30 sẽ được nghỉ; buổi chiều chỉ đến kiểm tra, dọn dẹp phần cây chăm sóc, sau đó có thể dành thời gian làm việc gia đình.

Với khoản lương chăm sóc, cạo mủ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng mỗi người, được công ty hỗ trợ tiền ăn ca, cộng thêm khoản thu từ nấu rượu, nuôi gà, vịt…, gia đình chị Ngân cũng đủ tiền nuôi 2 đứa con ăn học. “Trước làm nương rẫy chỉ phụ thuộc ông trời, năm thuận thì đủ ăn, năm mất mùa thì đói kém. Nhưng làm công nhân, thì ngoài tiền lương hàng tháng, lượng mủ khai thác được công ty chia cổ phần 10%, có khoản để chi tiêu và tích lũy cho con cái sau này”- chị Ngân nói.

Cũng giống như chị Ngân, anh Thàng Văn Păn, cũng ở bản Can Hồ, xã Lùng Thàng góp 5 ha đất trồng cao su. “Lúc đầu chúng tôi chưa tin lắm, nhưng khi được cán bộ, công ty giải thích rõ về cách góp đất trong 30 năm, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vì không lo mất đất”- anh Păn nói.

Anh Păn nhớ lại, những khoảnh đất góp trước đây cũng chỉ trồng sắn, ngô gia đình anh thu nhập thất thường, rất vất vả để nuôi ba đứa con. Bây giờ thì khác, ngoài tiền lương công nhân, gia đình anh còn hơn 7 sào ruộng trồng lúa, nên không sợ đói. Ngoài ra anh còn nuôi 3 con trâu, vài con lợn, đàn gà…để gia tăng thêm.

“Chưa kể, hằng năm gia đình được công ty cho đi khám sức khỏe định kỳ, đóng bảo hiểm đầy đủ… Cũng từ lúc cây cao su về với bản, cái được nữa là những hủ tục, tệ nạn xã hội trước đây giảm hẳn”- anh Păn chia sẻ.

Hồi tháng 10/2016, người dân Lai Châu vui mừng đón những giọt “vàng trắng” lần đầu sau hơn 8 năm cây cao su cắm rễ xuống vùng đất này tại tại Nông trường cao su Lùng Thàng. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Tổng giám đốc Cty CP Cao su Lai Châu cho biết, năng suất trong năm đầu khai thác, Tập đoàn chỉ giao 6 tạ/ha, nhưng ở đây đã cho 7 tạ/ha, tương đương với năng suất cao su vùng Đông Nam bộ, vượt khu vực miền Trung.

Từ  hơn 70 ha của năm đầu, dự kiến năm 2017, toàn công ty sẽ đưa vào khai thác gần 1.150 ha tại 6 nông trường: Phong Thổ (huyện Phong Thỏ)  Lùng Thàng, Nậm Tăm, Noong Hẻo, Căng Co, Nậm Cuội (huyện Sìn Hồ). Ông Thắng cho biết, theo ký kết, người dân sẽ góp đất cho công ty trong 30 năm (theo chu kỳ của cây cao su), được hưởng 10% cổ  phần khi vườn cây vào khai thác mủ. Theo tính toán, với năng suất và giá mủ hiện nay, mỗi năm nông dân có thể thu về thêm 10 triệu đồng/ha tiền giá trị đất góp.

Cũng theo ông Thắng, hiện diện tích cao su toàn công ty gần 7.000 ha, với hơn 1.100 công nhân, phần lớn là bà con dân tộc, những người góp đất. Cùng với việc tăng dần diện tích khai thác mủ, công ty có thể cần tới 3.000 công nhân. Nhiều lớp tập huấn, đào tạo cho công nhân mới cũng liên tục được mở để chuẩn bị cho vụ cạo mủ sắp tới (từ tháng 4 đến tháng 12).

Lan tỏa mô hình liên kết

Những thành công bước đầu trong mô hình liên kết, tích tụ đất đai của các công ty cao su (3 công ty thuộc VRG) đang triển khai, trở thành nhân tố có hiệu ứng cho các lĩnh vực khác ở Lai Châu. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, hiện diện tích cao su toàn tỉnh khoảng 13.500 ha, là địa phương trồng cao su nhiều nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nông dân góp đất làm công nhân ảnh 1

Nông dân thành công nhân của công ty.

“Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm từ năm 2006, đến năm 2008 triển khai trồng ở diện tích lớn. Năm 2016, cây cao su lần đầu tiên mở mủ ở Lai Châu và dự kiến năm nay toàn tỉnh sẽ khai thác mủ khoảng 3.000 ha”- ông An nói.

Theo ông An, năng suất của cao su ở Lai Châu sánh ngang ngửa với thủ phủ Đông Nam bộ. Gần đây, giá mủ cao su đang tăng dần, người trồng cao su càng phấn khởi thêm.

“Diện tích trồng cao su chủ yếu là rừng nghèo kiệt, rừng khó có thể đưa cây trồng có giá trị khác ngoài cao su để trồng trong thời điểm hiện nay. Mặt khác, các hộ dân góp đất, phần lớn là bà con vùng tái định cư và vùng mà tỉnh cũng muốn di dân vì nguy cơ sạt lở, rủi ro về thiên tai. Với khoảng một vạn hộ dân di dời để phục vụ cho thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng-Bản Chát… đây là giải pháp liên kết tốt”- ông An nói.

Thấy mô hình của cao su thành công, Lai Châu triển khai, khuyến khích cả các lĩnh vực khác như chè, quế, dược liệu, cây ăn quả… “Lai Châu đang có khoảng 4.500 ha chè, và sẽ phát triển lên khoảng 6.000 ha vào năm 2020. Cách làm là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh sẽ là các hạt nhân, cùng các hộ nông dân góp đất theo cơ chế ăn chia sản phẩm”- ông An cho biết.

Ông An lấy ví dụ về mô hình liên kết tương tự như cao su ở Cty CP Chè Tam Đường. Công ty đang xây dựng vùng chè 300 ha ở huyện Tam Đường, theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến và sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn xuất đi châu Âu.

Chủ tịch tỉnh Lai Châu cho biết, hiện toàn tỉnh đã ký hơn 10.000 hợp đồng góp đất, ăn chia lợi nhuận, cam kết về các quyền lợi của dân với các công ty cao su.

MỚI - NÓNG