Nông dân 'siêu cúp'

Công nhân phơi muối sấy ở cơ sở Ngọc Yến.
Công nhân phơi muối sấy ở cơ sở Ngọc Yến.
TP - Tự nguyện trả sổ hộ nghèo, ông Ba Bé (Huỳnh Văn Bé) ở thị trấn Thanh Bình (Đồng Tháp) quyết tâm vượt lên chính mình để làm giàu và trở thành chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất muối sấy nổi tiếng. Nhiều năm qua, ông Bé và thương hiệu, sản phẩm muối Ngọc Yến được trao tặng rất nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Chính vì thế, ông Bé còn được mọi người yêu quý tặng cho danh hiệu: Nông dân “siêu cúp”.

Giữa tháng 4/2016, doanh nhân chân đất Ba Bé được mời tham dự Hội nghị Diễn đàn Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Singapore đồng thời nhận giải thưởng “Doanh nhân tiêu biểu APEC” và “Sản phẩm tiêu biểu APEC”. Sự kiện làm nức lòng người dân địa phương và cả giới dân doanh.

Chọn muối vì… quá nghèo

Đến xưởng chế biến muối Ngọc Yến ở khóm Tân Đông B (thị trấn Thanh Bình) đúng vào thời điểm nhà xưởng đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tham gia các hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao trong và ngoài tỉnh. Ông Bé cho biết, hàng ngày cơ sở chế biến muối của ông sản xuất được tới 3 tấn muối thành phẩm, doanh thu mỗi năm cả tỷ đồng.

Ông Ba Bé kể, ông đến với nghề làm muối sấy này trong một trường hợp rất đặc biệt. Chuyện là, năm 1998, ông nuôi 5.000 con chim cút đẻ nhưng thất bại nặng do chim bị bệnh chết và thua lỗ 200 triệu đồng nên phải bán nhà, bán đất để trả nợ tiền vốn vay nuôi chim. Đang từ một hộ khá giả trong vùng, ông được chính quyền cấp cho… sổ hộ nghèo.

Trong lúc sạt nghiệp, ông được một người bà con ở Tây Ninh gọi lên làm muối sấy để bán. “Lúc đó tôi nghĩ, đến như gia đình mình, mỗi tháng sử dụng không hết một bịch muối 100 – 200 gram, thì làm nhiều bán cho ai? Tuy nhiên khi đó tôi kẹt quá đành phải làm”- ông Ba Bé tâm sự. Mẻ muối đầu ông làm khoảng 50 – 60 kg, vợ con phải mang xuống tận TPHCM bán theo mấy đường hẻm cho những người ăn với trái cây. “Lúc đó cực lắm. Có những lúc vợ, con tôi đi bán, do phải nói chuyện trao đổi mua bán ồn ào, người ở trong nhà ra đuổi, chưa kịp đi đã bị họ múc nước tạt vào ướt cả mình, cả muối”- ông Ba Bé kể.

Không cam chịu thua cuộc, không chịu cảnh nghèo đói, ông Ba Bé quyết chí làm ăn, ngày đêm tìm tòi, thử nghiệm để đưa ra những sáng kiến hữu hiệu. Ông chia sẻ: “Trong quá trình làm, tôi có suy nghĩ muốn cho sản phẩm tồn tại, không có cách nào khác hơn là phải làm sao thay đổi chất lượng mới có thể bán được nhiều, cuộc sống của mình mới ổn định”.

Sau hai năm tìm tòi, thử nghiệm, ông đã hình thành được công thức mới. Với công thức phù hợp với khẩu vị đại đa số khách hàng, vợ con ông không còn phải đi bán lẻ nữa, mà được các tiệm tạp hóa, trái cây đặt hàng, có những ngày lên tới cả mấy chục kí-lô-gam. Chất lượng muối sấy do ông Ba Bé chế biến được khách hàng khen ngợi do vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lại có chất lượng…

Khẳng định bằng muối sấy

Vui mừng với thành công bước đầu, ông Ba Bé cùng vợ con nỗ lực làm ăn, chế biến sản phẩm muối sấy thơm ngon, chất lượng, an toàn, tiện lợi và đem đi tiêu thụ khắp nơi. Bán được đồng nào, ông tích cóp để dành. Sau hơn 6 năm làm ăn trên mảnh đất Tây Ninh và TPHCM, ông Ba Bé tích lũy được lưng vốn kha khá. Năm 2006 ông trở về quê gây dựng cơ sở chế biến muối với thương hiệu Ngọc Yến.

Lúc đầu, cơ sở chế biến của ông chỉ sản xuất nhỏ lẻ với những dụng cụ chế biến thô sơ, mỗi ngày sản xuất và cung cấp ra thị trường 30 – 50 kg muối sấy. Sản phẩm muối sấy Ngọc Yến ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp ưa chuộng, ông quyết định đầu tư thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất, trang bị thêm các thiết bị hiện đại như lò sấy muối bằng bồn inox, máy xay, máy trộn nguyên liệu tổng hợp khép kín đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và 10 giàn phơi muối sau khi trộn theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Đó là bước đột phá đầu tiên và chỉ sau 1 năm, đến năm 2007, sản lượng muối sấy Ngọc Yến làm ra và tiêu thụ được 40 tấn và tăng lên 60 tấn vào năm 2008.

Cùng thời điểm đó, thương hiệu muối sấy Ngọc Yến được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Cũng từ đó, muối sấy Ngọc Yến ngày một vươn xa không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn vươn ra thị trường một số nước trên thế giới. Tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Tây Nam bộ, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… hiện đều có nhà phân phối và các đại lý của cơ sở muối sấy Ngọc Yến.

Nhìn cuốn sổ ghi số lượng và doanh số hàng năm của ông, không khỏi giật mình. Từ chỗ chỉ sản xuất được 40 tấn/năm (2007), đến năm 2014, cơ sở muối sấy Ngọc Yến đã cán mốc 500 tấn với doanh thu hơn 15 tỷ đồng, trong đó riêng thị trường miền Bắc đã tăng trưởng 100%. Năm 2015, cơ sở đã sản xuất và tiêu thụ trên 500 tấn muối sấy, đưa doanh thu lên trên 20 tỷ đồng, đạt lợi nhuận gần 4 tỷ đồng.

Sản phẩm “muối sấy Ngọc Yến” được người tiêu dùng đánh giá là loại gia vị rất thơm, ngon bậc nhất khi dùng với các loại trái cây tươi như xoài sống, ổi, mận, cóc, sơ ri… Muối sấy Ngọc Yến còn sử dụng để nêm nếm khi nấu canh, kho, ướp cá thịt, tàu hủ để chiên… rất vừa miệng mà không cần sử dụng bột ngọt hay hạt nêm. Ngoài ra, muối sấy của ông còn dùng cho cả người ăn chay...

Sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng, cuối năm 2014, ông Ba Bé đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng thêm cơ sở 2 với sân phơi muối đạt tiêu chuẩn y tế quốc gia trên diện tích 1.000m2 tại khóm Tân Thuận, thị trấn Thanh Bình. Hỏi về số lãi đã thu được, ông Ba Bé tiết lộ: “Sau gần 10 năm làm muối, trừ chi phí gia đình tôi lãi được 14 tỷ đồng”. Không những vậy, cơ sở của ông hiện đang giải quyết việc làm ổn định cho 30 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 3,6 - 5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn hàng năm cho người lao động.

Nặng lòng với những mảnh đời khốn khó

Làm có của ăn của để, ông Ba Bé không giữ hưởng thụ cho riêng mình mà dành phần đáng kể đóng góp, hỗ trợ người nghèo ở địa phương, từ tham gia xây dựng nhà tình thương, xây cầu, làm đường đến trao quà, tiền giúp hộ nghèo, neo đơn, không nơi nương tựa; hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, vượt khó học giỏi. Em Lê Thị Kim Ngọc, học sinh lớp 11 trường THPT Thanh Bình là một trong nhiều học sinh nghèo ở huyện Thanh Bình được ông Bé giúp đỡ vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để tiếp tục đến trường.

Ông Lê Văn Ẩm, cha em Lê Thị Kim Ngọc, trước đây làm nghề bốc vác cực nhọc nhưng thu nhập không đáng kể nên không thể lo cho con ăn học tới nơi tới chốn. Từ hơn một năm nay, cuộc sống gia đình ông Ẩm có nhiều thay đổi. Ông Ẩm nói trong sự xúc động: “Tôi được chú Ba Bé nhận vào làm công nhân tại cơ sở sản xuất muối sấy Ngọc Yến với việc làm và thu nhập ổn định ở mức cao. Chú Ba còn tận tình giúp đỡ học bổng cho con tôi nên tôi rất mừng và mang ơn chú. Nếu không có chú Ba Bé giúp, chắc tôi không nuôi nổi con ăn học”.

Nông dân 'siêu cúp' ảnh 1

 Ông Ba Bé (bìa phải) trao học bổng tiếp sức học sinh nghèo đến trường.

Hơn hai năm nay, ông Ba Bé thường xuyên hỗ trợ cho trên 120 hộ nghèo trong huyện, mỗi hộ 200.000 đồng/tháng, và tài trợ kinh phí cho Hội Ðông y huyện Thanh Bình để khám chữa bệnh cho người dân. Gần 10 năm qua, tổng giá trị tiền và vật chất mà chủ cơ sở sản xuất muối sấy Ngọc Yến giúp hộ nghèo và những mảnh đời bất hạnh ở huyện Thanh Bình trên 3 tỷ đồng. Ông Bé tâm sự: “Ðời tôi từng khổ nhiều, nên tôi rất hiểu và muốn chia sẻ với những cảnh khổ của người khác. Tôi mơ ước mình khá giả để giúp những người cùng cảnh khổ như mình trước đây”.

Ở tuổi 66, ông Ba Bé vẫn dành nhiều thời gian, công sức cho công tác vận động uốn nắn các thanh thiếu niên “lệch đường”. Nhờ đó, nhiều thanh niên không rơi vào cảnh ăn chơi hư hỏng và có việc làm ổn định. Trước những tệ nạn xã hội, nhất là số đề diễn ra rất phổ biến, ông Ba Bé  thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con phải từ bỏ nạn chơi số đề. Với những lời khuyên nhủ có lý, có tình, hầu hết những người được ông vận động đều đã từ bỏ số đề để lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

 Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Bình Nguyễn Điền Dân cho biết, cơ sở sản xuất muối sấy của ông Ba Bé đã thu nhận nhiều lao động địa phương mà trước đây có nguy cơ vi phạm pháp luật vào làm việc. Nhờ vậy, những người này đã trở thành lao động tốt. Hằng tháng, ông còn giúp đỡ học bổng, tập sách cho những học sinh nghèo khó không phải bỏ học nửa chừng...“Tôi rất tâm đắc vì địa phương có được người như anh Ba Bé”- Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Bình cảm kích nói.   

Muối sấy của cơ sở Ngọc Yến có thành phần khá đơn giản gồm muối, tỏi, bột ngọt, đường, ớt. Tuy nhiên pha chế với tỷ lệ bao nhiêu để hợp khẩu vị từng vùng, miền là bí quyết của nhà sản xuất.
Từ năm 2010 đến tháng 10/2016, cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến được trao tặng trên 60 chiếc Cúp Vàng, Huy chương Vàng, Biểu tượng Vàng, Kỷ niệm chương... từ cấp Tỉnh đến cấp Trung ương và Quốc tế cùng nhiều bằng chứng nhận cấp Quốc gia về chất lượng sản phẩm…
MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.