Nông dân tái nghèo, tìm đâu lối ra? - Bài 4

Nông dân tái nghèo, tìm đâu lối ra? - Bài 4
TP - Nông dân quanh năm bám đất. Nay đất bị lấy đi hình thành các khu công nghiệp,dân được bồi thường vài chục triệu đồng. Mất đất, tiền nhận không biết đầu tư để sinh lời, nhiều nông dân không dám vay tiền hỗ trợ người nghèo để làm kinh tế vì nỗi lo mang nợ.

>> Bài III

Hiện nay ở rất nhiều nơi, các hộ nông dân đồng ý nhượng đất để làm khu công nghiệp và nhận một khoản tiền bồi thường.

Nhưng không biết phải sử dụng những đồng tiền đó thế nào để kinh tế khá giả hơn mà chủ yếu dùng nó cho việc kiến thiết nhà cửa, mua sắm xe cộ, sửa sang vườn, ao…

Chẳng mấy chốc những đồng tiền - hàng chục triệu lại khăn áo bay đi, người dân trở lại với cái nghèo.

Bán 3 sào ruộng được hơn bốn chục triệu, vay mượn thêm, vợ chồng  anh, chị Trần Thị Vinh- Nguyễn Văn Viên xóm Ngọc Bảo, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc xây căn nhà mới, còn tính chuyện lâu dài hai đứa con trai lập gia đình.

Thống kê của huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đầu năm 2008 cho thấy, trong 24.950 hộ của huyện có 2.159 hộ nghèo.

Trong năm 2008 có 840 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo còn lại cuối năm 2008 là  1.696 hộ.

Ước tính sẽ có 377 hộ nghèo trong năm 2009. Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Xuyên Bùi Văn Nghĩa cho biết các xã có nhiều hộ nghèo tập trung ở Bá Hiến, Sơn Lôi, Trung Mỹ.

Vậy là không thể sử dụng tiền đền bù cho việc sản xuất, kinh doanh hay làm vốn sinh lời (vả lại họ cũng không biết sẽ kinh doanh gì, như thế nào).

Còn lại ba sào ruộng trong đó có một sào ruộng trên cao (cấy lúa hai vụ) và hai sào ruộng ở đầm (cấy được một vụ) nhiều năm mất mùa, gia đình anh Viên, chị Vinh vẫn phải vay mượn tiền mua gạo cho sáu miệng ăn trong gia đình.

80 tuổi, đến nay cụ Nguyễn Thị Nhít mẹ nuôi của vợ chồng anh Viên- chị Vinh chưa biết đến chữ thoát nghèo là gì. Bốn đời gia đình cụ khó khăn.

Cái nghèo thể hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của cụ, trên dáng người quanh năm còng lưng mỏi gối, bàn chân đất và ánh mắt nhìn xa xăm, mong mỏi.

Cụ bảo sinh ra đã không biết mặt cha mẹ ra sao, cái khó bó lấy thân từ ngày thơ dại. Rồi đi lấy chồng, đã 2 lần sang sông, lần nào cũng cực khổ. Có 5 người con thì mất 4, cũng vì nghèo, vì đói. Nay chỉ còn lại một người thì lại lấy chồng xa, cả cuộc đời cụ là một câu chuyện buồn.

Xóm Ngọc Bảo nơi cụ Nhít sống cũng nhiều cảnh nghèo như cụ. Cả xóm không có nghề phụ, khi đất nông nghiệp bị thu hồi để lập khu công nghiệp, dân trong xóm sống bằng việc phu hồ, kéo xe gạch, chở đất thuê…

Dân nơi đây không biết đến thảnh thơi, ngày ngày lo lắng chuyện miếng cơm, manh áo. Chị Trần Thị Vinh kể: “Vợ cũ của anh Viên (chồng chị bây giờ) là con gái út cụ Nhít, sinh được ba con thì mất vì cảm cúm, không thuốc thang kịp thời.

Từ đó anh Viên coi mẹ vợ như mẹ đẻ của mình và nguyện dù đói rách sẽ vẫn cố nuôi mẹ đến hết đời. Nhiều lần tới nhà cụ chơi, thấy gia cảnh và người mẹ mù lòa, ngày ngày dò dẫm làm cơm, tôi rất thương cụ, nên đã đồng ý về làm vợ hai của anh Viên. Chấp nhận nghèo khó nuôi nhau”.

Ở xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cũng vậy. Nhà bà Lê Thị Tám cũng không biết sử dụng tiền đền bù hiệu quả. Bị lấy đi hai sào đất, bà Tám nhận được 30 triệu đồng tiền đền bù, một nửa số tiền đó bà dành trả nợ vì những năm trước đói quá phải vay mượn nuôi con.

Số còn lại bà dành mua lợn, gà để chăn nuôi. Nhưng ba năm nay, lợn gà bà nuôi con nào chết con đấy. Bà Tám không hiểu vì cách chăn nuôi không đúng hay vì chúng mắc bệnh mà bà không biết cách thuốc thang.

Lỗ vốn mất vài triệu, bà chuyển sang nuôi bò. Hai năm nay chưa một lứa bò nào mang lại lợi nhuận cho bà, gia đình chỉ tính công làm lãi vì tiền thức ăn cho bò đắt đỏ.

Số tiền đền bù còn lại bà mua đất để san phẳng sân, vậy là hiện tại tay trắng. Bà thở than: “Nhà tôi ở vùng trũng cứ tháng bảy mùa mưa là sân ngập nước, nay có chút ít đồng vốn tôi làm luôn, sống khổ mãi rồi”.

Hiện gia đình trông chờ vào những đồng lương của hai người con làm công nhân ở Cty bao bì và Cty cổ phần Đường Hải với lương mỗi tháng 800.000 đồng/người.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi xã thuần nông có 400-1.000 lao động ra thành phố làm thuê; nhiều xã ở Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hoá, Nam Định có tới 1.500-2.000 lao động ly hương, chiếm gần một phần tư đến một phần năm dân số.

Từ đầu năm đến nay, hơn một phần ba số lao động này phải quay trở về quê. Một thống kê khác cũng cho thấy, thiệt hại về thu nhập hằng năm do rủi ro dịch bệnh, thiên tai, biến động giá cả của nông dân bằng một phần ba vốn tích luỹ được của họ. Chỉ 50% nông dân có bảo hiểm y tế, trong khi hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn lại yếu kém nhất.               

MỚI - NÓNG