Nông dân Trà Vinh mê máy gặt đập liên hợp

Nông dân Trà Vinh mê máy gặt đập liên hợp
TP - Tỉnh Trà Vinh quyết định chi 40 tỷ đồng trong ba năm (2009 - 2012) để hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các hợp tác xã, trang trại, nông hộ mua 130 chiếc máy gặt liên hợp, nâng diện tích lúa thu hoạch bằng cơ giới lên 30 - 35phần trăm.

Ông Nguyễn Văn Khoa, quyền Trưởng phòng NN&PTNT huyện Càng Long, cho biết: “Từ đầu năm 2009 đến nay, huyện Càng Long mua được 14 máy. Hiện, Càng Long có 48 máy gặt liên hợp, tám máy gặt xếp dãy”.

Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phúc ở xã Bình Phú là đơn vị mua máy giặt đập liên hợp đầu tiên của huyện (ba chiếc) với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Tiếp đó, nhiều hợp tác xã đua nhau mua máy gặt đập liên hợp.

Theo bà Lê Tuyết Hồng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, sau bảy tháng triển khai thực hiện đề án cơ giới hóa giai đoạn năm 2009 - 2012, Trà Vinh có 44 hộ đăng ký hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp, một máy gặt xếp dãy.

Ngành nông nghiệp phối hợp với các ngân hàng đầu tư mua được 26 máy gặt đập liên hợp, chín máy sấy lúa cho nông dân các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè. Đến nay, tỉnh Trà Vinh có 60 máy gặt đập liên hợp, 40 máy gặt xếp dãy, đáp ứng được 9 - 10 phần trăm nhu cầu thu hoạch lúa bằng cơ giới.

Đến nhà nông mê gặt đập liên hợp

Ông Nguyễn Văn Lừa, một đại gia trồng lúa ở huyện Cầu Ngang cho biết, vụ hè thu 2008 canh tác 12 ha, đến khi lúa chín, chạy đôn đáo nhiều ngày tìm thợ gặt, nhưng vô ích. Bí quá, ông Bảy Lừa lên tỉnh thuê chiếc máy gặt đập liên hợp về cắt lúa. Ông trở thành người đầu tiên đưa chiếc máy gặt đập liên hợp về cánh đồng này.

Ông phân tích: “Công suất 3 - 5 ha/ngày, tương đương 80 - 120 công nhân cắt lúa; tỷ lệ hao hụt 1 - 3 phần trăm, trong khi thu hoạch thủ công hao hụt 7 - 10 phần trăm. Tính ra, thu hoạch bằng máy lợi hơn thu hoạch thủ công mỗi héc - ta khoảng một triệu đồng”.

Ông Đỗ Văn Hải, cùng làng với ông Bảy Lừa, có hơn 20 năm trồng lúa, đắc ý kể: “Nhân công cắt lúa bây giờ khan hiếm lắm. Tôi thấy ông Bảy đưa máy gặt đập liên hợp về đây rất hay, gặt sạch hơn gặt tay, lúa không ra theo rơm như máy suốt. Nếu ở mỗi ấp có một hoặc hai máy gặt như vậy thì đỡ lắm”.

Không giấu được niềm vui, anh Tiêu Văn Tên ở xã Kim Hòa (Cầu Ngang), nhẩm tính: “Máy gặt đập liên hợp giá 160 - 200 triệu đồng. Nếu được hỗ trợ lãi suất, hay cho vay vốn khoảng 50 phần trăm giá trị máy thì nông dân vùng này mừng lắm”.

Tuy nhiên, hiện giá một chiếc máy gặt đập liên hợp 160 - 200 triệu đồng, quá xa tầm tay của nhiều nông gia.

Ông Nguyễn Văn Khoa, quyền Trưởng phòng NN&PTNT huyện Càng Long, nói: “Nhu cầu máy gặt đập liên hợp trên địa bàn huyện còn rất lớn. Do nông dân thiếu vốn nên chúng tôi đang lập đề nghị xin được hỗ trợ lãi suất thêm chín máy nữa”. 

Báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ ngày 21/7, cho biết, mới có một tổ chức tín dụng cho năm khách hàng vay 160 triệu đồng. So với tổng dư nợ 9.873 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất của 36 tổ chức tín dụng. Trong số đó, dư nợ cho vay mua máy nông nghiệp chiếm 1,6 phần trăm.

Vướng mắc trong cho vay hỗ trợ lãi suất mua máy nông nghiệp chủ yếu, theo lãnh đạo các địa phương, quy định chỉ hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy nông nghiệp sản xuất trong nước, trong khi nông dân muốn mua máy nông nghiệp của nước ngoài, thậm chí là máy cũ, vì giá rẻ và ít hư hỏng. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.