Nóng lòng đợi nhãn muộn ra hoa

Nóng lòng đợi nhãn muộn ra hoa
TP - Khi đợt rét lịch sử kéo dài làm hàng loạt cây nhãn muộn Hà Tây chưa có dấu hiệu trổ hoa, có niềm lạc quan tin vào một vụ mùa bội thu, nhưng cũng có những nỗi lo về cây nhãn muộn trong vườn chột lá, chưa có dấu hiệu cho hoa…

Hàng năm, mỗi khi gần hết nhãn chính vụ (khoảng giữa tháng 8, đầu tháng 9) cũng là lúc những cây nhãn muộn trái mùa bắt đầu trả ơn người vun xới. Nhãn muộn có quả to hơn nhãn thường, cùi dày, nước ngọt. Nhãn chính vụ được giá cũng chỉ đến 10.000 – 15.000 đồng/kg nhưng nhãn muộn  có giá 30.000 – 40.000 đồng/kg.Những năm 1995 – 1996, một kilôgam nhãn muộn ở Hà Nội  giá 50.000 đồng.

Đến huyện Quốc Oai ngày 15/2 âm lịch hỏi xã trồng nhãn muộn, tôi được một nông dân luống tuổi chỉ về xã Đại Thành, nơi có cây nhãn tổ hơn trăm tuổi. Đường vào xã hai bên đều là vườn nhãn đang ngấp nghé những lá non vươn dậy sau giấc ngủ vùi trốn cái lạnh kéo dài 42 ngày. Chị Nguyễn Thị Thu, thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, tự hào: “Xã tôi gia đình nào cũng trồng nhãn muộn. Vườn  bé nhất cũng đến 800 m2”.

Chưa bao giờ muộn như năm nay

Ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Ủy viên BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: “Việc đậu quả quyết định bởi lộc xuân. Rét đậm kéo dài làm lộc xuân bị hạn chế. Nhưng nếu chăm bón tốt, cây vẫn ra được lộc xuân, đồng nghĩa với việc có khả năng đậu quả”.

Về mùa màng năm nay, chị lắc đầu: “Chưa biết thế nào. Mọi năm khoảng 10/2 âm lịch nhãn muộn đã bắt đầu ra hoa. Đến giờ cây trong vườn nhà tôi mới chỉ lên vài lá non. Chưa bao giờ hoa nhãn trổ muộn như năm nay”.

Không lạc quan như nhà ông Thành, vua nhãn ở xã này, chị Nguyễn Thị Hương, chủ một vườn nhãn 20 gốc cả nhãn sớm lẫn nhãn muộn ở thôn Đào Nguyên (xã An Thượng, Hoài Đức, cũng buồn rầu: “Năm nay chắc sẽ mất mùa. Sau đợt rét lịch sử vừa qua, vườn nhãn nhà tôi không có hoa, có cây còn rụng hết lá. Dạo này trời ấm lên, vài cây mới ra lá non”.

Năm ngoái được mùa nhưng, bán cả hai cây nhãn muộn trong vườn (khoảng hơn một yến) cho thương lái, chị Hương thu được 200.000 đồng. Năm nay, cây vẫn chưa có dấu hiệu ra hoa. Chị ngán ngẩm: “Cho dù nhãn muộn năm nay có cho quả, thì quả cũng nhỏ và thưa”.

Bà Lê Thiện Lục ở thôn Ngự Câu (xã An Thượng, Hoài Đức) vừa cuốc đất vừa than thở: “Cả mấy cây nhãn muộn nhà tôi đều chột lá, đỏ quạch, lại chả có hoa. Năm nay sẽ mất mùa mất thôi! Đợt rét vừa qua tôi cũng bón lân, quét vôi, nhưng cây nhãn muộn đến bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu ra hoa”.

Có khi lại được mùa

Trong khuôn viên 6.000m2 nhãn muộn của trại cây Đại Thành, ông Nguyễn Văn Thành, chủ trại cây, đồng thời là Chủ nhiệm Hợp tác xã nhãn lồng chín muộn Đại Thành (xã Đại Thành, Quốc Oai, Hà Tây), nói với tôi đầy tin tưởng: “Tôi dự đoán năm nay nhãn muộn sẽ được mùa”.

“Đợt rét đậm rét hại vừa qua làm hoa ra muộn hơn những năm trước nhưng sẽ ra nhiều và sẽ cho nhiều quả. Điều này căn cứ vào thực tế các nhà vườn quanh vùng và kinh nghiệm của tôi. Khi chuẩn bị ra hoa, lá cây phải cứng và đủ tầm lộc, đủ thời gian. Trận rét vừa rồi lại là thời gian để cây chuẩn bị ra hoa nhiều, khả năng đậu quả cao vì tránh được gió bấc, mưa phùn tháng Ba”.

Dẫn chúng tôi ra vườn, vua nhãn – cái tên nông dân tôn cho ông -  chỉ vào cây nhãn xum xuê những cành lá, mơn mởn những lộc non phía trên: “Cây nhãn này năm ngoái bị sâu bệnh, tôi đã cắt trọc lá. Nhưng năm nay ra rất nhiều lộc, lá và khả năng ra hoa, đậu quả rất cao”.

Trên thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, chỉ cách vườn nhà chị Hương vài trăm mét, ông Nguyễn Đắc Nhị rất ung dung, không vương vấn chuyện mùa màng được mất. “Nhà tôi có 22 cây nhãn, trong đó có 10 cây nhãn muộn mua giống của ông Ích trên thôn Lại Dụ. Tôi học kinh nghiệm trồng nhãn, bắt nó ra quả năm nào thì nó phải ra quả năm ấy. Nhưng phải cho nó nghỉ năm sau và bồi dưỡng thật tốt. Người ta thường nói nhãn “một năm ăn quả, một năm giả lộc” mà. Thế nên thời tiết rét đậm vừa qua tôi không lo”.

Làm gì để có vụ bội thu?

Ông Ích được ông Nhị nhắc đến ở trên có tên đầy đủ là Triệu Tiến Ích, chủ trại cây Lại Dụ, huyện Hoài Đức. Về nỗi lo mất mùa của nông dân, ông nhận định: “Thời tiết rét đậm kéo dài vừa qua sẽ làm hoa nhãn ra muộn, tránh được mưa phùn, gió bấc tháng Ba. Nhưng nếu không ứng dụng kỹ thuật vào trồng nhãn thì năm nay sẽ chỉ được mùa bình thường, thậm chí mất mùa”.

Kỹ thuật mà người nhận giải Cúp vàng thương hiệu Việt này vừa nhắc đến là tỉa bớt quả những cây sai quá (để dinh dưỡng tập trung nuôi những quả còn lại sẽ cho trái to và ngọt hơn), phun thuốc chống thối nõn, chống rụng hoa và nếu có điều kiện thì nên bứt lá non  ở các cành hoa.

 “Nếu làm như vậy, năm nay chắc chắn bà con vẫn được mùa”, người bệnh binh làm nông quen thuộc trên các chương trình khuyến nông của Đài Truyền hình Hà Tây khẳng định.

MỚI - NÓNG