Quốc hội chuẩn bị chất vấn:

“Nóng” nhất là đầu ra nông sản?

Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng
Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng
TP - Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 3/6, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng đã trao đổi với phóng viên về các nội dung lựa chọn chất vấn sắp tới.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đề xuất 5 Bộ trưởng để các đại biểu lựa chọn 4 Bộ trưởng đăng đàn chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp này.  Theo ông, ngành nào, lĩnh vực nào sẽ  nóng nhất khi chất vấn tại kỳ họp này?

Vấn đề nổi lên rõ ràng là ngành nông nghiệp. Bây giờ ai cũng than chuyện được mùa mất giá, nông sản không xuất được, không bán được. Đất nước ta 70% là nông dân, nên điều này càng phải được quan tâm hơn. Tất nhiên, vấn đề này cũng liên quan đến cả Bộ Công Thương. Anh nói là do thị trường, nhưng rõ ràng thị trường chỉ là một nửa, ngoài ra còn có vấn đề sản phẩm anh làm có bán được ra thị trường hay không, có làm dư cung không?

Theo ông, đưa vấn đề nông sản ra chất vấn có phải vì những giải pháp Bộ trưởng nêu ra trước đó chưa đạt hiệu quả?

Chất vấn là cơ hội để Bộ trưởng giải trình chính sách và những cố gắng của mình. Kỳ trước chất vấn, nhưng bây giờ những vấn đề mới lại phát sinh và Bộ trưởng vẫn phải giải trình, tại sao vấn đề đó không giải quyết được? Ví dụ như vấn đề tiêu thụ nông sản không giải quyết được thì đó là vấn đề tồn tại, cần phải tháo gỡ.

Thế còn ngành GD&ĐT thì sao, thưa ông?

Phải nói giáo dục có rất nhiều đổi mới, mà những việc đổi mới thì còn nhiều ý kiến khác nhau, có cái ủng hộ, có cái còn băn khoăn, nhưng xu hướng chung nên ủng hộ Bộ GD&ĐT. Những cái mới thường có ý kiến khác nhau, nên nhiều đại biểu muốn chất vấn lĩnh vực này. Chẳng hạn như việc bỏ thi với trẻ em và không chấm điểm. Nhiều người thường có thói quen khoe điểm của con nên thấy điều đó bức bối. Cái gì cũng có 2 mặt, điều quan trọng là xem phương án nào tốt hơn.

Có những Bộ trưởng cả khóa Quốc hội không bao giờ thấy đăng đàn, dù có những thời điểm nhiều vấn đề liên quan đến bộ, ngành đó rất “nóng”?  Liệu có đặc thù gì không trong việc lựa chọn Bộ trưởng chất vấn?

Tất nhiên là có đặc thù. Chẳng hạn như vấn đề quốc phòng, an ninh là cơ mật quốc gia. Ngay vấn đề ngoại giao cũng vậy, thậm chí Hiến pháp của Mỹ còn quy định rõ Ngoại giao là quyền của hành pháp nên không chất vấn.

Tại  kỳ họp này, Quốc hội muốn chất vấn những vấn đề liên quan đến biển Đông thì sao, thưa ông?

Biển Đông là vấn đề quốc phòng an ninh. Những vấn đề như vậy các nước thường có thiết chế khác để giải trình, chứ không giải trình ở phiên toàn thể được. Có một số nội dung ở các nước không bao giờ thảo luận công khai. Ví dụ như vấn đề quốc phòng, an ninh cũng phải họp kín để tránh lộ sách lược của đất nước.

Cảm ơn ông.            

Trung Quốc xây đảo nghiêm trọng hơn đặt giàn khoan

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp chiều 3/6, ĐB Dương Trung Quốc cho biết, ngày 1/6 vừa qua, ông đã gửi thư riêng cho Chủ tịch Quốc hội về vấn đề biển Đông.

Về nội dung thư gửi, ông Quốc nói: “Cách đây một năm, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981, chúng ta cũng đã ra tuyên bố, dù người dân lúc đó cần làm nhiều hơn. Nhưng lần này, việc Trung Quốc xây đảo có nghiêm trọng bằng việc hạ đặt giàn khoan hay không? Chúng ta có coi sự việc lần này quan trọng hơn lần trước hay không? Nếu có thì chúng ta phải có phản ứng tương xứng”.

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng: “Họ chiếm của mình đã thấy đau, nhưng chiếm rồi xây giữa nhà mình thì sẽ đau như thế nào?”, đồng thời ông Quốc khẳng định “mức độ lần này còn nghiêm trọng hơn nhiều”.

“Tôi cho rằng Quốc hội nên có một tuyên bố, nội dung có thể thể hiện quan điểm kiên quyết hay mềm mỏng…”, ông Quốc nói.

Dũng Nguyễn

Tính đến chiều 1/6, Ủy ban thường vụ Quốc hội  (UBTVQH) đã nhận được 61 câu hỏi chất vấn của đại biểu gửi đến Thủ tướng Chính phủ và 15 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành. Thủ tướng Chính phủ nhận được 8 chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận được nhiều nhất với 9 chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường 4 chất vấn… UBTVQH đề xuất 5 vị Bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ KH&CN; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL. Dự kiến phiên chất vấn sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13/6.

Theo 0
MỚI - NÓNG