'Nông thôn mới' vẫn đối mặt ô nhiễm

Kênh dẫn nối từ sông Hồng với kênh thủy lợi Đan Hoài chạy qua xã Hồng Hà (Đan Phượng) luôn đen đặc, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Minh Quang.
Kênh dẫn nối từ sông Hồng với kênh thủy lợi Đan Hoài chạy qua xã Hồng Hà (Đan Phượng) luôn đen đặc, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Minh Quang.
TP - Nhiều xã nông thôn mới của Hà Nội đầu tư hàng chục tỷ đồng xây trụ sở, nhà văn hóa, cổng làng, đường đi hoành tráng, nhưng môi trường lại dường như bị lãng quên. Nước thải, chất thải từ chăn nuôi, làng nghề hàng ngày xả thẳng ra môi trường không được xử lý…

Xả chất thải ra môi trường

Nhóm PV Tiền Phong có mặt tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Xã được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng khang trang. Tất cả đường làng ngõ xóm của xã được nhựa hóa và bê tông hóa, đường nội đồng cũng được cứng hóa. Đây được xem là xã có nghề chăn nuôi lợn khá phát triển. Xã có khoảng 327 hộ dân sản xuất đậu, 291 hộ nấu rượu và 657 hộ chăn nuôi lợn. Từ việc sản xuất đậu phụ, nấu rượu người dân ở đây đã tận dụng phế phẩm để làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, vào một số hộ nuôi lợn quy mô lớn tại đây, chúng tôi chứng kiến tình trạng chất thải chăn nuôi không qua xử lý hằng ngày xả thẳng ra cống rãnh, bốc mùi hôi thối ngay trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Công Sơn, Cụm trưởng cụm 5 thôn Bá Nội, xã Hồng Hà cho hay, các hộ chăn nuôi có bể biogas nhưng chỉ xử lý được một phần không đáng kể. “Bể chỉ xử lý được chất thải của 4 con lợn nhưng nhiều gia đình nuôi đến 50 con”, ông Sơn nói. Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Đình Đà cho biết, mỗi năm trung bình số đầu lợn mà các hộ dân chăn nuôi lên tới từ 10 đến 13 nghìn con, góp phần không nhỏ cải thiện đời sống người dân. Kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng của xã lên tới là 100 tỷ đồng nhưng phần dành cho môi trường còn rất nhỏ, khoảng 30 triệu đồng mỗi năm để nạo vét cống thoát chất thải, thu dọn rác.

Hết năm 2015, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, Hà Nội có 201/386 xã được công nhận nông thôn mới, đạt 52,07%. Trong 185 xã còn lại có 102 xã đạt 15-18 tiêu chí, 83 xã đạt 10-14 tiêu chí, không còn xã nào dưới 10 tiêu chí. Bình quân khi bắt tay xây dựng nông thôn mới  năm 2010 các xã đạt  7 tiêu chí,  nay đã đạt 16,9 tiêu chí trên xã.

Nhân viên trực Trạm bơm tại kênh dẫn nối sông Hồng với kênh thủy lợi Đan Hoài chạy qua xã Hồng Hà cho biết: Những năm gần đây dọc hai bờ kênh này người dân nuôi rất nhiều lợn, mỗi nhà nuôi khoảng vài chục con, nước xả, nước thải chăn nuôi đều được xả thẳng ra kênh không qua xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ khi cần nước để tưới tiêu thì trạm mới lấy nước từ sông Hồng vào, lúc đó kênh được lưu thông mới bớt ô nhiễm hơn. Chỉ cần nghỉ bơm nước khoảng 3 ngày thì kênh sẽ đen xì, đặc quánh, mùi hôi thối kinh khủng, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng. Ngoài ra, người dân nuôi nhiều, lợn bị bệnh dịch chết cũng thường xuyên, người dân vô ý vứt lợn chết đầy ra kênh. 

“Nhiều hôm mùi nước kênh bốc lên quá kinh khủng không chịu được đến nỗi chính người dân xung quanh phải kêu, và yêu cầu xả nước đi cho bớt mùi. Hệ thống thoát nước hai bên đường, ngay sát nhà dân cũng đen đặc, bốc mùi”, nhân viên trạm bơm cho hay.

Tại xã Liên Trung, huyện Đan Phượng được đầu tư cơ sở hạ tầng khá tốt. Tuy nhiên người dân nhiều khu vực vẫn đang phải sống với tình trạng ô nhiễm. Tại ngã ba đê qua địa phận các xã Liên Trung, Liên Hà, hàng trăm cơ sở sản xuất đồ gỗ mọc ngay sát đường chân đê và cả trong làng. Tiếng cưa máy chạy ầm ầm, bụi gỗ, mùi sơn ngột ngạt. Ông Hoàng Văn Lâm, Phó Chủ  tịch UBND xã Liên Trung cho biết, xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới từ năm 2013, về cơ bản 19/19 tiêu chí đều đạt nhưng tiêu chí môi trường chưa đạt đầy đủ vì 70 cơ sở sản xuất mộc chưa có phương án xử lý ô nhiễm. Xã đang rất cần mặt bằng để tiếp tục quy hoạch các hộ sản xuất kinh doanh gỗ ra khỏi khu dân cư.

Tại nhiều xã nông thôn mới ở Hà Nội, nhóm PV Tiền Phong đều chứng kiến tình trạng ô nhiễm. Điển hình là nạn xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Dọc theo nhiều tuyến đường, hàng chục bãi rác lộ thiên bốc mùi hôi thối…

Nhiều địa phương nợ tiêu chí môi trường

Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hết năm 2015, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, Hà Nội có 201/386 xã được công nhận nông thôn mới, đạt 52,07%. Trong 185 xã còn lại có 102 xã đạt 15-18 tiêu chí, 83 xã đạt 10-14 tiêu chí, không còn xã nào dưới 10 tiêu chí. Bình quân khi bắt tay xây dựng nông thôn mới  năm 2010 các xã đạt  7 tiêu chí,  nay đã đạt 16,9 tiêu chí trên xã. Theo ông Lê Thiết Cương, trong số các tiêu chí chưa đạt có tiêu chí môi trường và trong 185 xã chưa được công nhận có tới 107 xã chưa đạt tiêu chí về môi trường. Tại sao nhiều địa phương chưa đạt tiêu chí này? Ông Cương cho biết tiêu chí môi trường gồm nhiều yêu cầu như nước sạch, nghĩa trang, chất thải rắn, khí thải. Cần kinh phí và rất tốn kém.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, sở dĩ nhiều địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng hoành tráng nhưng ít chú trọng đến môi trường vì xây dựng trụ sở, nhà văn hóa, làm đường thì dễ nhìn thấy, dễ ghi nhận. Môi trường khó xử lý nên người ta coi nó như hộp đen, ngại động đến. “Về mặt công nghệ không khó để giải quyết các vấn đề môi trường nông thôn hiện nay. Cái khó là địa phương có thực sự coi trọng công tác này hay không”, vị đại diện nói.

'Nông thôn mới' vẫn đối mặt ô nhiễm ảnh 1
'Nông thôn mới' vẫn đối mặt ô nhiễm ảnh 2
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.