Thảo luận dự án luật phòng chống tham nhũng: 'Củi khó vào lò' khi còn lỗ hổng

Nộp thuế vài triệu vẫn có nhà lầu, xe hơi?

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị cán bộ kê khai thuế thu nhập cá nhân và công khai cho tất cả cử tri cũng như cơ quan giám sát​. Ảnh: Như Ý.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị cán bộ kê khai thuế thu nhập cá nhân và công khai cho tất cả cử tri cũng như cơ quan giám sát​. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày 13/6, Quốc hội dành cả hai phiên làm việc để thảo luận về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận, với nhiều quan điểm trái chiều nhau là quy định về xử lý tài sản kê khai không trung thực và mở rộng phạm vi chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước.

Công chức nộp thuế vài triệu đồng mỗi năm sao vẫn mua được nhà, xe?

Một trong những nội dung gây nhiều tranh luận là quy định đánh thuế thu nhập cá nhân hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức bằng tiền là 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc. Theo ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng), việc xử lý theo phương án thu thuế là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay, nhằm thể hiện thái độ mạnh mẽ của nhà nước trong việc xử lý thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có đủ bằng chứng về căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Đây là một khoản thu nhập không rõ nguồn gốc, chưa được kê khai và người có nghĩa vụ kê khai phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Thực tế, được ông Đức phân tích là, ở nước ta hiện nay việc quản lý toàn bộ thu nhập từ đầu vào của công chức hết sức khó khăn. Cán bộ, công chức ngoài tiền lương còn có nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác như thu từ thù lao giảng dạy, làm báo cáo viên kiêm nhiệm, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia thị trường bất động sản, chứng khoán...đã giúp họ thu về những khoản lợi nhuận gấp nhiều lần tiền lương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do họ có thể che giấu không kê khai đầy đủ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và việc che giấu không kê khai này là sai, trái với quy định nhưng theo quan điểm luật học cũng không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp.

“Mặc dù ai cũng có quyền nghi vấn về thu nhập, tài sản vượt trội của cá nhân đó nhưng ở góc độ pháp luật chúng ta không thể nhìn nhận tài sản, thu nhập đó là bất hợp pháp. Chừng nào chưa chứng minh được tài sản của họ có được là bất hợp pháp thì nguyên tắc vẫn phải suy đoán tài sản đó là hợp pháp. Kể cả trường hợp họ không giải trình được nguồn gốc tài sản thì cũng chưa thể thu hồi được bởi trách nhiệm chứng minh là của cơ quan có thẩm quyền, nhà nước pháp quyền không thể suy đoán có tội”, ông Đức nói.

Sử dụng quyền tranh luận, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay từ lương, thưởng, buôn bán, trúng vé số, cho, tặng, thừa kế những tài sản lớn đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân. “Thuế thu nhập cá nhân, hiện nay, theo chúng tôi được biết quản lý rất khoa học, chính xác như chúng tôi và nhiều vị đại biểu được thăm Tổng cục Thuế và chúng ta đã được thấy một hệ thống quản lý rất chặt chẽ. Vậy tại sao chúng ta không yêu cầu có thêm một điều kiện phải khai thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng hàng năm bổ sung vào dự thảo luật. Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng có thể dễ dàng giám sát, theo dõi, không có lý do gì mà nộp thuế thu nhập cá nhân một năm chỉ có khoảng 1 đến 2 triệu đồng mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe”, ông Hiếu nói.

Từ đó, ông Hiếu đề nghị có thêm một điều khoản quy định rõ ràng các vị trí có nguy cơ tham nhũng thì chúng ta cần phải kê khai thuế thu nhập cá nhân và công khai cho tất cả cử tri cũng như cơ quan giám sát được biết.

Nộp thuế vài triệu vẫn có nhà lầu, xe hơi? ảnh 1 Minh họa: Khều.

Khu vực tư: Nơi rửa tiền, sân sau

Nhất trí với quy định mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực tư, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho hay, hiện nay tham nhũng trong khu vực tư diễn ra nghiêm trọng, phức tạp làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư mà còn ảnh hưởng đến khu vực công.

“Trong một số trường hợp khu vực tư chính là nơi trú ẩn, rửa tiền, sân sau của những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả nếu bỏ qua khu vực tư”, bà Hoa phân tích.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, qua theo dõi các vụ án thời gian qua cho thấy, tham nhũng không chỉ xuất hiện trong khu vực nhà nước, các hiện tượng “sân sau, gửi giá, lại quả” đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước. Do vậy, đã đến lúc cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. 

Tranh luận với các lập luận trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: “Trong khu vực công nhà nước không thể chống được, bây giờ mở ra khu vực ngoài thì lấy đâu công sức, lấy đâu nguồn lực để làm? Liệu chúng ta có thể làm được không hay là ghi vào luật chỉ làm thêm rắc rối? Từ bất lực một đến bất lực hai dẫn đến chỗ nhà nước có lỗi hơn với người dân và lỗi hơn với cử tri. “Chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực, mọi trí tuệ để chống quyết liệt ở khu vực công”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Cắt bỏ các đặc quyền đặc lợi của quan chức

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), nếu ví chống tham nhũng như một phương trình bốn ẩn số thì các ẩn lần lượt phải giải cho bằng được, đó là: “không dám, không thể, không cần và không được tham nhũng”. Bốn ẩn số này đã được Singapore tìm ra để dựng lên một trong những chính phủ trong sạch nhất thế giới. Phương pháp của họ là phải đúng ngay từ đầu, làm công khai, minh bạch và đồng bộ trong toàn hệ thống, không phân biệt công tư và rất nghiêm minh. “Có thể việc so sánh giữa 2 quốc gia là khập khiễng, nhưng mô hình trên là điều chúng ta đang kỳ vọng và nên hướng tới”, ông Nhân bày tỏ.

Tuy nhiên, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận lại rằng “không thể, không muốn, không dám” tham nhũng thì phải bằng thể chế. Ông ví dụ, để chống chạy chức, chạy quyền, một vấn nạn xã hội đang bức xúc thì nhà nước phải có quy định “thực tâm trí thành” với trọng dụng nhân tài. Để không chạy chức, chạy quyền, theo ông Vân phải cắt bỏ các ưu đãi đặc quyền đặc lợi với quan chức.

Vậy tại sao chúng ta không yêu cầu có thêm một điều kiện phải khai thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng hàng năm bổ sung vào dự thảo luật. Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng có thể dễ dàng giám sát, theo dõi, không có lý do gì mà nộp thuế thu nhập cá nhân một năm chỉ có khoảng 1 đến 2 triệu đồng mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe”. 

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

Phía sau người có chức quyền là doanh nghiệp thành đạt của vợ, con!

Môt khi vợ hoặc chồng của người có chức vụ, quyền hạn là chủ doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó luôn làm ăn có lãi và sự giàu có của gia đình mà người có chức vụ, quyền hạn đang được hưởng lợi đều do tài năng của người làm doanh nghiệp mà có. Mặt khác, một số người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng ảnh hưởng vị trí, quyền lực của mình để có lợi cho doanh nghiệp của vợ hoặc chồng, con làm chủ. Người có chức vụ, quyền hạn có lúc sẽ biến trụ sở làm việc, phương tiện của nhà nước, thời gian thực hiện công vụ để phục vụ và điều hành hoạt động doanh nghiệp của gia đình mà các cơ quan chức năng không dễ dàng xem xét, kết luận những vi pham này.

Từ thực tiễn nêu trên, trong luật phải thiết kế một điều để kiểm soát người có chức vụ, quyền hạn mà vợ, chồng, con làm chủ doanh nghiệp nhằm ngăn chặn những sự việc nêu trên, để tránh tồn tại mãi một hiện tượng nhưng không đúng bản chất thật của sự việc là phía sau một người có chức vụ, quyền hạn thành đạt là có một người vợ, chồng, con quản lý doanh nghiệp thành đạt.

(ĐBQH Mai Sỹ Diến -  Thanh Hóa)

Công chức thì phải có nghĩa vụ minh bạch tài sản

Người cán bộ, công chức về pháp lý chúng ta là “thân phận công bộc” cho nên phải chịu sự ràng buộc và giám sát khác với người dân thường. Theo đó, công chức phải có nghĩa vụ minh bạch tài sản, công khai tài sản và nghĩa vụ giải trình, tức là toàn bộ tài sản và sở hữu thì anh phải giải thích được nguồn gốc từ đâu... Nếu không minh bạch và giải trình được thì công chức đó đã vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và phải bị xử phạt hành chính. Mức chế tài tôi đề nghị áp dụng ở mức phạt bằng tiền từ 51% cho đến 100% số tài sản không giải trình được nguồn gốc.

 (ĐBQH Trương Trọng Nghĩa TP Hồ Chí Minh)

Khó bỏ "củi" vào "lò” nếu luật còn lỗ hổng

Có những cô gái mới 19 tuổi đã có biệt thự, có công ty riêng. Có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên hàng nghìn mét vuông, vậy tài sản đó từ đâu mà có, dư luận xôn xao, nhiều trường hợp báo chí cũng viết nhiều, thế nhưng không làm gì được vì con chưa thành niên thì không phải kê khai tài sản, thu nhập. Vì không có luật nên chúng ta đã thua về lý. Tôi mong rằng Ban soạn thảo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật để giải quyết cho được một bất cập rất lớn trong thực tiễn này. Ví dụ, khi có dư luận, báo chí vào cuộc về khối tài sản khủng, nghi tham nhũng thì có thể yêu cầu con chưa thành niên cũng phải kê khai tài sản. “Lò” đã đỏ lửa, nhưng lỗ hổng trong luật vẫn còn thì nhân dân, chính quyền không thể lấy được củi tham nhũng để cho vào lò.

(ĐBQH Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội)

Luân Dũng - Văn Kiên (ghi)

 Ảnh: Như Ý

Phải kê khai tài sản cả người thân của quan chức

Ngày 13/6, bên lề kỳ họp Quốc hội, trao đổi với PV, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt (ảnh) cho biết:

Ban đầu Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có đưa quy định việc kê khai tài sản bao gồm cả một số đối tượng là người thân như con cái, bố mẹ, anh chị em ruột, kể cả bên chồng, bên vợ và kể cả con nuôi. Nhưng nhiều cơ quan không đồng ý, cho rằng như vậy quá rộng và bây giờ dự thảo chỉ quy định với con chưa thành niên và vợ chồng. Lý do khác được đưa ra là mở rộng như thế làm hưởng đến quyền tự do về tài sản.

Khi thu hẹp như vậy, bây giờ tài sản mà đứng tên anh chị em, bố mẹ thì chịu. Theo tôi, muốn quản lý, kiểm soát tham nhũng thì phải kê khai tài sản của cả người thân quan chức. Bây giờ, quan chức có 4-5 cái nhà, thử hỏi có bao giờ lấy tên mình, hay vợ mình đâu? Họ toàn lấy tên những người thân cả, mà người thân làm doanh nghiệp thì ai có quyền kiểm tra, vì họ không thuộc đối tượng kê khai.

Cũng theo ông Đạt, đây là kẽ hở để quan chức tẩu tán tài sản cho người khác. Đó là thực tế. 

 Thành nam (ghi)

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.
Nhan sắc nổi bật của tân Hoa khôi Miss Gia Định
Nhan sắc nổi bật của tân Hoa khôi Miss Gia Định
TPO - Vượt qua 11 thí sinh khác và chinh phục khán giả bằng sự duyên dáng, tài năng và ứng xử tự tin, thông minh, thí sinh Nguyễn Thị Hằng – sinh viên năm 4 ngành Marketing đã đăng quang ngôi vị Hoa khôi cuộc thi Miss Gia Định và Học sinh tài năng 2024.