Nốt lặng trong những ngày ngóng đợi Casa 212

TP - Đã một tuần trôi qua sau vụ máy bay tuần thám Casa 212 - 8983 gặp nạn ngày 16/6 mang theo 9 sĩ quan, quân nhân mất tích đến nay, nhân dân cả nước đau đáu ngóng đợi thông tin.

Nơi hậu phương, những người vợ, người mẹ, người thân vốn là điểm tựa vững chắc cho các anh vững vàng tay lái bảo vệ biển trời, cũng từng giây phút cầu mong có phép nhiệm màu đưa các anh trở về.

Nốt lặng trong những ngày ngóng đợi Casa 212 ảnh 1

Casa 212 - 8983 lần đầu tiên hạ cánh và trở về an toàn từ Trường Sa. Trong ảnh: Đại tá, Cơ trưởng Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng 918 bắt tay thân mật Đại tá, Cơ trưởng Nguyễn Hoài Thủy, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn, phía sau là Thiếu tá Dương Tú Nam, Chủ nhiệm kỹ thuật Lữ đoàn.

Kỳ I: Chuyện về anh cả Lê Kiêm Toàn

Trưa ngày 16/6, nghe tin dữ máy bay tuần thám Casa 212 - 8983  gặp sự cố, cả Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bàng hoàng. Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ Đoàn trưởng được coi là người anh cả, chèo lái con thuyền đơn vị trong suốt 8 năm an toàn bay, nhưng giờ anh cùng đồng đội chưa về…

Mệnh lệnh là tối thượng

Lữ đoàn 918 là đơn vị duy nhất của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) chuyển loại và tiếp nhận sử dụng máy bay tuần thám Casa-212 để  thực hiện nhiệm vụ trên giao và nhiệm vụ tuần thám biển cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Casa-212 do tập đoàn Airbus sản xuất tại Tây Ban Nha  ngoài ra còn có “hệ thống tuần thám biển MSS-6000” do Thụy Điển sản xuất nên các Phi công-Thành viên tổ bay, sĩ quan- nhân viên Tuần thám phải được tuyển chọn để cử đi học tập, chuyển loại máy bay tại hai quốc gia nói trên. Do đó, Đại tá Lê Kiêm Toàn là người  được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, là chỉ huy cao nhất, trưởng đoàn khóa đào tạo chuyển loại máy bay Casa-212 tại Tây Ban Nha và Thụy Điển. 

Cùng được đào tạo chuyển loại máy bay mới tuần thám Casa-212 đầu tiên của Việt Nam với Đại tá Toàn còn có Phi đội trưởng Phi đội Casa-212 là Thượng tá Nguyễn Đức Hảo (Lái chính), Phi công số 2 là Thiếu tá Nguyễn Văn Chính- Chính trị viên Phi đội Casa-212 (Phi công  Lái chính cấp 3) hiện đang mất tích và các đồng chí trong Phi đội .

Trở về đơn vị, Lữ đoàn 918 thực hiện nhiệm vụ theo đặc thù huấn luyện để sắp xếp đội bay. Ngay khi chiến đấu cơ Su 30-MK2 gặp nạn trên biển ngày 14/6, Lữ Đoàn 918 được lệnh của Quân chủng PK-KQ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm. Cơ trưởng cùng phi hành đoàn có trình độ chuyên môn giỏi, nhất tham gia tìm kiếm. Máy bay Casa- 212: 8983 được trang bị và kiểm tra thông số kỹ thuật đảm bảo an toàn bay ở mức cao nhất. Đây cũng là chiếc Casa-212 đầu tiên và duy nhất được người anh Cả, Lữ đoàn  trưởng Đại tá Lê Kiêm Toàn (Lái chính-Phi công cấp 1) thực hiện bay huấn luyện hạ cánh an toàn tại Trường Sa, đánh dấu bước trưởng thành mới  khai thác, sử dụng máy bay mới Casa-212 thực hiện nhiệm vụ bay từ đất liền ra đảo. Các tổ bay trước vừa trở về thì Đại tá Lê Kiêm Toàn cùng với Phi công-Thành viên bay và nhân viên tuần thám, kỹ thuật hàng không lên đường tiếp tục hành trình tìm kiếm đồng đội trên biển.

Thiếu tá Đào Ngọc Xuân- Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 918, đồng thời là thành viên bay máy bay  vận tải An-26 cho biết, việc tìm kiếm đồng đội và chiến đấu cơ Su 30-MK2 là nhiệm vụ hàng đầu nên Đại tá Toàn - Lái chính cùng đội bay của mình thực hiện nhiệm vụ, máy bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm, quận Long Biên (Hà Nội) lúc 9h10. Đến 12h30 thì máy bay Casa-212 (8983) mất liên lạc, cả Lữ đoàn 918 bàng hoàng đến khó tin. 

“Tất cả đồng đội, chiến sĩ của anh đều mong đó chỉ là sự cố nhỏ rồi sớm sẽ trở lại bình thường để thực hiện nhiệm vụ. Bởi suốt 8 năm qua Lữ đoàn 918, luôn đặt công tác huấn luyện bay, đảm bảo an toàn bay lên hàng đầu, đảm bảo bay an toàn tuyệt đối, như lời Thiếu tá Xuân trao đổi. 

Xứng danh anh cả

Trưa 22/6, sau 6 ngày Casa -212 (8983) cùng phi hành đoàn gặp nạn, chúng tôi đến Lữ đoàn 918. Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường nhưng trong sâu thẳm mọi người ở  đây vẫn đau đáu tia hy vọng ngóng chờ người anh cả Lê Kiêm Toàn và đồng đội trở về. Các phòng, ban,  đơn vị  đang tiến hành tổ chức giảng bình bay an toàn, rút kinh nghiệm và các bài học bay tập luyện, chiến đấu. 

Qua tìm hiểu, tôi được biết Đại tá, Lữ đoàn trưởng Lê Kiêm Toàn là một lãnh đạo kiên quyết, tỉ mỉ và khoa học, luôn biết lắng nghe và truyền giảng kinh nghiệm và chuyên môn bay cho các thế hệ phi công một cách khoa học, bài bản, kỹ lưỡng. Với công việc, anh là người anh cả trong chỉ huy. Trong cuộc sống thường ngày anh luôn hòa đồng, lối sống chan hòa, giản dị, luôn kèm cặp, chỉ bảo thế hệ đi sau những điều nhỏ nhất. Đời quân ngũ luôn khắc nghiệt nhưng có được người chỉ huy như Đại tá Toàn là chỗ dựa tinh thần để đồng đội thêm yêu thương, gắn bó và hết lòng phục vụ Tổ quốc.

Nốt lặng trong những ngày ngóng đợi Casa 212 ảnh 2

Tổ bay Casa 212 - 8983 thực hiện bay và hạ cánh an toàn từ Trường Sa trở về. Ảnh: Ngọc Hoa

Đại tá Lê Kiêm Toàn sinh năm 1960 tại Thanh Oai (Hà Nội). Anh nhập ngũ năm 18 tuổi và học Lái máy bay chiến đấu MIC- 21. Sau khi tốt nghiệp, phi công trẻ  Lê Kiêm Toàn nhận nhiệm vụ tại đơn vị đóng quân ở Đà Nẵng trong suốt 14 năm, trước khi chuyển công tác anh Toàn trên cương vị Phi đội trưởng MIC-21. Đời quân ngũ của anh trải qua hàng nghìn giờ bay huấn luyện, chiến đấu với những loại máy bay từ máy bay huấn luyện sơ cấp L-29 đến máy bay chiến đấu MIC-21, sau đó chuyển loại sang máy bay vận tải An-26 và mới đây nhất là máy bay tuần thám biển Casa-212.  

Gặp gỡ những đồng đội của Đại tá Toàn từ những ngày đầu anh tốt nghiệp và tập bay huấn luyện ở Đà Nẵng, ai cũng yêu quý bản tính chân thành và say mê với công việc của anh. Ở đơn vị, Đại tá Toàn là chỉ huy cao nhất nhưng anh luôn giành việc khó về mình để nêu gương cho các  phi công, thành viên bay và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Với cương vị Lữ đoàn trưởng nhưng Đại tá Toàn vẫn  ham bay, say học… cùng máy bay Casa-212 để trở thành phi công cấp 1 vào năm 2014.

Vợ Đại tá Lê Kiêm Toàn, chị Đặng Thu Lan, năm nay 46 tuổi cũng là chiến sĩ công tác tại Bộ Tư lệnh Biên phòng. Chị và các con luôn là hậu phương chia sẻ ngọt bùi, đắng cay để anh yên tâm xây dựng đơn vị vững mạnh và cánh bay an toàn trong suốt cuộc đời quân ngũ. 

Trước sự cố này chị Lan ngày đêm mong ngóng chồng và các đồng đội trở về dù chỉ  một phần nghìn tia  hy vọng. Hiện ở căn hộ khu tập thể 918, phường Phúc Đồng, Long Biên (Hà Nội), chị cùng hai con gái đang sống trong những  thời khắc  khó khăn. Đồng đội, người thân và bạn bè luôn bên gia đình chị cùng thắp lên ngọn lửa niềm tin để vững vàng đối mặt với thử thách.

Đại tá Lê Kiêm Toàn được trao Huân chương chiến công Hạng 3; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba. Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba. Huy chương Quân kỳ quyết thắng. Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và các phần thưởng cao quý khác… 

MỚI - NÓNG