Nữ anh hùng nổi tiếng Kăn Lịch bị chính quyền địa phương “xử tệ”...?

Nữ anh hùng nổi tiếng Kăn Lịch bị chính quyền địa phương “xử tệ”...?
TPCN - Chặng đường 170 cây số đi bằng xe máy từ Đà Nẵng lên vùng rừng núi Trường Sơn A Lưới giữa cái nắng tháng 6, trong đầu tôi cứ ong ong về lá thư ngắn của một cựu chiến binh.

Thư kể một CCB mới đi miền Trung về, nghe được câu chuyện buồn của gia đình nữ Anh hùng quân đội Hồ Kăn Lịch.

Chuyện rằng “hai vợ chồng Kăn Lịch sống ở thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, TT-Huế) hiện có 2 người con ruột và 9 đứa con nuôi đều là con em đồng bào dân tộc đã hy sinh, được hoá giá 1 căn nhà nhưng vì nghèo, không có tiền nên phải gửi sổ hưu để thế chấp vay tiền”.

Rằng “em trai Kăn Lịch cũng là Anh hùng quân đội nhưng bị tâm thần, sống nhờ sự chăm sóc của bà chị nhưng không hề có trợ cấp của thương binh xã hội. Nhiều lần bà Kăn Lịch lên xin tiền trợ cấp cho em thì bị cán bộ TBXH hỏi “Xin gì mà xin hoài”.

Rằng “địa phương không muốn ông bà tham gia các hoạt động truyền thống vì sợ lại báo cáo tình hình địa phương, các giấy mời đều bị giấu đi ...”. Lá thư chỉ là lời tâm sự với những người làm báo Tiền phong, nhưng thật nhức nhối nếu quả đó là sự thật.    

Đã qua nửa giờ làm việc buổi chiều, tôi quyết định gặp chính quyền và ngành chức năng địa phương để tìm câu trả lời trước khi gặp anh hùng Kăn Lịch.

Tại Phòng Nội vụ – Lao động Thương binh xã hội huyện, anh Lê Ngọc Tĩnh – Phó phòng – dường như không mấy ... ngạc nhiên khi thoạt nghe tôi trình bày vấn đề. Việc đầu tiên là anh mở máy tính in ra công văn của phòng ký ngày 19/8/2005.

Phần đầu CV ghi rõ: “Theo yêu cầu của UBND huyện V/v trả lời Công văn số 2390/UBND-XH ngày 10/8/2005 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc giải quyết đơn của ông Đoàn Anh Hải, cựu chiến binh thành phố Hà Nội về hoàn cảnh của gia đình chị Kăn Lịch, Anh hùng lực lượng vũ trang huyện A Lưới”.

Anh Tĩnh nói : “Năm ngoái có một bài báo cũng viết về vấn đề này, và đây là trả lời của chúng tôi, anh xem”. Tôi đọc CV, thấy có 4 mục rõ ràng. Về tình hình gia đình và nhân khẩu, ghi : Gồm 2 vợ chồng và 2 con; Chồng là Hồ Văn Chiến, đại úy nghỉ hưu, lương hưu 1.400.000 đ/tháng; Chị Kăn Lịch, thiếu tá nghỉ hưu là AHLLVT, thu nhập : - Lương hưu 1.642.000 đ/tháng, - trợ cấp thương binh 244.000 đ/tháng, - trợ cấp AHLLVT 250.000 đ/tháng.

Tổng cộng (2 vợ chồng): 3.536.700 đ/tháng. Trước đây gia đình anh chị có một vài cháu đã lớn tuổi đến ở với chị và giúp đỡ công việc trong nhà (các cháu này là con mồ côi), hiện nay các cháu đó đã lấy chồng và theo chồng sống nơi khác. Hiện tại trong gia đình chỉ có 2 vợ chồng và các cháu nội, ngoại thường xuyên qua lại...

Về con cái : Hai con một trai một gái đã có gia đình và đang làm cán bộ ở thị trấn, thu nhập ổn định. Về nhà ở : Năm 1997 UBND huyện đã cấp 249 m2 đất cho gia đình Kăn Lịch (có sổ đỏ) và hỗ trợ 15 triệu đồng.

Ngoài ra Vietnam Airlines hỗ trợ 20 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, cùng với tiền và quà của nhiều tổ chức khác... Về tiền vay ngân hàng: Gia đình Kăn Lịch vay Ngân hàng Nông nghiệp 30.000.000 đồng (từ ngày 25/8/2003, lãi suất 1%). Đến tháng 8/2005, số tiền còn dư nợ tại ngân hàng là 4.490.000 đồng. Ngân hàng chính sách gia đình chưa vay...

“Chúng tôi khẳng định với thu nhập trên, và con cái đã trưởng thành, lại với mức sống ở vùng núi này, nếu nói gia đình chị Kăn Lịch đói khổ thì hoàn toàn không” – anh Tĩnh kết luận. “Trường hợp anh hùng Hồ A Nun – em của anh hùng Kăn Lịch – cũng có chế độ chứ ?” – tôi hỏi.

Anh Tĩnh: “Sao lại không có, ông ấy là thiếu tá, là anh hùng, chính sách chế độ đầy đủ chứ! Nhưng trường hợp ông Nun nói khó khăn là có, vì gia đình có 6 đứa con, bản thân ông ốm đau luôn”.

Tôi sang UBND huyện A Lưới gặp Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Nghĩa. “Đúng là một dạo có những thông tin về hoàn cảnh gia đình anh hùng Kăn Lịch – anh Nghĩa trình bày - Huyện chúng tôi có 7 anh hùng LLVT, và chúng tôi khẳng định ở đây, anh hùng Hồ Vai (chú ruột của Kăn Lịch - PV) và Kăn Lịch phần nào được ưu ái nhiều nhất. Huyện cũng không hề “ngăn cản” chị Kăn Lịch tham gia các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, mà ngược lại, hễ có đoàn TƯ, các địa phương và báo chí nào đến huyện chúng tôi đều mời và giới thiệu về chị.

Hoặc có dịp lễ lớn nào của tỉnh cũng đều có xe đưa đón chị đi dự. Về nhà ở, trong khi các anh hùng khác sống trên đất và vườn tự khai hoang, tuy chị Kăn Lịch cũng đã có một ngôi nhà và vườn như vậy, nhưng huyện vẫn cấp thêm 1 lô đất mặt tiền đường Hồ Chí Minh và hỗ trợ tiền xây dựng”.

 “Thu nhập ổn định, nhưng sao gia đình Kăn Lịch phải vay tiền ngân hàng ?” – tôi hỏi. “Khi được cấp đất mặt tiền, chị Kăn Lịch cùng với con trai mở quán càphê nên cần vốn, đó là điều bình thường” - anh Nghĩa trả lời.

Anh hùng Kăn Lịch: “Mệ chỉ toàn thương người thôi!” 

Tìm đến nhà anh hùng Kăn Lịch, thấy mặt trước ngôi nhà đang xây sửa ngổn ngang. “Mệ đi rẫy chưa về”, mấy cậu thanh niên người Pakô lấm lem vôi vữa mách. Quay xe về hướng núi, được một đỗi tôi bắt gặp một phụ nữ trạc ngoài 60 gương mặt hiền, da nâu săn chắc đeo gùi sắn trên vai.

Chỉ thoáng qua, tôi đã đoán chắc đây là người nữ Anh hùng LLVT đầu tiên của miền Tây Trường Sơn với những trận chiến đấu lẫy lừng quả cảm và người từng 7 lần được vinh dự gặp Bác Hồ. “Mệ (cách xưng hô của phụ nữ Pakô) có phải là ...”. “Mệ là Kăn Lịch đây, chú tìm mệ hử !”.

Trong gian bếp phía sau ngôi nhà, mệ buông gùi rót đưa tôi cốc trà xanh ấm nóng. Trên chiếc giường, một bé gái khoảng 10 tuổi nằm thiêm thiếp: “Cháu ngoại mệ, nó bị sốt mấy ngày rồi, bệnh viện đã tiêm và truyền nước, ông mệ xin về để theo dõi nhưng chưa bớt, có lẽ phải đưa vô viện lại thôi”.

Khi nghe tôi mở đầu câu chuyện, nữ anh hùng Kăn Lịch cười : “Mệ có gửi đơn từ đòi hỏi quyền lợi chi mô. Có lẽ đồng đội cũ lại thương mệ rồi !”. “Có ai nói với mệ rằng xin gì mà xin hoài không ?”.

“Có, mấy o (cô) làm thương binh xã hội ở dưới tỉnh. Sau mấy o đã xin lỗi mệ rồi, nói là mấy o nói đùa, do không biết mệ. Mệ có nghèo khổ mấy cũng không đi xin ai mô, chỉ thương thằng A Nun mà phải làm vậy.

Mấy tháng trước, thằng A Nun lại lên cơn điên, la hét đập phá lung tung, đào cả mộ cha mẹ, đốt hết quần áo chăn màn, còn lấy nước đái rửa mặt súc miệng, mệ phải bắt nhốt nó như nhốt tù binh.

Bệnh viện huyện cho xe chở nó xuống Huế chữa ở đấy suốt 5 tháng. Nhà nó nghèo, có 6 đứa con, mới 1 đứa đi làm, trông nó ở bệnh viện phải có 4-5 người, mệ bí quá chạy đi chạy lại khắp nơi xin giúp thêm cho nó, sau được tỉnh cho 2 triệu. Nó về nhà được 2 tuần rồi, đã ổn định...

“Huyện có mời mệ dự lễ không ?”. “Có chứ, đại hội Đảng, ngày phụ nữ, rồi các đoàn của trung ương, Quốc hội vô thăm, họ đều mời mệ. Hồi ông Lê Khả Phiêu, rồi bà Trương Mỹ Hoa thăm A Lưới, đều có quà cho mệ. Đảng, Nhà nước quan tâm rất nhiều, cái nhà này làm hết 87 triệu, đất huyện cấp, cho thêm 15 triệu, còn báo chí và các đơn vị giúp đỡ nhiều”.

“Bây giờ mệ còn nợ ngân hàng bao nhiêu ?”. “20 triệu, trả dần hàng tháng. Hồi nớ mệ nuôi 9 đứa con nuôi mồ côi là con của anh em bên chồng. Nhà nước cho 15 triệu xây nhà tạm, mệ vay thêm tiền để xây. Nay 7 đứa đã qua đó ở, mệ chỉ còn nuôi 2 đứa giờ làm nghề phụ nề”.

“Vậy giờ mệ có nguyện vọng gì cần đề nghị không ?”. “Năm ni thì mệ đỡ nhiều, mệ mừng rồi. Chỉ còn lo công việc cho mấy đứa cháu thôi. Có mấy đứa cháu ngoại học lớp 11, 12, mệ xin cho vào bộ đội, mấy anh ở huyện đội bảo yên tâm, cứ học cái đã”.

Đúng là tuổi già nữ anh hùng Kăn Lịch hiếm khi có được lúc nhàn, bởi bà luôn tất bật toan lo cho anh em, cháu con, họ hàng và thơm thảo cả với người ngoài.

Trò chuyện với người con rể Hồ Văn Nô là cán bộ công an huyện, tôi được nghe kể một chuyện khó quên. Số là dạo nọ bên bưu điện lắp cho mệ một máy điện thoại để đồng đội cũ gọi thăm hỏi cho tiện. Có máy, ai gọi nhờ mệ cũng cho, gọi khắp cả nước, cả ra nước ngoài.

Hết tháng số tiền lên tới 2,8 triệu, kể cả tiền lắp đặt lên tới gần 4 triệu, thế là mệ phải trừ dần vào lương gần... 3 năm mới hết. Mệ đề nghị bưu điện: “Các chú cứ cắt không cho mệ gọi nữa, nhưng vẫn để máy cho mệ... nghe chớ”. Ai cũng cười...     

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.