Nữ giáo sư kể chuyện mở trường đại học tư đầu tiên ở Việt Nam

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong tặng hoa chúc mừng giáo sư Hoàng Xuân Sính nhân ngày 20-11.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong tặng hoa chúc mừng giáo sư Hoàng Xuân Sính nhân ngày 20-11.
TPO - “Bây giờ cho tôi thành lập trường ngoài công lập chắc tôi không thể làm được. Vì làm giáo dục cần rất nhiều tiền. Nuôi một ngôi trường vô cùng khủng khiếp” – đó là chia sẻ của GS. Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thăng Long. Bà chính là người đầu tiên “khai sinh” ra mô hình Đại học ngoài công lập tại Việt Nam.

Đi đầu trong đổi mới giáo dục đại học

Theo GS. Hoàng Xuân Sính, dấu mốc quan trọng nhất để ĐH Tư thục Thăng Long ra đời là năm 1986, khi đất nước bắt đầu mở cửa. Kinh tế xã hội khó khăn đã ảnh hưởng đến giáo dục. GS.Bùi Trọng Liễu khi đó đang giảng dạy ĐH tại Pháp trong bối cảnh đó đã đưa ra ý tưởng thành lập mô hình giáo dục ngoài công lập. “Ý tưởng đó không phải để cứu nguy cho đời sống cán bộ giáo viên lúc bấy giờ mà là tạo cơ hội để sinh viên vẫn được học ĐH trong hoàn cảnh đó” – GS. Hoàng Xuân Sính chia sẻ. Chính vì vậy GS. Bùi Trọng Liễu đã viết một bức thư cho 5 nhà toán học tại Việt Nam là GS.Hoàng Tụy, GS. Phan Đình Diệu, GS Nguyễn Đình Chí, GS. Bùi Trọng Lựu và GS. Hoàng Xuân Sính. Ý tưởng ban đầu là chỉ mở một lớp khoảng 30 sinh viên và không đặt mục tiêu thu học phí. “Giờ nhìn lại, tôi thấy đây là ý tưởng lãng mạn nhất cuộc đời mình” – GS. Sính cười nói.

Nhưng ngày đó, khái niệm ngoài công lập chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, nhóm 5 nhà toán học đã họp đi họp lại nhưng không ai đủ can đảm để viết thư cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Cuối cùng, GS. Hoàng Xuân Sính đã viết một bức thư gửi Bộ GD&ĐT nhưng nhờ Sở Khoa học công nghệ Hà Nội đứng ra “bảo hành”. Tuy nhiên, bức thư đó đã không đến được đúng địa chỉ. GS. Sính lại về cặm cụi đánh máy một bức thư khác xin Bộ GD&ĐT cho mở thí điểm mô hình trường ngoài công lập và ký tên 5 nhà toán học. Nhưng tất nhiên không ai trả lời. Lá thư rơi vào im lặng. Vì vậy GS. Hoàng Xuân Sính quyết định đến “gõ cửa” Tổng bí thư lúc bấy giờ là cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. “Tôi chỉ nói với cố Tổng bí thư là chỉ xin mở trường không xin tiền. Rồi tôi đến xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đang phụ trách khoa học, giáo dục. Tôi nghĩ thế là tôi đã làm xong bổn phận của mình”  - Bà Sính cho hay.

Nhưng bất ngờ, tháng 12/1988, Ban Khoa giáo Trung ương (bây giờ là Ban Tuyên giáo) mời bà đến nói chuyện. Sau đó lại đến Bộ GD&ĐT. Ngày 15/12 trường ra đời với tên Trung tâm ĐH Thăng Long. Ra tết năm 1989, sau khi xin tiền một người em Việt Kiểu về ăn tết, GS. Hoàng Xuân Sính đã tổ chức lễ khai giảng đầu tiên của trường ĐH Thăng Long tại Văn Miếu quốc tử giám, khách mời có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó là bà  Nguyễn Thị Tâm Đan, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là GS. Trần Hồng Quân.

Khởi đầu thuận lợi nhưng GS. Hoàng Xuân Sính cho biết, hoạt động sau 3 năm, những người bạn của bà tại Pháp không còn đủ sức để viện trợ cho trường, bà phải tự xoay. Nhưng có lẽ, khó khăn nhất giai đoạn này chính là cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Vì trong luật, trong mọi văn bản pháp quy khác không có quy định mô hình trường học ngoài công lập nên ĐH Thăng Long lúc bấy giờ không thể cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp. “Ngày đó, tôi ở tình thế tiến không được, lùi không xong. Bộ GD&ĐT không cho cấp bằng còn phụ huynh thì la ó. Tối đến, tôi cứ nghe thấy điện thoại là giật mình. Vì phụ huynh luôn gọi vào giờ đó để “nắn” tinh thần tôi. Không những thế, cán bộ hành chính của trường cũng bỏ việc hết. Tôi, vừa là Hiệu trưởng, vừa là người lao công, vừa xách nước, vừa quét lớp” – GS. Hoàng Xuân Sính chia sẻ khó khăn. Phải mất 2 năm sau khi lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT mới có quy chế ĐH Dân lập tạm thời và GS. Hoàng Xuân Sính mới được “cởi trói”

Đại học dân lập đang cần gì?

Nhìn lại con đường đã đi qua, GS. Hoàng Xuân Sính cho rằng bà cũng không thể tưởng tượng được sao mình có thể vượt được. “Ngày đó, tôi “mở đường” thành công vì đúng thiên thời địa lợi nhân hòa. Không có tiền nhưng vẫn thành lập được trường. Tôi cũng không hiểu sao ngày đấy người ta cũng “cả tin” để cho tôi làm thế. Thứ hai là để thu hút được sinh viên giỏi, trường tôi là trường đầu tiên có học bổng cho sinh viên đi học nước ngoài. Thứ ba là thu hút được đội ngũ thầy giỏi từ các ĐH công” – GS. Sính chia sẻ. Nói thêm về chương trình tìm học bổng, GS. Sính cho hay, ngày đó các trường ĐH lớn của nước ngoài sẵn sàng cho ĐH Thăng Long mỗi năm 5 suất học bổng. Đây là điều mà các trường ĐH công lập khác tại Việt Nam không làm được. Chính vì vậy, nhiều sinh viên giỏi ở các trường ĐH khác đã tìm đến ĐH Thăng Long.

Tuy nhiên, nói về “số phận” các trường ĐH ngoài công lập hiện nay, GS. Sính cho rằng, mở trường ĐH ngoài công lập phải tùy theo từng thời kỳ. Thời của bà không có tiền nhưng  nước ngoài cho học bổng và xin được tiền hỗ trợ từ Việt Kiều. “Nếu tôi mở bây giờ là thất bại. Bây giờ vốn phải dài” – GS. Sính khẳng định. Cũng theo GS Hoàng Xuân Sính, để các trường nuôi được chính mình phải có một “dòng” sinh viên ổn định. “Không thể để một năm thất thu. Vì nếu thế, tức là xã hội đã có định kiến gì đó về trường, không khôi phục, những năm sau cứ thế thụt dần. Vì vậy, phải làm thế nào giữ được uy tín, không để sụt” – GS.Hoàng Xuân Sính nói.

Thứ hai là tuyển sinh không quá ít để các trường có thể chi trả được. Về đội ngũ nhân lực, bà Sính cho rằng các trường phải định ra  từng giai đoạn. “Tôi xác định để xây một ngôi trường khang trang phải mất 20 năm tích lũy. 40 năm xây dựng đội ngũ cán bộ, 40 năm sau nữa mới đi vào nghiên cứu. Đây là kinh nghiệm được đúc rút ở các nước trên thế giới” bà Sính cho hay.

Nói về khó khăn tuyển sinh của các trường ngoài công lập hiện nay, GS. Hoàng Xuân Sính cho rằng có nguyên nhân chủ quan là nội bộ các trường bất ổn. Còn nguyên nhân khách quan là các trường mở ra quá nhiều mà sinh viên thì ít. “Năm 2012, tôi mỗi ngày chủ nhật, tôi đến các trường như Lương Thế Vinh ở Nam Định, ĐH Đông Á ở Bắc Ninh và ĐH Trưng Vương ở Vĩnh Phúc. Tôi thấy cho mở các trường ở những vị trí đó làm sao các trường tuyển sinh được. Ví dụ như trường Trưng Vương ở chân núi Tam Đảo, con em họ đi học thế nào? Đó là những địa điểm chết. Nếu đã cho các trường tư thành lập sao không cho họ cơ hội để tồn tại? Chính sách của nhà nước đối với các trường ngoài công lập cũng còn nhiều vấn đề cần phải thay đổi. Như chính sách thuế, chính sách hỗ trợ cho các trường đi xin đất...  ” – GS. Sính đặt câu hỏi.

GS.Hoàng Xuân Sính là nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam. Bà cũng là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học. Ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy toán học, GS Hoàng Xuân Sính còn là người góp phần chủ yếu vào việc hình thành Giải thưởng Kovalevskaya trao tặng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc ở Việt Nam. Năm 1988, bà thành lập ĐH Thăng Long nhưng bà vẫn đảm nhiệm công việc giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội đến đầu những năm 2000. Sau khi ĐH Thăng Long ra đời được vài năm, các trường ĐH ngoài công lập khác của Việt Nam cũng bắt đầu được thành lập như ĐH Đông Đô, ĐH Phương Đông, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội…

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.