Nữ giới làm lãnh đạo, thân này ví xẻ làm đôi được!

Nữ giới làm lãnh đạo, thân này ví xẻ làm đôi được!
Hầu hết các đấng mày râu khi được hỏi có muốn vợ làm “sếp” không, đều nói không. Phụ nữ khi trở thành lãnh đạo gặp khó khăn và thuận lợi gì?
Nữ giới làm lãnh đạo, thân này ví xẻ làm đôi được! ảnh 1
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hằng đăng đàn tại Quốc hội

Phụ  nữ lãnh đạo gặp khó khăn và thuận lợi gì? Làm thế nào vừa bớt tính hình thức vừa  tăng tỷ lệ nữ giới tham gia chính quyền ...?

Ban tổ chức Trung ương Đảng vừa khảo sát trên nhiều Bộ ngành và tỉnh thành trong cả nước nhằm lập đề án “Nâng cao năng lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị”. Nhiều nữ lãnh đạo chủ chốt của các Bộ, ngành, tỉnh thành đã giãi bày những nỗi niềm sâu kín.

Chủ tịch tỉnh cũng tủi thân     

Bà Lê Thị Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, nhiều khi bà cảm thấy thiệt thòi so với nam giới trong vấn đề tiếp cận thông tin. Những hình ảnh rất “truyền thống” như chồng đọc báo, vợ nấu ăn đã nói lên điều đó.

Dù làm Chủ tịch tỉnh, công việc bận rộn, phải làm thêm ngoài giờ, họp hành, đi công tác liên miên, toàn là bất khả kháng nhưng cứ sau giờ hành chính, những việc nhà cứ “vẫy gọi” bà. Chính vì thế, cơ hội được tiếp cận với những thông tin mới, vốn  rất cần đối với  người lãnh đạo - đã  bị thu hẹp đi nhiều.

Một câu chuyện khác mà bà Quang muốn tiết lộ, ấy là lần dẫn đoàn của tỉnh  đi công tác sang Trung Quốc, mùa đông gió lạnh tê tái, cả đoàn đi gồm cả nam và nữ nhưng trong số nữ chỉ mình bà phải xách chiếc vali rất nặng. Những phụ  nữ khác trong đoàn đều được  các đấng mày râu xách hộ, còn riêng bà Chủ tịch tỉnh thì không. 

Lúc đó, bà Quang đã tủi thân tự hỏi rằng: Có phải vì mình làm Chủ tịch tỉnh nên  người ta không dám ga-lăng? Chi tiết nhỏ đó cho thấy rằng người lãnh đạo nữ nhiều khi  rất khó được chia sẻ bởi chức vụ, quyền lực của họ đã vô tình cản trở điều đó.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh  và Xã hội  Nguyễn Thị Hằng cũng chia sẻ “nỗi khổ” với bà Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang. Đối với bà Hằng, khó khăn nhất vẫn là vẫn đề thời gian vật chất và điều kiện dành cho giao lưu tiếp cận bị hạn chế rất nhiều so với nam giới vì thế mà ít nhiều cũng ảnh hưởng tới công việc.

Bà Hằng tâm sự: “Quá bận việc nên tôi chắt chiu từng chút thời gian rỗi để dành cho gia đình. Cũng may được chồng con hết sức thông cảm. Về nhà tôi không còn là bà Bộ trưởng nữa mà vào vai người vợ, người mẹ, người bà. Nhiều lúc mình cũng vào bếp để làm chế biến những món “tủ” cho gia đình. Chỉ có điều tôi quá ít thời gian dành cho việc đó”.

Từ chối lên chức vì không “bỏ” được việc nhà

Tiến sỹ Võ Thị Mai - Viện Khoa học tổ chức - Ban Tổ chức Trung ương Đảng, một trong những người chủ chốt thực hiện đề tài “Nâng cao năng lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị”, sau khi đã tiến hành cuộc khảo sát 6 tỉnh thành ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam và từ  4 tầng ( Trung ương, tỉnh, huyện, xã), 3 cấp (Đảng, Nhà nước, Đoàn thể) đã rút ra kết luận người phụ nữ làm lãnh đạo nếu không giải quyết tốt các vai trò mà xã hội mong đợi  thì phải trả giá nhiều.

Nếu họ không chấp nhận đánh đổi giữa hạnh phúc gia đình và sự nghiệp thì lại phải hy sinh nhiều  cơ hội thăng tiến. Bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương, ba lần được quy hoạch ra Trung ương giữ chức Thứ trưởng, nhưng cả ba lần đều từ chối vì không giải được bài toán gia đình.

Cũng bởi xưa nay vẫn rất hiếm có chuyện chồng “xuất giá” theo vợ, trong khi đó việc luân chuyển cán bộ nữ cũng ít chú ý đến  vấn đề chuyển công tác cho chồng, con của họ.

Tiến sỹ Võ Thị Mai cho biết, trong khi tiến hành khảo sát bà đã gặp trường hợp  chồng của bà Phó Ban tuyên giáo một quận ở Hà Nội tuyên bố thẳng thừng rằng: “Em chỉ làm đến chức đó thôi, nếu luân chuyển đi nơi khác, hoặc lên chức cao hơn, tôi sẽ xin về hưu non”. 

Tuy nhiên phụ nữ làm lãnh đạo đã có những lợi thế so với các đồng nghiệp khác giới. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội  Ngô Thị Thanh Hằng cho biết,  trước đây bà đã từng ngồi tiếp dân từ 7 giờ sáng đến tận 12 giờ trưa, mềm mỏng, kiên nhẫn trước nhiều cái “đầu nóng”,  giảng giải  thuyết phục cho người dân hiểu.

Theo bà Hằng, nhờ những đức tính đó mà bà thành đạt trong sự nghiệp.  Bà Hằng cho rằng nếu nam giới có tính quyết đoán thì người  nữ giới lại mềm dẻo và dân chủ hơn, nếu kết hợp được với nhau thì rất tốt.  

Nữ giới tham chính: Sự “giằng xé” giữa tiêu chuẩn và cơ cấu

Ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng thẳng thắn: Nếu cứ đến sát kỳ đại hội, Trung ương lại đưa ra tỷ lệ nữ phải chiếm  20 - 30% thì  không biết kiếm đâu ra?  Đủ cơ cấu thì lại thiếu tiêu chuẩn.

Nhưng ông Nguyễn  Đức Hạt,  Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Cơ cấu gì thì cơ cấu nhưng phải đúng tiêu chuẩn. Cũng có ý kiến cho rằng không nên  đưa ra những chỉ tiêu cứng mà chỉ nên đặt ra chỉ tiêu để phấn đấu thôi.

Bà Út Bân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tây Ninh cho rằng do những đặc điểm như tuổi về hưu sớm, vướng bận gia đình, nên  khi phát hiện ra những người phụ nữ đủ tố chất, cần phải đề bạt vượt cấp.

Theo kết quả khảo sát mà Tiến sỹ Võ Thị Mai tiến hành, hầu hết  nam giới đều cho rằng họ không có vấn đề gì về nhận thức đối với vai trò, vị trí của phụ nữ  trong hệ thống chính quyền  vậy mà khi được hỏi “có muốn vợ làm quản lý?” thì  gần như tất cả đều nói không!

Trong đợt bầu cử HĐND cách đây chưa lâu, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa ra câu khẩu hiệu  “ủng hộ phụ nữ  tham gia chính quyền là làm cho địa phương vững mạnh”. Nhưng khi triển khai có 2 tỉnh phản đối câu khẩu hiệu này, trong đó 1 tỉnh không treo, 1 tỉnh có treo nhưng không làm theo. Xem ra, phụ nữ tham chính vẫn còn là “hành lộ nan”.

MỚI - NÓNG