Nữ HLV xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: “Tôi không sắt thép gì cả“

HLV bắn súng Nguyễn Thị Nhung và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh
HLV bắn súng Nguyễn Thị Nhung và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh
TPO - "Báo chí cứ gọi tôi là bông hoa thép, nhân cơ hội này tôi xin tâm sự với chị em là tôi không sắt thép gì cả. Tôi cũng không phải cố gắng là sắt là thép để thành công", nữ Huấn luyện viên (HLV) đội tuyển Bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung chia sẻ tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 – 2022, sáng 7/3.

Là phụ nữ công tác trong một lĩnh vực rất đặc thù là huấn luyện thể thao đỉnh cao, chị Nhung cũng như nhiều chị em huấn luyện viên nữ của ngành thể dục thể thao đã gặp những khó khăn không nhỏ về thể chất cũng như năng lực làm việc so với các đồng nghiêp nam. Đặc biệt với phụ nữ thì việc thu xếp dành thời gian cho gia đình, con cái là không thể thiếu...

Đôi khi những đợt tập huấn và thi đấu liên miên khiến chúng tôi rơi vào cảm giác có lỗi với gia đình nhỏ của mình. Nhưng với một tình yêu lớn dành cho thể thao, niềm say mê với công việc, đặc biệt là quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao, tôi và các bạn đồng nghiệp nữ đã được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình nên luôn cố gắng hoàn tốt nhiệm vụ với chất lượng cao nhất”, HLV Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.

Tại Olympic Rio 2016 vừa qua, người học trò của chị, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, được đầu tư đặc biệt đã thi đấu rất thành công, lập được kỳ tích tuyệt vời, trở thành vận động viên đầu tiên của thể thao Việt Nam đoạt huy chương vàng trên một đấu trường danh giá nhất thế giới là Olympic. 

Hoàng Xuân Vinh cũng đã thiết lập kỷ lục nội dung 10 mét súng ngắn hơi, đoạt Huy chương Bạc nội dung 50 mét súng ngắn nam.
Theo chị Nhung, để có được thành quả ấy, hơn 10 năm qua, cả hai thầy trò đã cùng nhau trải qua một quá trình phấn đấu kiên trì và bền bỉ. Có đôi lúc khá nản lòng.

Nữ HLV xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: “Tôi không sắt thép gì cả“ ảnh 1

Nữ HLV Nguyễn Thị Nhung phát biểu tại đại hội sáng 7/3.

“Trong thể dục thể thao thành tích cao với tài năng thiên bẩm của Hoàng Xuân Vinh là chưa đủ, để thành công như hôm nay còn cần rất nhiều yếu tố khác nữa. Đặc biệt là cần sự cố gắng, nỗ lực của cá nhân vận động viên cùng sự hỗ trợ của huấn luyện viên”, chị Nhung cho hay.

Nữ HLV nói thêm, để bước lên đỉnh cao nhất của Olympic Rio 2016 như hôm nay, cả hai đã từng trải qua những chặng đường đầy chông gai, đã có những lúc Vinh bị coi như tội đồ khi thất bại trong phát súng cuối tại Asian Games 2010, Olympic London 2012 và Asian Games năm 2014.

Sau khi tuột mất huy chương ở 3 kỳ Đại hội đó, Vinh nhận nhiều chỉ trích đến mức tinh thần của xạ thủ vốn xuất thân là người lính này bị khủng hoảng. Khoảnh khắc khiến tôi nhớ nhất, và cũng đau lòng nhất là: sau thất bại tại Asian Games 2010, Vinh ngước mắt nhìn tôi hỏi đầy tuyệt vọng: “Theo chị, em có tiếp tục theo bắn súng nữa không? Em có tiếp tục bắn được nữa không?”...

Khi ấy, chị Nhung đã giấu đi cảm giác yếu đuối của người phụ nữ để nhìn Vinh đầy quả quyết và khẳng định: “Chắc chắn rằng em sẽ tiếp tục thi đấu, em sẽ là nhà vô địch. Có nhiều thời điểm tinh thần của Vinh rất chán nản, với tư cách là một huấn luyện viên, tôi luôn dành thời gian ở bên cạnh Vinh, chia sẻ với Vinh nỗi buồn thất bại và động viên, truyền cho Vinh sự tự tin, hy vọng về một ngày Vinh sẽ bước lên ngôi cao nhất”.

Để khắc phục điểm yếu tâm lý, có thời điểm nữ HLV yêu cầu Vinh khi bước vào trường bắn chỉ cúi mặt không nhìn khán giả, không để ý đến mọi áp lực xung quanh.

“Bài tập này sau đó đã giúp Vinh đoạt huy chương vàng tại Cúp Bắn súng thế giới. Và sau này tôi cũng suy nghĩ, nghiên cứu thêm phương pháp như trước khi thi đấu, Vinh sẽ nằm và tưởng tượng ra khung cảnh ở trường bắn ngày hôm sau. Tưởng tượng ra khung cảnh để có sự chuẩn bị về tâm lý, tránh cho Vinh trạng thái bị khớp khi bước ra trường bắn”, chị Nhung chia sẻ.

Cùng với đó, để truyền tinh thần tự tin cho Vinh và các đồng đội, hàng ngày trước mỗi buổi tập, HLV của Hoàng Xuân Vinh yêu cầu từng vận động viên một phải hô to: “Tôi là nhà vô địch Olympic”. Vinh ngày càng tự tin hơn khi hô vang câu đó. Tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ qua kinh nghiệm thực tế, qua băng ghi hình tác phong của các xạ thủ khi họ bước vào trường bắn và sau đó bước lên ngôi vô địch Olympic.

Tôi áp dụng chiến thuật tập trận giả trong mỗi buổi tập, yêu cầu các vận động viên đi đúng tác phong của các nhà vô địch, từ ánh mắt, cách nhìn đến từng cử chỉ nhỏ nhất. Và trong số các học trò của tôi ở đội tuyển Bắn súng, chỉ có Vinh là làm được điều đó. Khi chưa lên ngôi vô địch Olympic 2016 Vinh đã có tác phong bước vào trường bắn của một nhà vô địch đẳng cấp thế giới. Đó chính là niềm hy vọng, là động lực thúc đẩy tôi và các học trò nhắm đến mục đích cuối cùng”, nữ HLV chia sẻ.

"Báo chí cứ gọi tôi là bông hoa thép, nhân cơ hội này tôi xin tâm sự với chị em là tôi không sắt thép gì cả. Tôi cũng không phải cố gắng là sắt là thép để thành công. Là phụ nữ, tôi luôn muốn được xinh đẹp, duyên dáng như những bông hoa. Tôi vinh dự đứng đây hôm nay là khẳng định sự duyên dáng của giới nữ dù ở lĩnh vực nào, ngành nào nếu có sự đam mê, nhiệt huyết sẽ có sự thành công", chị Nhung bày tỏ.

MỚI - NÓNG