Nữ nhi 'trị' biển

Người đàn “bà thép” Lê Thị Huệ
Người đàn “bà thép” Lê Thị Huệ
TP - Nối nghiệp cha và chồng, họ đóng tàu lớn mở biển vươn khơi. Sóng gió, hiểm nguy giữa biển cả mênh mông không làm những phụ nữ chân yếu tay mềm chùn bước. Từng “hạm đội” mang thương hiệu nữ nhi ngày đêm xuất bến nơi cửa biển Đà Nẵng.

Người đàn bà “Thép”

Căn nhà bà Lê Thị Huệ (49 tuổi) tại phường Thanh Khê Đông (Thanh Khê, Đà Nẵng) lúc nào tấp nập người ra vào. Các thương lái, cánh thợ thuyền tìm đến bà để hỏi mua hàng, tìm suất chạy biển. Ít ai biết sau dáng người đôn hậu, nụ cười hiền, bà Huệ nổi tiếng khắp làng biển Đà Nẵng khi một mình chỉ huy đôi tàu công suất lớn ngang dọc khắp các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Bà Huệ bảo: không trực tiếp đi biển, nhưng mỗi khi con tàu nhổ neo, xuất bến, hồn vía tôi cũng đi theo tàu. Mới đây, con tàu ĐNa 90521TS gần 900 mã lực của bà Huệ xuất xưởng, mở biển chuyến đầu tiên. Bà tường tận từng hải trình: Hôm qua, tàu ở vị trí gần khu vực đảo Song Tử Tây, mấy ngày nữa chạy dọc quanh khu vực đảo Trường Sa. Ra Tết, thời tiết khá ổn định, gió se nhẹ, mặt bằng lặng nên đánh bắt thoải mái.

Không nói dài dòng, nữ chủ tàu U50 đáp lại nhanh, gọn, thay vào đó là nụ cười thường trực trên khuôn mặt. Ai biết bà cũng trầm trồ thán phục. Bởi chồng bà, ông Nguyễn Út Thành - chủ tàu kiêm thuyền trưởng đã không về sau trận bão lịch sử Chanchu năm 2006. Ngày đó, vợ chồng bà Huệ nổi tiếng khắp vùng với 4 chiếc tàu công suất lớn, đi thành từng cặp đôi ngang dọc khắp các ngư trường truyền thống.

Ông Thành nức tiếng là thuyền trưởng “cứ ra khơi là cá đầy khoang”. Bà Huệ tất bật làm hậu cần trên bờ, tổ chức thu gom, tiêu thụ hải sản. Đang ăn lên làm ra, bỗng chốc đau thương ập đến. Thuyền trưởng Thành bất ngờ lạc vào tâm bão Chanchu. Chồng mất, tàu chìm, 3 chiếc còn lại hư hỏng, nợ ngân hàng 1,2 tỷ đồng trước mắt.

Thân cò trước tai ương biển cả, ai cũng tưởng bà sẽ gục ngã, bỏ nghề. Đâu ngờ, sau những đau thương, người goá phụ làng biển âm thầm tìm con đường vực dậy cả gia đình. Chạy vạy vay mượn đầu nậu, bà Huệ chỉ nhận được những cái lắc đầu tư chối, sợ bà thua lỗ.

Không nản lòng, bà cầm cố sổ đỏ căn nhà duy nhất, bán nhà, vay mượn người thân. “Lấy ngắn nuôi dài”, cứ thế bà đầu tư từng con tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ để hướng đến xa khơi. “Có thể nói chị Huệ là người đàn bà “thép”, thay cha và chồng bám biển đến cùng” - ông Lê Nguyên Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khê Đông, thán phục.

Vực dậy “Hạm đội tàu biển”

Năm 2011, bà Huệ bán căn nhà lấy hơn 1 tỷ đồng, thêm nguồn vốn vay chính sách, đóng tàu thương hiệu “Út Huệ” ĐNa 90422. Gần 6 tháng trời, con tàu thuộc loại “hàng khủng” Đà Nẵng xuất bến, mở chuyến biển đầu tiên. Chuyện xưa nay, phụ nữ đứng tên tàu nhiều nhưng chỉ huy luôn con tàu công suất lớn như bà hiếm có.

Những hải trình đầu không phải chuyến nào cũng thành công, thậm chí thua lỗ. Bà Huệ luôn dặn cánh bạn tàu bền gan, vững chí. Mỗi chuyến biển về, người ta thấy bà ân cần hỏi han thuyền trưởng, bạn tàu, cùng đúc rút kinh nghiệm, xác định luồng lạch, tọa độ cá để tạo hiệu quả.

“Đàn ông đi biển gan dạ một, với phụ nữ phải gấp 2-3 lần. Chị Hoa, Huệ cùng nhiều chị em trên địa bàn chứng tỏ bản lĩnh mình trước biển cả”.

Trung úy Huỳnh Bá Biên, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Xuân Hà (Đồn Biên phòng Phú Lộc Đà Nẵng)

“Ngày trước có chồng, mình chỉ lo hậu cần. Giờ phải đảm đương hết, có lúc mệt nhoài chẳng ăn uống được gì, nhưng thấy mọi người hồ hởi, quyết tâm, mình ấm lòng”, bà Huệ chia sẻ.

Xác định muốn gắn bó với biển phải có những đôi tàu tương trợ, gánh vác lẫn nhau, năm 2013, bà vay mượn vốn liếng đóng thêm con tàu gần 900CV với giá hơn 2,3 tỷ đồng. Gần cuối tháng 2/2014, con tàu mới ĐNa 90521TS hạ thủy.

Đôi tàu hiện giải quyết công việc thường xuyên cho gần 30 lao động trên địa bàn, với mức thu nhập khá. Bốn người con của bà, hiện có 1 con trai theo nghiệp cha, trên những con tàu của bà Huệ. “Nhiều lúc sợ cháu nó lại gặp thiên tai như bố. Nhưng tôi tin rằng, ông linh thiêng sẽ phù hộ cho mẹ con, tiếp nối nhiệt huyết với biển”.

Ông Lê Phương Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê nhận định: chị Huệ là một trong tấm gương vượt khó ít ai có được. Chồng mất, kinh tế khó khăn nhưng chị quyết tâm vươn lên, đóng tàu vươn khơi làm giàu, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đàn ông, con trai làm được như chị đã khó, huống chi là phụ nữ.

Giấc mơ mở biển

38 tuổi, ít ai biết chị Huỳnh Thị Như Hoa (tổ 20, phường Xuân Hà, Thanh Khê) là chủ đôi tàu ĐNa 90152TS và ĐNa 90508TS, lên đến gần 1.100 CV. Trong căn nhà khang trang, chị Hoa cùng chồng- thuyền trưởng tàu ĐNa 90152 vừa trở về sau chuyến ra khơi đánh bắt gần tháng trời trên biển.

“Chiếc nữa tôi giao cho người quen, khoảng hơn tuần nữa cũng về. Mấy tháng nay, tàu về đạt sản lượng cao cá ngừ, cá thu, cá gù... Là phụ nữ, nhưng chị Hoa am tường từng luồng lạch, tọa độ, cách khai thác của nghề lưới vây giữa khơi xa. “Tàu nào nhanh thì gần 3 tuần lễ, dài thì cả tháng mới về. Sản lượng đạt trên dưới chục tấn. Nhiều chuyến thu về 25-30 tấn cá ngừ, thu, doanh thu vài tỷ đồng”, chị bảo.

Nữ nhi 'trị' biển ảnh 1

Chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa (trái). Ảnh: Nguyễn Huy

Gia đình có truyền thống là ngư phủ, chị Hoa cùng 3 anh em từ nhỏ đã theo bố Huỳnh Văn Thọ gắn với nghề biển. “Ngày đó khai thác dễ, ra khơi là gặp cá mực. Giờ khó khăn hơn nên đòi hỏi mình phải có đam mê biển cả”, chị Hoa nói.

Sau siêu bão Chanchu 2006, hai vợ chồng quyết định đổi tàu, mua lại chiếc ĐNa 90152 gần 500CV. Bởi tàu càng lớn càng đánh bắt hiệu quả hơn. Anh Vốn trực tiếp làm thuyền trưởng lèo lái con tàu vươn khơi. Hết nghề câu mực, hai vợ chồng chuyển nghề lưới rê tận Bạc Liêu, rồi nghề lưới vây, ngang dọc khắp các vùng biển xa khơi. Hỏi chị lo gì nhất khi đầu tư vào biển, chị bộc bạch: Có chồng đi biển, “hồn treo cột buồm”.

Không ít lần chị đứng tim khi bặt tin chồng sau những trận bão, áp thấp. Nhớ cơn bão số 2 (tháng 6/2011), anh Vốn điều khiển tàu ĐNa 90152 tránh bão về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc). Ai ngờ “nhà đài” dự bão chệch, bão đi thẳng về tọa độ nơi con tàu đang trú tránh. “1 ngày 1 đêm, cả tàu lạc vào tâm bão, sóng đánh bạt 2-3 mét, tràn vào thân tàu, gây hư hại máy. May mà còn máy nhỏ để hút nước, chúng tôi thả dòm dù rồi phó thác số phận”, anh Vốn kể. Trên bờ, người vợ như ngồi trên đống lửa. Sợ chồng khó qua khỏi, nhưng nhờ trời...

Hơn 20 năm gắn nghiệp biển, anh Vốn có cả chục lần đối mặt với cái chết trên biển. “Nhiều lúc cũng lo sợ, muốn cùng chồng bỏ biển. Nhưng rồi chẳng ai bảo ai, lại gắn mình với biển”, chị Hoa nói. Tháng 9/2013, chị mạnh dạn vay vốn, đầu tư 3,7 tỷ đồng đóng “siêu tàu” dài 22m, rộng 6,7m, cao 3,7 m, mang số hiệu ĐNa 90508 tiếp tục vươn khơi. Chị bảo: So kích thước tàu thuộc diện đỉnh nhất lúc bấy giờ. Tôi đang ấp ủ có thêm những đôi tàu nữa để hỗ trợ vươn khơi.

Nhờ nghiệp biển, chị Hoa bén duyên cùng chàng ngư dân Trần Văn Vốn, cùng phường. Cùng chồng lăn lội ngược xuôi xin đi tàu bạn, mãi đến năm 1994, cả hai mới dành dụm chút đỉnh, mua lại con tàu của người khác. Đi được vài chuyến, anh Vốn “dính” trận áp thấp lớn đánh hỏng tàu. Không nản chí, chị động viên chồng bám biển, bản thân mình “chạy hậu cần” trên bờ. Năm 2000, hai vợ chồng đóng được con tàu 90CV đầu tiên số hiệu ĐNa 1835TS, hành nghề câu mực.
MỚI - NÓNG