Nữ phóng viên thường trú

TP - Quảng Nam địa hình rộng lớn với nhiều đồi núi hiểm trở phức tạp, thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ, sự cố thủy điện, lũ lụt, phá rừng... Thế nên thường trú ở những nơi như thế này ít khi là lựa chọn của phóng viên nữ.

Thường trú các báo đài đứng chân tại Quảng Nam, cho đến nay duy nhất phóng viên của Tiền Phong là nữ.

Tuy nhiên, nhận thức được trách nhiệm của mình với công việc, với tâm huyết về tờ báo mình lựa chọn và đang đại diện của Tiền Phong tại địa phương, tôi không cho phép mình để thua báo bạn. Và bởi thế tôi cũng nhặt nhạnh không ít những kỷ niệm với nghề.

Nữ phóng viên thường trú ảnh 1 Là PV nữ duy nhất trong một chuyến tác nghiệp điều tra phá rừng
Tác nghiệp ở vùng tâm bão

Hằng năm cứ vào thời điểm này mưa lũ lại “quần” miền Trung. Mùa mưa lũ đến, cánh phóng viên miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng lại bắt đầu những hành trình dầm mưa, hứng bão để tác nghiệp. Khi mọi người xung quanh lo chằng chống nhà cửa, dọn đồ, dự trữ lương thực để đối phó nước lũ tràn vào nhà thì chúng tôi lại xách balo lên đường. 

Năm ngoái, cũng vào thời điểm này khi cơn bão số 12 (đầu tháng 11/2017) vừa hoành hành, chúng tôi bắt đầu những hành trình đằng đẵng dài ngày đeo bám ở những địa phương bị thiệt hại. Đó là những biển nước Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, xã đảo Tam Hải (Núi Thành)...
Ở một tỉnh có số lượng thủy điện lớn nhất nước, mưa bão kết hợp với thủy điện xả lũ khiến cho những thiệt hại càng trở nên khủng khiếp. Chúng tôi nhận tin tại huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My hàng chục người chết do nạn sạt lở núi, nhà cửa, tài sản theo dòng nước lũ cuốn trôi. Mặc cho những trận mưa phả rát mặt, gió quật nghiêng xe chúng tôi thẳng hướng về phía núi. 
Đứng trước hiện trường vụ lở núi tối ngày 5/11/2017 ở tổ Đàng Bộ (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) vùi chết 5 mạng người, 4 người nhập viện, 3 ngôi nhà sập hoàn toàn. Mưa vẫn trắng trời, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm những thi thể vùi chôn dưới đống đất đá. Tiếng khóc lóc, kêu gọi nhau trong mưa. Thế rồi bỗng nghe có tiếng ai đó hô lớn “vỡ đập thủy điện rồi, chạy mau đi!”. Thế là cả đám đông, cán bộ, phóng viên lẫn người dân hoảng loạn tháo chạy khỏi hiện trường, tỏa tìm đường lên các điểm cao. Con nít, người già khóc lóc kéo nhau chạy. Vừa thục mạng leo lên sườn núi gần đó, tôi vừa điện khắp nơi để xác minh thông tin. Mãi sau chúng tôi mới liên lạc được với lãnh đạo huyện, và giám đốc Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, nghe khẳng định đó chỉ là “tin đồn”.

Mưa vẫn như trút, thiệt hại vẫn không ngừng tăng lên. Tôi được chỉ đạo tiếp tục ở lại bám hiện trường thêm mấy ngày nữa. Khi những bài viết đầu tiên truyền về đăng tải trên cả báo online và báo giấy Tiền Phong, nhiều bạn đọc bày tỏ ý định chia sẻ giúp đỡ các gia đình nạn nhân. Ngay trong ngày, tôi nhận cuộc điện thoại trực tiếp từ Tổng biên tập Lê Xuân Sơn, truyền đạt tòa soạn hỗ trợ “nóng” cho gia đình các nạn nhân bị nạn tổng số tiền 27 triệu đồng. Số tiền đó cần được trao ngay cho gia đình các nạn nhân. Nhận số tiền hỗ trợ của báo Tiền Phong khi mọi thứ còn đang bộn bề đau thương mất mát, đồng bào bị nạn đã nói lời cảm ơn cùng những cái siết tay thật chặt... 

Kết thúc chuyến đi ròng rã 4 ngày 3 đêm trở về khi người đã mệt rã, nhưng những cuộc điện thoại, tin nhắn của bạn đọc, nhà hảo tâm nhờ kết nối để giúp đỡ những nạn nhân cũng là nhân vật trong bài viết của mình để cảm thấy cuộc sống thật nhiều ý nghĩa.

Nữ phóng viên thường trú ảnh 2 Nữ PV Tiền Phong leo núi đến  hiện trường vụ phá rừng Pơ mu ở biên giới Nam Giang - 
ảnh cắt từ clip đồng nghiệp

Những chuyến xe xuyên đêm

Những thông tin thời sự không ai lường trước được bất kể cuối tuần, ngày lễ, bất kể giờ nào, dù đêm tối chúng tôi lại hành quân lên đường. Cứ hay đùa nhau là cái nghề hay “đi đêm”, đi đêm theo đúng nghĩa đen của nó. 

Nhớ lại một ngày giữa tháng 9/2016, nhận tin báo của người dân về việc thủy điện sông Bung 2 (xã La Ê, huyện miền núi Nam Giang) vỡ đường dẫn cuốn đi nhiều mạng người. 21h đêm nhận tin, xác thực thông tin, mấy phóng viên chúng tôi tức tốc lên đường. Trên đường đi liên tục cập nhật thông tin đến tòa soạn. Vụ việc được Tiền Phong cập nhật trực tiếp trên online từ những hình ảnh, video nóng nhất tại hiện trường. Những ngày sau đó tiếp tục đeo bám diễn tiến vụ việc, và những bài viết sâu hơn trên báo giấy. Đến ngày thứ ba, khi truyền những bản tin cuối cùng từ hiện trường về vụ việc, tôi cùng 2 phóng viên báo khác chạy xe máy về. Trên đường về mới nhớ ra đêm rằm Trung thu, anh đồng nghiệp chậc lưỡi, lại thất hứa với con gái về đưa con đi rước đèn!

Nữ phóng viên thường trú ảnh 3 PV thường trú Tiền Phong trên đường tác nghiệp

Khó khăn, vất vả không ít, nhưng chắc hẳn ít có nghề nào được trải nghiệm nhiều kỷ niệm, cung bậc cảm xúc đến thế. Và chúng tôi vẫn tiếp tục miệt mài với nghề, học hỏi và nhặt nhạnh những kỷ niệm buồn vui... 

MỚI - NÓNG