Nữ sư thầy chùa Ngàn và hai đứa con

Nữ sư thầy chùa Ngàn và hai đứa con
TP - Mười năm trước, người dân phường Trần Lãm, TP Thái Bình xì xào chuyện nữ sư thầy chùa Ngàn mà lại có hai đứa con. Còn bây giờ, khi mọi việc đã vỡ lẽ, người dân nơi đây thầm kính phục sư thầy Thích Đàm Thoa là người có tâm, lòng thương người sâu sắc…

Buổi sáng cuối hè năm 1994, thầy Thoa mở cổng chùa quét dọn như thường nhật. Thầy giật mình khi thấy một bé gái mới sinh nằm nép cạnh chân tường. Đứa bé chẳng còn khóc được nữa, chỉ thoi thóp thở vì bị người mẹ bỏ rơi từ giữa đêm. Da nó tím tái, thậm chí còn chưa cắt rốn.

Lòng từ bi với chúng sinh có phân biệt riêng ai, thầy Thoa tay run run bế em bé vào chùa nuôi dưỡng. Trong suốt một tuần liền, đứa bé ăn nước cháo nhưng lại sốt cao, khóc rỉ rả cả ngày. Giữa đêm khuya, thầy một mình bế nó vượt quãng đường hơn ba cây số đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình chạy chữa. Các bác sĩ phòng cấp cứu nhận định: Chỉ chậm vài bước chân nữa là đứa bé không thể cứu được vì bị dịch tràn màng phổi, và mất nước do đi ngoài.

Bấm ngón tay, thầy Thoa tính đúng 2 tháng 10 ngày, các bác sỹ đã giành lại mạng sống cho đứa nhỏ. Thầy lắc đầu buồn bã: “Cái số nó trời định không chết được. Nhưng phải trải qua nhiều bất hạnh truân chuyên”. Thầy Thoa đặt tên đứa bé là Duyên. Chữ “duyên” ở đây chính là nhân duyên, mối tương giao định sẵn cho nó nương nhờ nơi cửa Phật, nương nhờ bàn tay thầy Thoa.

Nay đứa nhỏ bị bỏ rơi ngày nào đã lên 12  tuổi. Tôi để ý, trên trán Duyên có vết thâm tím bằng đồng xu đậm màu da chưa liền sẹo. Thầy Thoa giải thích, từ bé nó sống trong bệnh tật, luôn phải tiêm kháng sinh liều cao. Cũng có thể bởi tiêm trực tiếp vào đầu nên bị ảnh hưởng, phát triển không bình thường.

Duyên nói ngọng nghịu, nên chưa thể đi học. Thỉnh thoảng lại bị thần kinh, lúc ấy Duyên lại đập đầu xuống đất liên tục chẳng còn biết gì như để tự hành hạ bản thân mình. Thầy Thoa ngậm ngùi: “Cái nghiệp chướng chẳng biết kéo dài đến bao giờ”.

Bức thư và đoạn kết cuộc tình

Một ngày tháng 10/2000, thầy Thoa mở cửa, lại một đứa trẻ gái bị bỏ rơi đang khóc trước cổng chùa Ngàn, bên cạnh nó là vài bộ quần áo, hai trăm ngàn đồng, mấy hộp sữa và một bức thư bí mật kể lại chuyện lỡ lầm của đời người con gái.

Cuối bức thư còn tươi nét chữ: “Thưa thầy, con rất đau lòng khi làm mẹ mà phải viết lên những dòng này. Nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác thầy ơi. Con xin thầy để cho cháu vào chùa ăn mày cửa Phật. Mong thầy rộng lòng từ bi đón nhận cháu về nuôi dưỡng, chăm sóc cho con. Chẳng biết bao giờ con lại về đây để tạ lỗi với con con và với thầy. Chỉ xin thầy từ bi tha thứ cho con...”

Bế đứa trẻ vào chùa, thầy Thoa đặt tên bé là Hiếu để mong sau này nó sống hiếu nghĩa. Thấm thoắt, thế là cái Hiếu đã sống với sư Thoa được sáu năm rồi. Nó vừa đi học lớp 1 được mấy buổi. Nó đâu biết mình là đoạn kết buồn của cuộc tình ngang trái giữa  mẹ nó và một người đàn ông đã có vợ. Nó chỉ biết, sư Thoa như là mẹ mình, chùa Ngàn là nhà mình. Nó cũng có nhà, có mẹ như các bạn trong lớp.

Bé Hiếu học sáng dạ, thầy Thoa dạy thêm nó cả sách kinh Phật, đạo lý làm người. Hiếu chẳng thích đi chơi, nó chỉ quẩn quanh cùng thầy, mặc áo nâu như thầy đến lớp. Tôi hỏi: Ước mơ của Hiếu sau này làm gì? Nó bẽn lẽn: Ước mơ lớn nhất của con là học giỏi…Nhìn hai đứa trẻ ngây thơ tôi không khỏi chạnh lòng!

Tâm sự của sư thầy

Sư thầy Thích Đàm Thoa đã sống với lịch sử chùa Ngàn bằng cả cuộc đời mình. Thầy sinh ra ở Bình Định, huyện Kiến Xương (Thái Bình) trong một gia đình có mười anh chị em. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, nhà thầy càng khốn khó.

Thương mẹ, thương em mà thầy chẳng biết làm gì. Năm 1966, khi sư cụ trụ trì chùa Ngàn tản cư bom đạn của đế quốc Mỹ về vùng quê này, thầy Thoa đã xin theo sư cụ gửi mình theo Phật để cho mẹ đỡ đi một gánh nặng. Thấm thoắt, thầy đã chứng kiến buồn vui đổi thay cùng ngôi chùa này hơn nửa thế kỉ.

Đối với thầy, chuyện buồn vui đáng nhớ nhất là ngôi chùa đón mở rộng cửa cho hai đứa trẻ nương nhờ. Cũng là bao gian truân vất vả thầy phải vượt qua: “Hồi cái Duyên mới đến, chùa còn nghèo, chỉ có mấy gian nhà gỗ đã mục. Bao nhiêu tiền thuốc thang chạy chữa đành xin bệnh viện cho cả”. Rồi việc nuôi nấng hai đứa trẻ sơ sinh, thầy tự tay nấu cháo loãng, vắt lấy chút hồ cho chúng uống thay sữa, đêm đêm lại thức lo cho chúng trong từng giấc ngủ.

Việc tụng kinh, làm lễ thầy đâu dám trễ nải. Ấy vậy mà miệng thế gian vẫn bao lời đồn thổi, nào là “sư thầy cũng có con”, nên có người khuyên thầy đưa Duyên, Hiếu vào trại trẻ mồ côi. Thầy Thoa tâm sự: “Người ta đã gửi nhà chùa, thì chùa phải mở hết cái tâm mà giúp”.

Rồi sau bao năm, dần dần mọi người cũng hiểu ra, Hiếu, Duyên là con cửa Phật. Sư thầy Thoa có một gia đình nho nhỏ làm trọn tâm nguyện tốt đời đẹp đạo. Vị nữ tu trầm ngâm: “Thôi thì cưu mang, bố thí âu cũng là an ủi lớn nhất của đời người”!

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).