Nửa đời còn lại cho trẻ mồ côi tàn tật

Nửa đời còn lại cho trẻ mồ côi tàn tật
TP - Cả thời trai trẻ ông đi đánh giặc Mỹ xâm lược và xây dựng quê hương, nửa đời còn lại ông dành cho những đứa trẻ mồ côi, tàn tật. Đó là anh hùng Hồ Vai (sinh 1940) người dân tộc Pa Kô.

Mồ côi bố từ khi trong bụng mẹ, sinh ra trong thời loạn lạc, nên người dân gọi anh (anh hùng Hồ Vai) là cu Thời. Lên năm tuổi mồ côi mẹ và lớn lên trong sự đùm bọc của bà con xóm làng.

Năm nay đã ở tuổi thất thập, nhưng ông Hồ Vai vẫn khỏe. Nhớ lại những năm tháng kháng chiến ông như trẻ lại.

“Trước những năm 60 mảnh đất này là rừng già bạt ngàn, đêm đến còn nghe thấy tiếng hổ gầm, voi rống. Nhưng thằng Mỹ ác quá, mang bom đạn đến cày xới mảnh đất ni. Tôi quyết định theo bộ đội Bác Hồ đánh đuổi giặc” – ông Hồ Vai nhớ lại.

Hơn 10 tuổi, Hồ Vai làm liên lạc cho bộ đội giải phóng. Hồ Vai như con chim, con sóc giữa đại ngàn, len lỏi qua từng ngọn núi, con khe dẫn đường cho chiến sĩ.

Cứ nhìn thấy một em bé mồ côi không được đến trường, một em bé bị tàn tật chưa có xe lăn là tôi thấy mình là người có lỗi”- Ông Hồ Vai chia sẻ.

Năm 15 tuổi, Hồ Vai vào du kích tập trung của xã được bầu làm tiểu đội trưởng. Năm 1964, anh du kích Hồ Vai (24 tuổi) vinh dự được đi dự đại hội chiến sĩ anh hùng thi đua toàn Miền Nam, tổ chức tại Tây Ninh.

Trong 32 cán bộ chiến sĩ được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang có hai du kích người dân tộc (Hồ Vai, dân tộc Pa Kô, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Pi Năng Tak, dân tộc Răglai, tỉnh Ninh Thuận).

Sau năm 1965, anh hùng Hồ Vai được ra Hà Nội tham quan, học văn hóa, học sĩ quan lục quân... Anh là người bốn lần được gặp Bác Hồ, cùng ăn cơm nói chuyện với Bác.

40 năm trôi qua, giờ nghĩ lại, anh hùng Hồ Vai vẫn bùi ngùi: “Điều mà Bác hỏi tôi nhiều nhất là về vấn đề người dân tộc ít người. Thấy tui nói rành mạch, Bác khen”.

Năm 1968 khi chuẩn bị cho Tết Mậu Thân, Hồ Vai vào Nam chiến đấu rồi bị thương.

Năm 2001 ông Hồ Vai được nghỉ hưu, lúc ấy đang là chủ tịch mặt trận huyện A Lưới.

Khi cái đầu được nghỉ thì tay chân không chịu yên: “Mình có sáu ha rừng tràm to lắm rồi, cây ăn quả nhiều lắm. Hiện tui còn ba ao cá, hàng năm thu hoạch hàng chục triệu đồng”.

Hiện, ông là chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật trẻ em mồ côi huyện A Lưới.

Hàng ngày ông đi khắp huyện hỏi han, động viên các gia đình có trẻ em tàn tật, mồ côi. Rồi ông lặng lẽ đi khắp các cơ quan ban ngành vận động ủng hộ các cháu. “Người cho tấm áo, người cho tiền, người cho xe lăn... ai cho gì tôi nhận hết”- Ông tâm sự.

Trách nhiệm với 1.600 con người tàn tật của huyện A Lưới khiến đôi chân ông không ngừng nghỉ. Ông lại đi đến tỉnh khác quyên góp. “Mần được gì giúp ích cho các cháu là tui mần hết” - Ông nói.

Số tiền quyên góp được, gom lại thành một nguồn vốn rồi cho các gia đình nhận nuôi các cháu mồ côi vay để phát triển kinh tế và không tính lãi.

Khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát cộng với tuổi già, ông buồn lắm vì không thể đi xa được. Ông nghĩ ra cách chụp ảnh các em rồi gửi tới các Cty cùng lời kêu gọi giúp đỡ.

MỚI - NÓNG