Nửa giờ cứu nhau thoát khỏi ngạt khí hầm biogas của 9 người

Miệng hầm biogas (khoanh tròn đỏ), nơi xảy ra ngạt khí tập thể khiến 3 người chết. Ảnh: Phúc Hưng
Miệng hầm biogas (khoanh tròn đỏ), nơi xảy ra ngạt khí tập thể khiến 3 người chết. Ảnh: Phúc Hưng
"Mùi khí hôi thúi nồng nặc, gây chóng mặt, nhức đầu. Tôi cố gượng kéo những người bị nạn khỏi hầm biogas, rồi cũng bị nôn ói, ngất xỉu", nạn nhân vụ ngạt khí ở Cà Mau kể.

Trưa 23/4, vài giờ sau vụ ngạt khí biogas khiến 3 người chết, 6 nạn nhân đang nằm cấp cứu, người dân ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau vẫn chưa hết bàng hoàng. Tại hầm biogas xảy ra sự cố, mọi người vẫn chưa dám tới gần vì mùi khí hôi vẫn còn nồng nặc, khó chịu

Tại Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa huyện Cái Nước, sau khi may mắn được cứu sống, bà Võ Thị Đức cho biết, 6h sáng nay, ông Nguyễn Văn Tặng (51 tuổi) phát hiện đường ống dẫn khí từ hầm biogas sát vách nhà bị rò rỉ. Lội xuống kiểm tra, ông bị ngạt khí, ngất dưới hầm sâu cả mét. Phát hiện, người vợ chạy ra kéo chồng lên cũng bị ngất xỉu.

Nghe tiếng kêu cứu, chị Trần Mỹ Hạnh (35 tuổi) cùng chồng và cha chồng ở nhà kế bên chạy đến ứng cứu nhưng lần lượt ngạt khí độc. "Lúc chạy tới, tôi thấy mọi người nằm la liệt, trong đó có 3 người dưới hầm. Ông Tặng úp mặt vào vợ. Quá hoảng sợ, tôi chỉ biết chạy kêu chồng và bà con ứng cứu", bà Đức nhớ lại.

Đang thăm lú (dụng cụ bắt tôm cá) dưới sông cách đó vài chục mét, ông Huỳnh Văn Giang (40 tuổi, chồng bà Đức) cùng 4 người khác chạy đến. "Luồng khí hôi thúi nồng nặc, gây cảm giác chóng mặt, nhức đầu. Tôi cố gượng nhảy xuống hầm kéo vợ chồng ông Tặng và chị Hạnh lên. Tôi và mọi người còn lại cũng bị nôn ói, ngất xỉu", ông Giang nhớ lại và cho biết sự việc diễn ra gần 30 phút.

Do nằm dưới hầm, chị Hạnh và vợ chồng ông Tặng đã tử vong. Trong số 6 người ngộ độc khí còn lại, bác sĩ Bùi Đức Văn - Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Cái Nước cho biết, cha chồng chị Hạnh vẫn đang hôn mê, tiên lượng xấu. "5 người khác sau khi được cấp cứu đã tỉnh, sức khỏe phục hồi", bác sĩ Văn cho biết.

Hàng xóm cho biết, vợ chồng ông Tặng có 5 người con, 4 con gái đã có chồng ở riêng, gia cảnh cũng nghèo khó. Trước Tết Nguyên đán, họ thuê 6 công đất nuôi tôm. Căn nhà mới xây cất cách đây vài tháng là nơi trú ngụ của hai vợ chồng cùng người con trai út và cháu ngoại 3 tuổi. Người con trai 22 tuổi sáng nay đi làm thuê nên thoát nạn.

Do gia đình nuôi nhiều heo sau nhà, ông Tặng đào hầm biogas dài hơn 3 m, ngang khoảng 2 m, cách vách nhà 1,5 m. Sau khi phân bị phân hủy, ông làm đường ống nhựa dẫn trực tiếp dẫn khí gas vào nhà làm chất đốt. Tại hầm, do ông không thiết kế van xả khi khí gas đầy nên sáng nay xảy ra rò rỉ.

Còn vợ chồng chị Hạnh có 2 người con gái, đứa lớn 13 tuổi, nhỏ 3 tuổi. Sau khi chị mất, chồng và cha chồng vẫn đang cấp cứu nên hai đứa trẻ không có người chăm sóc. "Nhà con Hạnh với nhà ông Tặng chỉ cách cái hầm biogas nên khi xảy ra sự cố gia đình nó là những người phát hiện đầu tiên", bà Du Thị Bé, nhà đối diện, nghẹn ngào.

Nửa giờ cứu nhau thoát khỏi ngạt khí hầm biogas của 9 người ảnh 1

Trong khi vợ tử vong, anh Tuấn Anh và cha vẫn đang cấp cứu. Ảnh: Phúc Hưng

Sau sự cố, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đến hiện trường thăm hỏi gia đình các nạn nhân và yêu cầu các ngành chức năng phải nhanh chóng xử lý luồng khí độc đang tồn đọng trong môi trường ở khu vực xảy ra tai nạn. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tích cực hỗ trợ các gia đình nạn nhân lo hậu sự.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau - cho biết, nguyên nhân ban đầu vụ ngạt tập thể là do các nạn nhân hít phải khí độc từ hầm biogas khiến thiếu ôxy não, dẫn đến ngất xỉu và tử vong.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.