Nước đến chân, dân chưa chịu nhảy !

Nước đến chân, dân chưa chịu nhảy !
TP - Từ kinh phí phòng chống thiên tai của trung ương, một số địa phương ở Bình Định đã xây dựng các khu tái định cư (TĐC) nhằm di dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, cho đến nay mưa lũ cận kề, nhưng nhiều hộ dân vẫn còn bám trụ nơi ở cũ đầy bất trắc.

Ba dự án TĐC, gồm: khu Mỹ An (Phù Mỹ), có diện tích 6 ha, đảm bảo TĐC cho 204 hộ; xã Hoài Hải (Hoài Nhơn) 4,45ha, 202 hộ; xã An Trung (An Lão) 7,7 ha, 104 hộ, kinh phí xây dựng khoảng 8,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ, thi công từ năm 2006, đến nay đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng, được kiểm duyệt và bàn giao cho chính quyền địa phương để cấp đất cho dân xây nhà, nhưng dân vẫn không chịu đến.

Tại khu TĐC xã Mỹ An, hiện mới chỉ có 80 hộ/202 hộ thuộc diện di dời đến xây dựng nhà ở; khu TĐC xã Hoài Hải, 60/96 hộ đến xây nhà; khu An Trung, 60/106 hộ. Tình trạng này kéo dài, khi nơi ở cũ của bà con là các vùng đặc biệt nguy hiểm, mùa mưa bão có thể bị “hốt” đi bất cứ lúc nào.

Ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục di dân Bình Định - chủ đầu tư của 3 khu TĐC này, tính toán: “Mới có 217/428 hộ dân thuộc diện phải di dời đến nơi ở mới.

Đa số những hộ nằm trong vùng đe dọa trực tiếp, nguy cơ khẩn cấp thì đã di dời, nhưng số còn lại cũng nguy hiểm không kém”. Ông Đặng Văn Sang, cán bộ địa chính xã Mỹ An (Phù Mỹ), cho biết: “Hiện khu TĐC của xã đã hoàn chỉnh “điện, đường, trường, trạm”.

Trong số 202 hộ trong diện di dời có 152 hộ đã nhận đất (cấp miễn phí), nhưng chỉ có 80 hộ đã và đang tiến hành xây nhà, số còn lại dẫu biết nước đã đến chân mà vẫn không chịu nhảy!”.

Còn một số người dân thì lý giải: Để xây dựng một ngôi nhà phải mất ít nhất vài chục triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ di dời của nhà nước chỉ được 2 triệu đồng.

Ngoài ra, điều kiện mưu sinh gắn liền với biển nên mặc dù đã nhận đất, nhưng vẫn cố bám trụ nơi ở cũ để làm ăn, buông ra là đói! Đa số hộ dân đều trong diện nghèo khó, thu nhập thấp, nên dù cho nguy hiểm treo lơ lửng, vẫn quyết bám trụ.

Nước đến chân, dân chưa chịu nhảy ! ảnh 1

Chuyển hàng cứu trợ cho dân Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) mùa lụt 2007. Ảnh: Nam Cường

Sống trên đất lở

Huyện Hoài Nhơn, tình trạng xâm thực biển và sạt lở đất vào mùa mưa lũ ngày càng nghiêm trọng tại các xã ven biển Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Mỹ,  nhất là vùng dọc bờ biển thuộc các thôn Kim Giao Bắc, Kim Giao Nam (Hoài Hải), bởi đặc điểm vùng này nằm bên cửa sông cử biển nước chảy xiết.

Ông Lê Văn Ba, người dân ở xóm Gò Loi, thôn Kim Giao Bắc, cho biết: “Tôi sống ở đây đã 30 năm nay, chưa bao giờ thấy nạn sạt lở bờ sông và sóng biển xâm thực với mức độ kinh khủng như vài năm gần đây.

Sau mỗi mùa mưa bão, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, “ăn” vào đất liền hàng chục mét. Bên ngoài thì sóng biển đánh vào như muốn nuốt chửng cả làng”. Nhà Võ Thị Minh ở thôn Lộ Diêu (Hoài Mỹ, Hoài Nhơn) cũng đang trong cảnh phập phồng.

Ba năm lại đây, đèo Lộ Diêu được sửa lại, dòng chảy bị chuyển hướng, căn nhà bà nằm gọn trong rốn lũ. Bà Minh cho hay: “Đã 3 năm rồi, đến mùa mưa, nước đổ ụp vào nhà,  hai mẹ con phải dắt nhau đi ở nhờ để đảm bảo tính mạng”.

Cảnh sống của hơn 200 hộ dân xã Mỹ An (Phù Mỹ) cũng không khác gì hơn. “Trước đây, trước mặt nhà tôi có đến 6-7 lớp nhà, ra gần 100m mới đến biển, vậy mà qua từng năm, biển đã “ăn dần” vào đến ngay trước hè từ lúc nào - ông Võ Văn Niệm, một người dân, cho hay.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.