Điều khiển xe kéo rơ moóc phải có bằng FC:

Nước đến chân vẫn không kịp nhảy

Nước đến chân vẫn không kịp nhảy
TP - Thời hạn quy định lái xe phải có giấy phép lái xe (GPLX) hạng FC để điều khiển các loại xe kéo rơ moóc sắp tới, nhưng, đến nay, toàn TP Đà Nẵng chưa có đơn vị nào đào tạo bằng lái FC, khiến các học viên, doanh nghiệp vận tải như ngồi trên chảo lửa.

>> Lái ô tô, cấm tiệt rượu bia

Không có thầy FC

Nước đến chân vẫn không kịp nhảy ảnh 1
Xe rơ moóc chủ lực trong việc vận chuyển hàng tại cảng Đà Nẵng.    Ảnh: Nguyễn Huy

Ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: “Trên địa bàn có sáu cơ sở đào tạo GPLX, nhưng đến nay mới chỉ có hai cơ sở đang hoàn chỉnh thủ tục để xin đào tạo, cấp bằng lái xe hạng FC là trường Trung cấp Nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) và Trường Trung cấp Nghề Giao thông Công chính. Như vậy, các học viên muốn được đào tạo bằng FC phải chờ quyết định cho phép đào tạo và chờ thầy”.

Trước đây, luật chỉ quy định lái xe có kéo rơmoóc mới cần bằng FC. Lái xe kéo container (thực chất cũng là xe kéo rơmoóc) chỉ cần bằng C, khiến nhu cầu đào tạo loại bằng này trên địa bàn hầu như không có, nên các trung tâm bỏ trống đào tạo bằng FC. Mặt khác, việc đầu tư cơ sở phục vụ đào tạo chiếm kinh phí không nhỏ.

Thực trạng này khiến các doanh nghiệp vận tải không khỏi sốt ruột. “Chúng tôi vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc để có GPLX  hạng FC phải học lại hay sẽ được cấp chuyển đổi. Một số doanh nghiệp vận tải phản ánh họ được tiếp thị muốn chuyển đổi lên FC tối thiểu phải mất chừng chín tháng với mức kinh phí 1,8 triệu đồng, nhưng đến giờ vẫn chưa có cơ sở đào tạo bằng lái xe FC nào trên địa bàn.

Cho anh em lái xe đi học ở những nơi khác thì điều kiện ăn ở, gia đình, công việc không cho phép, khiến các doanh nghiệp vận tải như ngồi trên chảo lửa, nước đến chân vẫn không kịp nhảy” - ông Trần Viết Hoè, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hoá Đường bộ Đà Nẵng cho biết.

Sẽ thiệt hại hàng tỷ đồng

Hiện toàn TP Đà Nẵng có 30 doanh nghiệp vận tải sở hữu khoảng 500 xe rơmoóc. Chỉ tính riêng Cty vận tải Minh Hương đã có 38 xe rơmoóc. Tính trung bình mỗi xe chạy tuyến Đà Nẵng – TP HCM với tần suất 3 chuyến/tháng thu được 7,5 triệu đồng. Rõ ràng khoảng thời gian chờ đào tạo, cấp bằng và phải dừng hoạt động kể từ ngày 1/7/2009 cho đến khi có bằng FC theo quy định là một thiệt hại không nhỏ.

Ông Phạm Ba, Giám đốc Cty Vận tải Minh Hương dẫn ra phép tính “Nếu 38 xe phải ngừng một tháng để lái xe đi học GPLX hạng FC thì Cty mấy khoảng 3 tỉ đồng. Tính chung toàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 500 xe rơmoóc phải ngừng hoạt động, mỗi tháng ước thiệt hại kinh tế lên tới khoảng 20 tỉ đồng”.

Con số này sẽ lớn hơn nhiều ở phạm vi cả nước - ông Phạm Ba nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG