8 ngư dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) mất tích:

Nước mắt người nghèo làng biển lại rơi...

Nước mắt người nghèo làng biển lại rơi...
TP - Đã hơn 2 tuần trôi qua, mọi nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân xấu số đều vô vọng. Chuyến tàu ra khơi sáng 25/2/2008 đã cướp đi sinh mệnh 8 ngư dân. Thêm một lần nữa, những giọt nước mắt lại rơi...

Sáng 25/2, ngư dân xóm 3 (xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chọn ngày lành tháng tốt giong neo như lời cầu phúc cho một năm mưa thuận gió hòa, ra khơi thắng lợi.

Tàu đánh cá mang số hiệu TS 91370 NA của anh Tô Duy Cảnh mang theo 8 ngư dân. Từ 2 giờ sáng 27/2, khi tàu đang ở tọa độ 19 độ vĩ Bắc - 106,54 độ kinh Đông thì đột ngột mất liên lạc.

Các bạn chài xuất phát cùng ngày cho biết, hôm đó gần ngày 23 Âm lịch thường có gió mùa Đông Bắc, chiếc tàu của anh Cảnh đang nằm trong khoảng thời gian và tọa độ có một trận lốc rất lớn, rất có thể lốc biển đã nhấn chìm chiếc tàu và 8 thuyền viên xấu số.

“Lúc đó thuyền chúng tôi cách thuyền anh Cảnh khoảng 3km. Cả ngày hôm đó các thuyền neo tại chỗ không chạy.

Gặp nguy hiểm, thuyền anh Cảnh đã cố gắng phát tín hiệu kêu cứu, nhưng vì gió lốc quá lớn, trời lại tối mù mịt nên chúng tôi chẳng thể làm gì được” - Anh Hồ Hữu Sỹ, một ngư dân đi trên thuyền khác cho hay.

Đã hơn 2 tuần trôi qua, trong khi các thuyền khác, chiếc đã cập bến an toàn thì thuyền của anh Tô Duy Cảnh vẫn biệt vô âm tín. Một chiếc khay (đồ nghề đánh cá) trôi giữa biển khơi được một tàu đánh cá khác vớt lên, báo sự chẳng lành.

Xã bố trí các thuyền đàm, lực lượng cứu hộ huyện Quỳnh Lưu nỗ lực tìm kiếm suốt 10 ngày nay nhưng cuối cùng trở về trong vô vọng.

Cần lắm những tấm lòng

Từ bao đời nay, đi biển trở thành nghề kiếm cơm  cho ngư dân xã nghèo Quỳnh Nghĩa. Đất nông nghiệp ít, lại bị nhiễm mặn, khô cằn, hàng nghìn người chỉ biết trông chờ vào nghề cá. Cả xã có 135 chiếc thuyền với 930 thuyền viên.

Khi chúng tôi đến, chị Hồ Thị Mùa (sinh 1987) đang nằm vật vã bên di ảnh của anh Hồ Hữu Sâm (SN 1983). Ngày tiễn chồng rời bến ra khơi, chị nói nếu chuyến này được cá sẽ dành dụm tiền lợp lại mái nhà cho khỏi dột.

Chiếc thuyền chở anh Sâm mất liên lạc, nghe hung tin, chị Mùa ngất lên ngã xuống. Hằng ngày ra bãi biển hướng ánh mắt ra ngoài khơi ngóng tin chồng, chị như người mất hồn.

Vợ chồng họ cưới nhau chưa tròn năm, chị Hồ Thị Mùa đang mang thai tháng thứ 5.  

Nụ cười trên bức di ảnh của nạn nhân Hồ Sư Liên khiến những người có mặt không khỏi chạnh lòng. Là con trai độc nhất trong gia đình, chi phí sinh hoạt 3 năm nay của gia đình đều trông chờ vào những chuyến đi biển của anh Liên.

Bố bị câm, mẹ bệnh tật quanh năm suốt tháng, những mớ cá Liên đưa về mua được cho mẹ dăm ba đồng tiền thuốc. Trong nước mắt buồn đau, ông bố Hồ Sư A ngồi bó gối trước thềm, đôi mắt đờ đẫn nhìn ra xa. Một trường hợp thương tâm nữa là anh Hồ Hữu Tuấn.

Nhà nghèo, mẹ mất sớm, bố tàn tật chẳng làm lụng được gì. Anh Tuấn bám biển đã 8 năm nay, phải thường xuyên đối mặt với sóng to gió lớn.

Lời hứa trước chuyến ra khơi rằng khi về sẽ mua thêm vài tấm ngói lợp mái đã dột giờ không bao giờ thực hiện được.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Hồ Phúc Hợp cho biết: “Huyện đang chỉ đạo lực lượng cứu hộ cố gắng tìm kiếm hết sức có thể.

Để chia sẻ với gia đình các nạn nhân sớm vượt qua khó khăn, huyện đã hỗ trợ mỗi thuyền viên 2 triệu đồng”.

Mong tấm lòng từ thiện của các nhà hảo tâm gần xa sẽ tiếp sức cho những gia đình bất hạnh sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.