Chất vấn tại kỳ họp HĐNDTPHCM:

Nước ngập, thuốc lắc, chạy trường: Ai chịu trách nhiệm?

Nước ngập, thuốc lắc, chạy trường: Ai chịu trách nhiệm?
Hôm qua, 20/7, lãnh đạo 6 sở, ngành TPHCM phải trả lời 129 ý kiến chất vấn của các đại biểu và 428 ý kiến chất vấn của cử tri qua đường dây nóng. Do vậy, rất nhiều ý kiến bức xúc của cử tri vẫn còn bỏ ngỏ.
Nước ngập, thuốc lắc, chạy trường: Ai chịu trách nhiệm? ảnh 1
Thành phố còn 60 điểm ngập nước

Đặc biệt, đại biểu Đặng Văn Khoa (Q. Bình Thạnh) mang đến 36 câu chất vấn và đại biểu Võ Văn Sen (Q.Gò Vấp) cũng không chịu kém với 31 câu hỏi. Tất cả những câu hỏi của 2 vị đại biểu này đều là những vấn đề gai góc.

Giao thông công chính: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Cũng như các kỳ họp trước, Sở Giao thông công chính (GTCC) là nơi bị chất vấn nhiều nhất.

Ông Hà Văn Dũng, Giám đốc Sở này đã phải đánh vật trong suốt gần 1 buổi sáng để trả lời những câu hỏi liên quan đến những vấn đề như: Tiến độ thực hiện các dự án quá chậm; Việc thu phí giao thông; Quản lý chất lượng công trình, chống gian dối, tốn kém vật tư; Quản lý đào tạo và cấp bằng lái xe.

Ông Dũng cho biết thành phố còn 60 điểm ngập nước và chỉ có thể cải thiện rõ nét vào cuối năm 2007.

Về sai phạm ở công trình giao thông khu vực Chợ Cầu, ông Dũng cho biết đã xử phạt Cty công trình đường thuỷ Việt Nam 132 tỷ đồng vì vi phạm tiến độ và “ doạ” cắt hợp đồng công việc tiếp theo nếu không thực hiện đúng cam kết.

Mặc dù rất nhiệt tình, trách nhiệm trước những ý kiến chất vấn nhưng cách trả lời của Giám đốc Hà Văn Dũng vẫn chưa giải toả được những bức xúc của đại biểu và cử tri thành phố.

Sở Văn hóa Thông tin: Đánh trống bỏ dùi

Bà Trương Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin đã trả lời những vấn đề bất cập trong quản lý các ngành nghề nhạy cảm; tình trạng bùng nổ  thuốc “ lắc” tại các tụ điểm ăn chơi; băng đĩa nhạc đồi trụy bày bán công khai...

Đại biểu Đặng Văn Khoa không đồng tình với cách giải thích của bà Thuỷ trong việc chậm di dời các tụ điểm karaoke gần trường học, cơ quan hành chánh và cơ sở tôn giáo...

Theo ông Khoa, Sở VH-TT không dứt khoát trong việc này. Ông Khoa bày tỏ sự thất vọng vì nhiều năm qua, thành phố vẫn loay hoay chưa  xây dựng được một nhà hát giao hưởng như đã hứa.

Đại biểu Phạm Minh Trí thì cho rằng ngành văn hoá đang đối phó với những tình huống phát sinh nhiều hơn là xây dựng. Theo đại biểu này, do không coi trọng công tác hậu kiểm, “đánh trống bỏ dùi” nên tệ nạn xảy ra tại các tụ điểm karaoke, nhà hàng là tất yếu.

Đại biểu Võ Văn Sen thì thẳng thắn: Sở VH-TT không hoàn thành nhiệm vụ. Ông Sen cho rằng với năng lực quản lý và tham mưu như thế thì ngành VH-TT khó mà nâng mặt bằng văn hoá của thành phố lên. Ông Sen kiến nghị thành phố phải nhanh chóng tổ chức hội nghị chuyên đề, ra nhiều nghị quyết  để “cứu” ngành VH-TT.

Đại biểu Trương Minh Nhật đề nghị Sở VH-TT phải xác định được trách nhiệm của mình trước hiểm hoạ thuốc “lắc”. Đại biểu Nguyễn Văn Minh báo động tình trạng bất bình thường trong xã hội hoá văn hoá nghệ thuật.

Ông đề nghị thu hồi tất cả những cơ sở văn hoá (rạp chiếu phim, nhà hát) đang cho tư nhân thuê về để bán đấu giá, dùng tiền đầu tư vào các tụ điểm văn hoá lành mạnh ở ngoại thành.

Lương giáo viên không đủ sống!

Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Thạc sỹ Huỳnh Công Minh trả lời  rất nhiều câu hỏi của cử tri chung quanh  nạn “chạy” trường; học thêm dạy thêm; bệnh thành tích trong giáo dục; tình trạng thả nổi quản lý ở nhà trẻ tư nhân; Công tác di dời các hộ dân đang tá túc trong trường học... Từ đầu năm đến nay, đã có 5 trẻ em ở các cơ sở nhà trẻ tư nhân tử vong.

Đại biểu Đặng Văn Khoa nói: Lẽ ra, không xảy ra những trường hợp đau lòng này nếu UBND TP và ngành giáo dục tích cực hơn trong việc đưa ra những biện pháp để quản lý 400 nhà trẻ tư nhân không phép.

Về vấn đề dạy thêm học thêm, đại biểu Khoa đề nghị Sở GD-ĐT giải quyết dứt điểm trong năm học tới. Một cử tri ở Tân Bình tâm sự qua đường dây nóng rằng ông công tác trong ngành 27 năm mà lương không đủ sống.

Trước ý kiến này, ông Huỳnh Công Minh cho biết từ khi Chính phủ ban hành Quyết định tăng lương (10/2004), thu nhập thực tế của giáo viên ở TPHCM giảm đi so với lương cũ vì không còn chế độ phụ cấp ưu đãi 35% như trước. Hiện nay, mức lương bình quân của giáo viên chưa tới 1 triệu đồng/tháng.

Đại biểu Nguyễn Thế Dũng nói: Đối với giáo dục, cứ chất vấn và trả lời kiểu này thì không bao giờ tìm được lối ra. Ông đề nghị thành phố phải tổ chức hội nghị chuyên đề có chiến lược, sách lược kịp thời, phù hợp.

MỚI - NÓNG