Nước nghèo thì ngành y cũng nghèo

Nước nghèo thì ngành y cũng nghèo
TPO – Giải thích về chế độ đãi ngộ của nghành y còn thấp, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, đất nước còn nghèo thì ngành y tế cũng nghèo, nên chưa thể trả lương cao được.

Trần tình trước Quốc hội chiều nay, 22 - 11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho hay, ông không hề hứa trong nhiệm kỳ của mình sẽ chấm dứt việc bệnh nhân phải nằm ghép giường.

Bộ cố gắng giảm được càng nhiều càng tốt, nhưng còn phụ thuộc điều kiện đất nước - người đứng đầu ngành Y tế thanh minh về việc vẫn còn nhiều bệnh viện (nhất là về tim mạnh, ung bướu...) để người bệnh nằm ghép 2 đến 3 người/giường.

Tuy nhiên, ngoài việc nằm ghép, còn nhiều vấn đề khiến cử tri bức xúc với ngành y tế. Nhiều người mua bảo hiểm phải chờ đợi lâu khi khám bệnh, vì thủ tục phiền hà - Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng, đoàn Vĩnh Long, nêu hiện trạng và đề nghị Bộ trưởng nêu các giải pháp khắc phục.

Mặt khác, Đại biểu này cho rằng, nhiều cán bộ ngành y có thời gian đào tạo lâu hơn, nhưng lương ra trường lại không cao hơn các ngành khác, nên còn thiệt thò

Sẽ đưa bệnh viện Bệnh nhiệt đới ra ngoài nội thành Hà Nội

Về việc đưa các bệnh viện ra ngoại ô Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, không có chuyện đưa cả 13 bệnh viện ra ngoài, ví dụ như bệnh viện Việt – Đức sẽ giữ nguyên.

Mặt khác, ông Triệu cũng cho hay, dự kiến sẽ đưa bệnh viện Bệnh nhiệt đới ra khỏi nội đô; đồng thời, thành lập các cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai, viện K 2 ... ở ngại thành để tăng khả năng khám chữa bệnh cho người dân.

Giải thích những điều này, “tư lệnh” ngành y cho hay, giải pháp lâu dài vẫn là tăng bác sĩ, đầu tư xây dựng bệnh viện...Còn về mức lương cán bộ ngành y thì cũng cần đặt tương quan với các ngành khác, như bộ đội biên giới, công nhân hầm mỏ...

“Đất nước còn nghèo thì ngành y cũng nghèo” – Bộ trưởng Triệu phát biểu-“Tuy thế, chúng ta có nhiều thành tựu như các chỉ tiêu y tế cộng đồng, tiêm chủng mở rộng, hệ thống chăm sóc y tế tuyến xã, chống dịch của Việt Nam đã đạt tương đương và cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia…”.

Ông Triệu cũng đồng thời khẳng định, đã đề xuất với Chính phủ điều chỉnh chính sách hỗ trợ các y, bác sĩ; đặc biệt là những người làm ở tuyến xã, miền núi...

Nhức nhối giá thuốc

Giá thuốc tăng cao luôn là nỗi lo sợ của cả người ốm lẫn người khỏe. Suốt thời gian dài, vấn đề được cử tri đặt biệt quan tâm này vẫn chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.

“Bộ trưởng đã từng nói sẽ giải quyết vấn đề giá thuốc, nhưng không biết đến bao giờ giải quyết xong?”– ĐB Lê Thị Nguyệt, đoàn Vĩnh Phúc, đặt câu hỏi với người đứng đầu ngành Y tế.

Còn GS Nguyễn Lân Dũng thì chất vấn về việc, vì sao chúng ta lệ thuộc nhiều vào các công ty dược phẩm nước ngoài?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu phân trần: “Chúng tôi cũng day dứt lắm”, và đưa ra con số thống kê, giá thuốc tăng 3,2%, trong khi giá trung bình của 11 mặt hàng thiết yếu tăng hơn 8,6%.

Tuy nhiên, mức tăng 3,2% là mức tăng trung bình của thuốc nói chung, chứ không phải mức tăng của các loại thuốc đặc trị.

Ông Triệu đưa ra phân tích bằng con số: nước nào cũng vậy, có 5% thị phần thuốc trên thị trường dược phẩm thuộc độc quyền của các hãng dược phẩm lớn trên thế giới-đó là các sản phẩm biệt dược mới do chính các hàng này đầu tư nghiên cứu, điều chế ra và họ được độc quyền sản xuất trong 20 năm, trước khi chuyển giao công nghệ. Vì thế, với 5% thị phần thuốc biệt dược đặc trị chúng ta khó quản lý

Bộ trưởng chắc không nói tầm phào!

“Chấm điểm” về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét, người đứng đầu nghành Y tế đã trình bày tương đối suôn sẻ, vui vẻ, “chắc không tầm phào”. Tuy nhiên, không phải đổ tại đất nước nghèo mà bằng lòng với những gì đạt được, vì y tế không phải từ thiện mà là cả chính sách chăm lo cho nhân dân – Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

MỚI - NÓNG