Nước tương chứa chất gây ung thư: Vì sao CQĐT chưa vào cuộc?

Nước tương chứa chất gây ung thư: Vì sao CQĐT chưa vào cuộc?
Thiếu tướng Trần Văn Nho, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT Bộ Công an, nói: Vụ nước tương sử dụng chất 3-MCPD, hậu quả là gây ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe nhưng rất trừu tượng, không nhìn thấy trước mắt nên chưa có cơ sở để khởi tố hình sự.
Nước tương chứa chất gây ung thư: Vì sao CQĐT chưa vào cuộc? ảnh 1
Vụ nước tương rất nguy hiểm cho xã hội nhưng với quy định pháp luật hiện hành thì chưa đủ căn cứ khởi tố.

Trong một số thông tin báo chí vừa qua, có một số bài viết và bài phỏng vấn đặt vấn đề vụ nước tương có chứa chất 3-MCPD gây ung thư có dấu hiệu hình sự và chuyển đáp án cho cơ quan điều tra (CQĐT).

Vụ việc liên quan cả hai phía: Phía doanh nghiệp sản xuất nước tương có chứa chất gây ung thư và phía cơ quan thanh, kiểm tra (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh). Vấn đề này tạo dư luận nhiều chiều, trong đó không ít ý kiến cho rằng: dấu hiệu vụ án hình sự đã đủ, hoàn toàn có căn cứ khởi tố, điều tra, xử lý theo Luật Hình sự.

Xét thấy đây là vấn đề không còn thuần tuý trong phạm vi dư luận xã hội mà cần phải được làm rõ trên góc độ khoa học và pháp luật, chúng tôi đã tìm hiểu các tài liệu, văn bản liên quan và trao đổi với CQĐT.

Thiếu tướng Trần Văn Nho, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, trong những ngày qua, ông cũng đọc nhiều bài báo nói về vụ nước tương có sử dụng chất 3-MCPD quá mức cho phép, gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng. Hành vi của các doanh nghiệp này rõ ràng nguy hiểm cho xã hội, vi phạm Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật khác về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hành vi này phải được cảnh báo kịp thời và xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vụ việc đã đủ căn cứ khởi tố chưa hay khởi tố tội nào thì không thể suy luận sử dụng chất gây ung thư là đủ căn cứ khởi tố.

Điều 244 - BLHS quy định: "Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm". Đây là tội danh có cấu thành vật chất, phải có yếu tố "gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng".

Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất nước tương sử dụng chất gây ung thư, hậu quả cho xã hội rõ ràng rất nguy hiểm. Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Trần Văn Nho, hiện các văn bản giải thích áp dụng pháp luật về hành vi này thường được hiểu là hậu quả đó đã xảy ra, tức đã có hành vi chết người hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

Đối với vụ nước tương sử dụng chất 3-MCPD, hậu quả là gây ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe nhưng rất trừu tượng, không nhìn thấy trước mắt mà thời gian ảnh hưởng lâu dài, có thể 5 năm, 10 năm. Mặt khác, mức độ ảnh hưởng ra sao, trong phạm vi nào lại không xác định được cụ thể mà chỉ mang tính định lượng.

Theo cách giải thích như trên của pháp luật hiện nay thì chỉ khi có dấu hiệu chứng minh rằng, có cá nhân cụ thể do ăn phải nước tương có chứa chất 3-MCPD nên bị thiệt mạng hoặc ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, khi đó hành vi mới được coi đã xảy ra hậu quả.

Vậy vướng mắc ở đây là gì? Tại sao ai cũng hiểu hành vi sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm là nguy hại nhưng hành lang pháp lý hình sự lại ràng buộc bởi hậu quả đã xảy ra khiến khó khăn trong xử lý?

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Tiến Lực, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Bộ Công an phân tích, cái chính ở đây do luật pháp của ta quy định "đóng" bởi yếu tố hậu quả. Đối chiếu luật pháp một số nước như Mỹ hay ở châu Âu, chỉ cần hành vi sử dụng hoá chất độc hại trong chế biến thực phẩm, gây nguy hiểm cho xã hội là đã có thể đủ căn cứ xử lý hình sự.

Pháp luật của những nước này không ràng buộc bởi yếu tố hậu quả, tức là dù người tiêu dùng sử dụng thực phẩm độc hại đó đã bị ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc. Kể cả trường hợp sản xuất, chế biến thực phẩm có độc tố nhưng chưa đưa ra thị trường tiêu thụ, chưa đến tay người tiêu dùng thì hành vi đó cũng đã phạm pháp, đủ căn cứ để khởi tố.

Thế nhưng, Luật Hình sự của nước ta quy định phải có dấu hiệu thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và phải có căn cứ chứng minh hậu quả đó nên rất khó để xử lý hình sự vụ việc này.

Như vậy, từ thực tiễn đời sống và những quy định của pháp luật trong xử lý hành vi vi phạm đang bộc lộ khoảng trống lớn. Vụ nước tương chứa độc tố gây ung thư, ai cũng hiểu hành vi đó rất nguy hiểm cho xã hội. Nhưng để lấy bằng chứng có người thiệt mạng vì sử dụng nước tương có chứa chất 3-MCPD thì đúng là đánh đố cơ quan chức năng.

Độc tố này không phải nhìn thấy ngay, không gây hậu quả ngay như khi người ta uống phải thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu mà hậu quả là lâu dài, có khi đời bố mẹ không việc gì nhưng con cái lại lãnh hậu quả. Phạm vi ảnh hưởng cũng khó kiểm soát trong toàn xã hội. Vì vậy, vụ việc được đánh giá rất nghiêm trọng và dư luận đề nghị CQĐT vào cuộc thì điều này lại bị ràng buộc bởi quy định luật pháp.

Chính vì vậy, không chỉ vụ nước tương có chứa độc tố gây ung thư cho người mà từ trước tới nay có hàng trăm vụ phát hiện thực phẩm có độc tố, như bánh phở chứa phoóc môn, hoa quả tiêm hoá chất bảo quản được tươi lâu… thủy sản, hải sản ướp chất chloramphenicol (chất cấm sử dụng)... thì rốt cuộc, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn "bó tay", không ai bị xử lý hình sự vì luật của nước ta chưa đề cập đến hành vi này!

Lỗ hổng này cần được các nhà làm luật sớm nghiên cứu để bịt, nhất là trong điều kiện các vi phạm tràn lan như hiện nay trong vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên khía cạnh khác, việc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ém thông tin, không công bố các loại nước tương có chứa chất 3-MCPD ngay sau khi phát hiện cũng gây bức xúc dư luận.

Bộ Y tế cho rằng: chưa công bố vì không nhận được thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Hành vi ém thông tin nói trên khiến người tiêu dùng tù mù với sản phẩm độc hại. Nhưng có thể xử lý hình sự được không như dư luận đề cập? Một số ý kiến cho rằng CQĐT cần khởi tố hành vi này theo Điều 285-BLHS, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vấn đề này có thể phân tích hai khả năng. Một là, việc ém thông tin do thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng quy định được giao nên đã không công bố thông tin kịp thời. Thứ hai, ém thông tin do tiêu cực, chẳng hạn nhằm bao che, dung túng doanh nghiệp vi phạm hay có hành vi nhận hối lộ.

Trong trường hợp thứ nhất cũng không thể khởi tố vì như phân tích ở trên, hậu quả nghiêm trọng chưa được xác định trên thực tế. Còn trong trường hợp thứ hai, nếu chứng minh có tiêu cực thì hành vi không còn thiếu trách nhiệm mà đã cấu thành tội khác như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc nhận hối lộ. Tuy nhiên, hiện chưa phát hiện tài liệu nào chứng minh có tiêu cực trong vụ này.

Nghiên cứu Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Nghị định hướng dẫn số 163/2004/NĐ-CP, ngày 7-9-2004 của Chính phủ đều không thấy điều khoản nào quy định chế tài xử lý hành vi không công bố thông tin. Tại khoản 3, Điều 40, Nghị định 163/2004/NĐ-CP chỉ quy định: "Trong trường hợp kiểm tra mà phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm, cơ quan kiểm tra lập biên bản ghi nhận vi phạm và chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật".

Đây cũng là thiếu sót trong văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Hầu như tất cả chỉ quy định việc kiểm tra, xử lý cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm chứ không quy định chế tài xử lý đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không công bố thông tin.

Như vậy, với quy định pháp luật hiện hành đều chưa đủ căn cứ để khởi tố hình sự. Tuy nhiên, với vụ việc nghiêm trọng như vậy, các cơ quan có thẩm quyền cũng hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp xử lý khác như hành chính, kinh tế...

Việc cần thiết là Bộ Y tế sớm đưa ra kết luận có tính chất khoa học để đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của vụ việc, làm rõ sai phạm của các cá nhân liên quan, từ doanh nghiệp đến cán bộ được giao nhiệm vụ của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Dựa trên kết luận đó để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật

Theo CAND

MỚI - NÓNG