'Nghi án' tương Chin-su và một số thực phẩm chứa tạp chất, chất cấm

Nước tương gây ung thư : Ai ém nhẹm thông tin vi phạm?

Nước tương gây ung thư : Ai ém nhẹm thông tin vi phạm?
Dư luận đánh giá rằng, thực trạng qua nhiều cuộc kiểm tra là "có rất nhiều vi phạm nhưng không có DN nào vi phạm cả!". Chỉ vì: Sau khi phát hiện các mẫu nước tương có chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép nhưng cơ quan chức năng đã... ém nhẹm thông tin vi phạm.

>> TP.HCM đình chỉ 10 cơ sở chế biến nước tương chứa chất gây ung thư

Trong trả lời phỏng vấn của ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã cho biết, năm 2006 cơ quan chức năng đã phát hiện nước tương Chin-su có chất 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn cho phép và việc này đã được xử lý.

Thực hư ra sao?

Đến thời điểm này, thông tin của ông Trần Đáng về nước tương Chin-su có chất 3-MCPD vượt TCCP trong năm 2006 là một trường hợp hiếm hoi tiết lộ nhãn hiệu sản phẩm nước tương được cho là có chất gây ung thư từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Cũng cần nhắc lại, tháng 7.2005, khi nước tương Chin-su tại Bỉ bị Uỷ ban An toàn thực phẩm Liên minh Châu Âu (UBATTPLMCA) cho là có chất 3-MCPD thì Vitecfood (sản xuất nước tương Chin-su) đã phản bác.

Tuy nhiên, chiều ngày 23.6, công bố từ Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho thấy, vào tháng 8.2005, nước tương Chin-su đã bị phát hiện có hàm lượng 3-MCPD vượt TCCP đến 5,27 lần và đã phải nộp phạt 12.150.000 đồng.

Và mới đây, tháng 4.2007, một lần nữa UBATTPLMCA thông báo nước tương Chin-su có chứa chất 3-MCPD vượt TCCP, thì Vitecfood lại một lần nữa phản bác.

Dư luận đang dõi theo những bước đi tiếp theo của Cty này làm rõ thực hư ra sao tại các cơ quan chức năng bên ngoài VN, cụ thể là tại Châu Âu: Có đúng mẫu nước tương lấy tại cảng Phần Lan từ ngày 1.3.2006 cho tới 26.2.2007 là nước tương Chin-su thật hay không?

Và có hay không có chất 3-MCPD gây ung thư? Giữa cáo buộc của UBATTPLMCA và tiết lộ của ông Cục trưởng Cục ATVSTP có mối liên hệ gì với nhau hay không vì đều nói về thời điểm 2006?

Sau thông tin tiết lộ từ ông Trần Đáng được đăng tải trên Báo Lao Động, đến nay vẫn chưa có phản hồi nào từ Cty Vitecfood. Thêm một nghi án về chất gây ung thư 3-MCPD trong nước tương Chin-su vào năm 2006 cần được làm rõ từ Cục ATVSTP. Nếu không, "nghi án" thứ hai sẽ đẩy nước tương Chin-su lại gần hơn với "nghi án"thứ nhất là kết luận của UBATTPLMCA.

"Nghi án" nước tương Chin-su chứa chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép bao giờ mới được làm rõ?

Cứ kiểm tra là... lòi ra chất cấm

Quy định về chất 3-MCPD trong nước tương giữa Châu Âu và VN có sự chênh lệch đáng kể. Châu Âu cho phép hàm lượng chỉ được bằng hoặc nhỏ hơn 0,02mg/kg; trong khi TCVN là không được vượt quá 1mg/kg.

So với tiêu chuẩn của Châu Âu thì TCVN đã "thoáng" hơn gấp 50 lần. Ấy thế mà trong các năm từ 2004-2006, các đợt kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, kết quả có nhiều đơn vị sản xuất nước tương vi phạm vì có chất 3-MCPD vượt TCCP. Mức độ vượt tiêu chuẩn cho phép dao động từ hàng chục, đến hàng trăm, và thậm chí cả ngàn lần được công bố đã làm rùng rợn người tiêu dùng.

Cụ thể, theo công bố của Thanh tra Sở Y tế chiều 23.5, cùng với nước tương Chin-su của Vitecfood còn có 20 nhà sản xuất khác cũng có mẫu nước tương vi phạm về hàm lượng chất 3-MCPD trong nước tương. Mức vượt TCCP thấp nhất là 2,27 lần và cao nhất lên đến 2.215,6 lần.

Số lượng 21/30 đơn vị sản xuất có mẫu nước tương chứa chất gây ung thư vượt TCCP cho thấy tỉ lệ lên đến 70%, đã nói lên một thực trạng chất gây ung thư 3-MCPD trong nước tương bán trên thị trường vượt TCCP là khá phổ biến. Và người tiêu dùng phải "bơi" trong một thị trường hỗn tạp với nhiều loại nước tương độc hại.

Ai đã ém nhẹm thông tin?

Dư luận đánh giá rằng, thực trạng qua nhiều cuộc kiểm tra là "có rất nhiều vi phạm nhưng không có DN nào vi phạm cả!". Chỉ vì: Sau khi phát hiện các mẫu nước tương có chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép nhưng cơ quan chức năng đã... ém nhẹm thông tin vi phạm.

Ngày 18.5, chúng tôi đã liên hệ với Viện Vệ sinh y tế công cộng tại TPHCM để hỏi về thông tin các đơn vị có mẫu nước tương vi phạm trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Xuân Mai - Viện phó - cho biết: "Tất cả các kết quả đều đã được chúng tôi báo cáo với Cục ATVSTP. Cục là cơ quan chức năng đủ thẩm quyền công bố". Mọi thông tin đã tập trung về một đầu mối.

Nhưng đáng nói là trong nhiều năm qua, Cục ATVSTP dù đã có đôi lần khuyến cáo NTD cách chọn mua nước tương nhưng lại giấu biệt tên Cty, nhãn hiệu nước tương có chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép. Điều này đã gây cho bức xúc đối với chính các DN sản xuất nước tương nói chung.

Mới đây, Vitecfood đã có công văn kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan trực thuộc cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ những thông tin kiểm nghiệm nước tương.

Chiều 23.5, Thanh tra Sở Y tế đã phải công bố một số kết quả thanh tra nước tương trên địa bàn sau khi đã có chỉ đạo từ ông Lê Trường Giang-Phó GĐ sở. Trong đó đáng chú ý là, có những kết quả thanh tra, kiểm nghiệm từ năm 2005, nhưng đến nay Thanh tra Sở Y tế TPHCM mới công bố.

Dư luận đặt vấn đề: Việc ngâm thông tin lâu không công bố, và ém nhẹm thông tin quan trọng đối với NTD như thế nhằm mục đích gì? Có phải nhằm "giúp" DN vi phạm để thu lợi? Một khi thông tin cụ thể về nhãn hiệu nước tương và tên DN vi phạm không được công bố, thì các DN khác cũng bị vạ lây vì bị quy vào "cùng một giuộc", cả ngành nước tương phải mang vạ.

Xem nhẹ tính mạng người tiêu dùng

Sau khi bao vụ vi phạm về chất gây ung thư 3-MCPD được phát hiện, thông tin được cung cấp ra công luận rất chung chung, rồi dần dần chìm vào quên lãng. Trong khi các lô hàng có mẫu nước tương chứa nhiều độc tố, lại không được biết có được thu hồi, xử lý hay không. NTD không biết đường nào mà tránh các loại nước tương có độc tố vì thiếu thông tin cụ thể. Kết quả khó tránh khỏi là họ sẽ mua phải, ăn phải độc tố vào người.

Có thể nói, sự ém nhẹm thông tin lâu nay, nếu có "bảo vệ" ai đó thì cũng chỉ là "quyền lợi" của một số DN vi phạm, trong khi  84 triệu người dân-84 triệu NTD lại bị đặt ra bên lề, bị xem nhẹ!

Chúng ta đã có được bài học quý giá qua các chiến dịch phòng, chống cúm gia cầm. Chính phủ đã kiên quyết tiêu huỷ gia cầm khi phát hiện các ổ bệnh. Chính với ý chí cao xuất phát từ tinh thần bảo vệ sức khỏe và sự sống của toàn dân là hàng đầu như vậy mà VN đã trở thành điển hình số 1 thế giới về phòng, chống cúm gia cầm hiệu quả, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao.

Và mới đây, ngày 9.5, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/CP quy định về việc phải công khai sự cố máy bay. Điều này cho thấy một nhận thức mới của Nhà nước trong chủ trương minh bạch thông tin vì quyền lợi của NTD.

Riêng về VSATTP, ngày 22.5.2007 Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã có công văn yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí đầy đủ kết quả kiểm định  VSATTP. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng của ngành y tế có chấp hành nghiêm chỉnh việc này?

20 đơn vị sản xuất có mẫu nước tương chứa chất 3-MCPD vượt TCCP được phát hiện trong năm 2005 gồm: Vitecfood (Chin-su), Hương Nam Phương, Thái Phát, Lợi Ký, Trung Nam, Hoàng Hải, Đông Phương, Vĩnh Phước, Kim Thành, Vị trai lá bồ đề, Phú Tấn, Thanh Huy, Thiên Hương, Thanh Phát, Bông Mai, Nam Dương, Đông Nam, Tứ Hữu, Hạnh Phúc, Bách Hảo, Trường Thành.

Gần 80% số cơ sở sản xuất nước tương không đạt chuẩn về hàm lượng 3-MCPD

Ngày 23.5, Chánh thanh tra Nguyễn Đức An - Sở Y tế TPHCM chính thức công bố kết quả đợt thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa bàn TPHCM. Theo đó, trong 14 sản phẩm (của 14 cơ sở) được lấy mẫu ngẫu nhiên tại các siêu thị, chợ và tại nơi sản xuất thì chỉ có 3 mẫu đạt chuẩn về hàm lượng chất 3-MCPD (có tỉ lệ 3-MCPD dưới hoặc bằng 1mg/l), trong đó duy nhất sản phẩm có độ an toàn cao là Maggi (Cty Nestlé) đạt chuẩn của Châu Âu (chỉ ở mức 0,02mg/l).

Sản phẩm có hàm lượng chất 3-MCPD cao nhất là của Cty Nosafood với hàm lượng 3-MCPD lên đến 4.202,9mg/l. Theo ghi nhận của thanh tra thì tất cả những mẫu sản phẩm được lấy để thực hiện test nhanh hầu hết được sản xuất trong năm 2007. Và giới chuyên môn cũng đưa ra nhận định: Thông thường loại nước tương nào có độ đạm càng cao thì tỉ lệ 3-MCPD càng cao.

Theo Lao Động

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.