Nước Ý trong tôi: Vạn sự không như...Ý

TP - Những ngày này, nước Ý luôn nằm trong Top thế giới, một loại Top không ai muốn: Nhiều người nhiễm COVID-19 nhất, nhiều người tử vong nhất… Với tôi và có lẽ cả các đồng nghiệp của tôi - những hướng dẫn viên du lịch tiếng Ý, đó quả thực là cơn ác mộng của đất nước xinh đẹp này.

Nhiều người nói đùa, bây giờ đừng chúc nhau “vạn sự như Ý” mà phải  “vạn sự như Lào”...

NHỮNG CÂU HỎI

“Nước Ý trong tôi là…”- đó là slogan, cũng là tên một chương trình quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Ý của Đại sứ quán Ý tại Hà Nội mấy năm trước.

Sao người Việt chịu khó đeo khẩu trang thế? Đó là câu nhiều người Ý lần đầu đến Việt Nam hay hỏi tôi. Với dân Ý, khí hậu Địa Trung Hải thật đáng hưởng thụ. Hít thở làn gió mát Địa Trung Hải, tắm ánh nắng chan hòa để có làn da nâu khỏe mạnh. Với tâm hồn Ý khoáng đạt tự do thì cái khẩu trang thật phiền phức,  nhất là khi cần “chém gió”.

Còn Việt Nam, trước khi có dịch không phải mọi người đều đeo khẩu trang nhưng ít ra cũng nhiều hơn Ý gấp bội. Với gu “làn da trắng sứ” (của cả xã hội), khẩu trang thành vũ khí bảo vệ làn da khỏi nhiều thứ.

Nước Ý trong tôi: Vạn sự không như...Ý ảnh 1 Cục Bảo vệ Dân sự Ý “tắc tế” đồ ăn cho dân chúng.

Từ thói quen đó của hai phía, dễ hiểu vì sao người Ý hay châu Âu khó chấp nhận mà người Việt lại dễ dàng tiếp nhận chỉ thị của Chính phủ đeo khẩu trang bắt buộc  nơi công cộng.
Tuổi thọ của người Việt? Họ cũng hay hỏi tôi câu đó. Nước Ý dân số già, hơn 60% người dân trên 65 tuổi. Họ tự hào nằm trong Top những nước sống thọ nhất thế giới vì hệ thống y tế chăm sóc người già rất tốt. Tuổi thọ rất được xã hội và mỗi người quan tâm. Đó cũng là khác biệt với Việt Nam - đất nước trẻ hơn nhiều.

Như vậy đó, người dân xứ này trước đây tự hào bao nhiêu về sự chăm sóc y tế, ưu ái người già thì nay đau xót chứng kiến những con người từng trải qua bao biến cố để rồi bị bệnh dịch đánh bại…

“Người Ý nghĩ gì về Việt Nam” là câu hỏi khác, mà bạn bè và người quen hay đặt cho tôi khi biết công việc của mình. Sự thật, nước Ý trong tôi, đó là những câu chuyện đáng nhớ mà tôi được nghe kể trực tiếp, từ người già cho đến đứa trẻ nhỏ xíu.

Chẳng hạn một ông già 85 tuổi mất bạn đời tri kỷ nhiều năm, nay du lịch một mình với tấm ảnh người vợ hồi trẻ bên trong ngực áo. Hoặc cụ già 91 tuổi được người con bác sỹ đưa bay nửa vòng trái đất để ngắm vịnh Hạ Long nổi tiếng. Hoặc những đứa trẻ dạy tôi chơi bài UNO - trò được trẻ em Ý ưa thích. Hay lời bi bô tên tôi - “Thuy” “Thuy” của một bé mới 17 tháng thích được tôi bế mỗi ngày.

Đó là những người Ý trải qua thời thanh niên sôi nổi phản đối sự có mặt của Mỹ tại Việt Nam. Đặt chân đến Lăng Hồ Chủ tịch, họ nghẹn ngào chia sẻ về thời đáng nhớ đó, hát những bài hát phản chiến và hô to “Việt Nam Hồ Chí Minh”.

Đó là một giáo sư sử học, hành trang đến Việt Nam không gì hơn ngoài 50 cuốn sách về Việt Nam, về Hồ Chủ tịch, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Còn nhiều câu chuyện khác nữa…

Với tinh thần “đậm chất Ý” vừa lãng mạn vừa kiên cường và lạc quan,  vừa qua thế giới chứng kiến nhiều điều đẹp đẽ về họ. Như cảnh hát cổ vũ nhau qua ban công vào giờ Chính phủ công bố dịch bệnh. Hoặc trào lưu vẽ tranh cầu vồng tươi sáng với tựa “Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Hoặc dòng chữ “Cảm ơn vì tất cả” trên hóa đơn chuyển Pizza miễn phí đến các y bác sỹ đang miệt mài cống hiến tại một bệnh viện ở Cagliari...

BAO KHOAI TÂY HAY BAO GẠO

Karl Max từng ví von “xã hội phương Tây rời rạc như một bao tải khoai tây”. Còn làng xã Việt Nam thì ai đó ví “như một bao gạo”.

Phương Tây đề cao  “privacy”-  quyền cá nhân, và giãn khoảng cách như “những củ khoai tây”.Còn người Việt nhất là ở nông thôn, tình làng nghĩa xóm rất quan trọng. Tất cả đều nhỏ bé, gắn kết nhưng khá linh hoạt như “những hạt gạo”.

Nước Ý trong tôi: Vạn sự không như...Ý ảnh 2 Du khách Ý đến Hoa Lư, Ninh Bình cuối tháng 2/2020. Khẩu trang chỉ được cởi bỏ khi chụp ảnh

Vậy nên mới có chuyện phong tỏa đất nước mà họ đi lại vẫn khá thoải mái. Ở Ý, các cụ già lúc đầu chỉ coi COVID-19 như cúm mùa, và “sống chết có số”.Thanh niên đi làm ở phía Bắc đôi khi về thăm gia đình, và như vậy, khi con cháu tự do thì bố mẹ, ông bà bị họa.
Ở Ý,  người ta hướng đến “cộng đồng khác biệt” nên ai cũng khát vọng thể hiện chính mình, làm nổi mình hay gọi là “personalizzato”. Người châu Âu thích sự sáng tạo, cá nhân hóa.Ít người bị tâm lý đám đông, và ít ném đá ai không giống mình.  

Ở ta, cái gọi là tinh thần Việt đã kết nối mọi người, với truyền thống từ xa xưa chống chọi thiên tai địch họa. Thời chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói “vị tướng giỏi nhất Việt Nam là nhân dân Việt Nam, tinh thần Việt Nam”. Ngày nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trên mặt trận chống dịch “vắcxin có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường, vượt khó”.
Vậy điểm yếu của “bao khoai tây” là gì? Cách sống không quá gắn kết dường như khiến người dân có tâm lý phó mặc hoặc chỉ biết mình. Trong một bài phỏng vấn tại Việt Nam, một du khách trẻ người Bỉ phát biểu “Tôi có nghe về bệnh dịch nhưng tôi còn trẻ, nếu mắc bệnh cũng sớm hồi phục”. Kiểu  như  “tôi còn trẻ, tôi có quyền sai”?

Về “mắc dịch” và hội chứng sợ người “mắc dịch”. Giai đoạn đầu của dịch COVID-19, thế giới sợ người Trung Quốc, người Trung Quốc sợ dân Hồ Bắc, người Hồ Bắc sợ nhất nghe đến Vũ Hán. Người Ý hay châu Âu sợ châu Á. Trên mạng xã hội đầy tin tức kiểu “gen châu Á dễ nhiễm bệnh”. Nhiều người châu Á trong đó có du học sinh Việt bị kỳ thị ở Ý.

Rồi một ngày, như dân mạng hay để hashtag “karmaisreal” - “nghiệp quật là có thật”, người Ý phải chịu cảnh bị kỳ thị. Nào cấm chuyến bay từ Ý, đến Ý, cấm người Ý nhập cảnh...
Giờ thì, tin vui là chính phủ Ý quyết định thay đổi, chính thức áp dụng test thử COVID-19 miễn phí cho du học sinh và người lao động nước ngoài tại Ý.

Người Ý đã thay đổi, còn ta thì sao? Nói thật, chưa bao giờ tôi lo lắng cho du lịch Việt Nam đến thế. Năm ngoái, toàn ngành đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Còn  năm nay, tôi được nghe nhiều về sự kỳ thị của một số người dân với người nước ngoài. Du lịch giảm thê thảm, chưa biết sẽ phục hồi đến đâu và bao giờ.   
(Còn nữa).
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.