Lăng Cô, TT-Huế:

Nuôi hàu bằng vỏ lốp cũ: 'Chúng tôi hoàn toàn không đồng tình'

Việc mua bán, tiêu thụ hàu nuôi từ vỏ lốp tại Lăng Cô vẫn diễn ra bình thường như mọi khi, không có gì xáo trộn. Ảnh: Ngọc Văn.
Việc mua bán, tiêu thụ hàu nuôi từ vỏ lốp tại Lăng Cô vẫn diễn ra bình thường như mọi khi, không có gì xáo trộn. Ảnh: Ngọc Văn.
TP - Việc “xả” cả triệu vỏ lốp cũ xuống một khu đầm đa dạng sinh học như Lập An để nuôi hàu, hiện không nhận được bất kỳ sự đồng tình nào của cơ quan quản lý môi trường.

Dù chưa có công trình khoa học nào khẳng định nuôi hàu bằng vỏ lốp cao su phế phẩm tại Lăng Cô và thứ thực phẩm tạo ra từ phương thức nuôi này gây nguy hại cho sức khỏe con người, tuy nhiên, việc “xả” cả triệu vỏ lốp cũ xuống một khu đầm đa dạng sinh học như Lập An hiện không nhận được bất kỳ sự đồng tình nào của cơ quan quản lý môi trường. Ngành nông nghiệp TT-Huế đang yêu cầu xem xét lại phương thức nuôi.

Ngày 22/4, PV Tiền Phong trở lại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) sau khi có cảnh báo về nghề nuôi hàu bằng vỏ lốp cũ ảnh hưởng cảnh quan vịnh đẹp, có thể gây nguy hại cho môi trường sinh thái và sức khỏe con người thời gian gần đây…

Theo ghi nhận của PV, khác với những đồn đoán, việc tiêu thụ hàu thương phẩm tại “vương quốc hàu lốp xe” Lăng Cô vẫn diễn ra nhộn nhịp như mọi khi. Hàu đã tách thịt duy trì mức bán như cũ: 70.000 đồng/kg, loại còn vỏ cứng từ 15.000 đến 20.000 đồng tùy theo kích cỡ, không hề rớt giá do ế ẩm. “Nhiều ngày nay, chúng tôi vẫn bán hàu đi các nơi. Tôi có nghe nói hàu nuôi bằng vỏ lốp có thể ảnh hưởng sức khỏe người ăn, nhưng đã có ai chết đâu, cũng không ai cấm, nên mình cứ bán. Chẳng qua mấy người nuôi các nơi họ tức nhau, nên nói vậy thôi”, một phụ nữ chuyên bán hàu trên tuyến đường đông đầm Lập An, phản ánh.

Ngược qua phía tây đầm Lập An, việc nuôi và tiêu thụ hàu vẫn diễn ra như “chuyện thường ngày ở huyện”. Mỗi ngày, thị trấn Lăng Cô vẫn xuất đi các nơi nhiều tạ hàu “vỏ lốp”, để rồi vô số nhà hàng biến chúng thành đặc sản. Mưu sinh của dân chuyên nghề hàu Lăng Cô không có gì xáo trộn. Thay đổi có chăng là trên các tuyến đường du lịch tại Lăng Cô đã trở nên quang đãng, an toàn hơn sau khi báo chí lên tiếng khuyến cáo. Mặt đường nhựa quanh đầm không còn nhếch nhác, nguy hiểm với dày đặc các lớp vỏ lốp được ngư dân mang phơi và tận dụng việc các phương tiện giao thông cán qua để “làm sạch”.

Nuôi hàu bằng vỏ lốp cũ: 'Chúng tôi hoàn toàn không đồng tình' ảnh 1

Cơ quan quản lý môi trường khẳng định, vô số vỏ lốp này khi thả xuống đầm Lập An để nuôi hàu chắc chắn ảnh hưởng môi trường. Ảnh: Ngọc Văn.

Cần được đánh giá lại 

Tuy nhiên, điều khiến nhiều cơ quan chức năng tỉnh TT-Huế cũng như du khách, người tiêu dùng quan ngại vẫn là câu chuyện gần cả triệu vỏ lốp phế phẩm ngâm dầm ngày ngày giữa khu đầm cảnh quan đa dạng sinh học. Nhiều người mà PV tiếp xúc không muốn triệt tiêu nghề nuôi hàu ở Lăng Cô vốn là miếng cơm manh áo của bao gia đình nhưng muốn là sự hài hòa giữa mưu sinh và vấn đề bảo vệ môi trường, hài hòa sinh thái, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TT-Huế, khẳng định: “Trên quan điểm của nhà quản lý môi trường, chúng tôi hoàn toàn không đồng tình với việc dùng vỏ lốp cũ để làm giá thể nuôi hàu như ở Lăng Cô”. Ông Hùng phân tích, việc nuôi này hoàn toàn trái với tự nhiên. Lốp cao su là một dạng hóa chất, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng quá trình ảnh hưởng thế nào cần phải có thời gian. Riêng con  hàu, mặc dù là loài ăn bằng phương pháp lọc, nhưng nếu cơ chế lọc không tốt chắc chắn sẽ có những tác động xấu nhất định.

Còn theo ông Trần Lê Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, phương thức nuôi hàu đại trà bằng vỏ lốp cũ tại đầm Lập An cũng cần phải được đánh giá lại. Sở này đang chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu hàu tại đầm Lập An gửi đi phân tích, xem xét có yếu tố độc hại hay không sau khi báo chí phản ánh. “Dù kết quả thế nào, chúng tôi vẫn luôn khuyến khích người nuôi hàu chọn phương thức phù hợp nhất. Phương thức đó phải mang tính bền vững về sinh thái, tạo sản phẩm sạch có chứng nhận, phù hợp cảnh quan sinh thái. Mặt khác, quy hoạch chi tiết nuôi hàu phải được xác lập và thực hiện nghiêm ngặt. Từ đó mới tạo ra được những giá trị đặc biệt không chỉ về thương hiệu, chất lượng hàng hóa mà còn về cả sinh cảnh, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường”, ông Hùng đề xuất.

Vị phó giám đốc cũng đồng tình về việc cần phải đánh giá toàn diện đa dạng sinh học, không riêng con hàu, mà đối với tất cả các đối tượng thủy sản trên đầm Lập An đang ngày ngày bất đắc dĩ “sống chung” với cả triệu vỏ lốp cao su cũ.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.