Núp bóng “góp vốn cổ phần” để bán đất cao su

Ông H chỉ chỗ đất Công ty Huỳnh Phương Anh sẽ “chuyển nhượng” lại
Ông H chỉ chỗ đất Công ty Huỳnh Phương Anh sẽ “chuyển nhượng” lại
TP - Sau khi được tỉnh Đắk Nông cho thuê lại đất, Công ty TNHH Huỳnh Phương Anh Đắk Nông đã chuyển nhượng đất cho người dân bằng hình thức “góp vốn cổ phần”, nhằm hợp thức hóa việc mua bán đất dự án sai trái.

“Góp vốn cổ phần” để lách luật?

Ngày 29/3/2017, UBND tỉnh Đắk Nông ra Quyết định số 533 thu hồi hơn 234 ha đất cao su tại xã Đắk Buk So (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) của Công ty CP cao su Đắk Nông (Daknoruco), giao cho Công ty TNHH Huỳnh Phương Anh Đắk Nông (gọi tắt là Công ty Huỳnh Phương Anh) thuê lại với giá 80 triệu đồng/ha. 

Theo quyết định này, Công ty Huỳnh Phương Anh phải tiếp tục thực hiện dự án trồng, chăm sóc cây cao su, nghiêm cấm việc chia nhỏ dự án để bán, sang nhượng đất trái pháp luật. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn được giao đất, công ty này đã chặt hạ cao su để trồng cây khác và chuyển nhượng hàng chục hécta đất cao su cho người dân canh tác bằng hình thức “góp vốn cổ phần”.

Trong vai người đi mua đất làm rẫy, chúng tôi đến thôn 7 và 9 của xã Đắk Buk So để tìm hiểu việc chuyển nhượng đất cao su của Công ty Huỳnh Phương Anh. Trên diện tích đất mới được giao cho công ty này ở thôn 7, người dân đã chặt hạ hết cây cao su và đang cày xới để trồng cây khác. Ông N.T.T (ở thôn 7) cho biết, gia đình ông đã mua của công ty 1 ha đất cao su với giá 200 triệu đồng. Tất cả việc mua bán đều thông qua ông T.N.H - người đo đạc và giới thiệu bán đất cho bà Giám đốc Công ty Huỳnh Phương Anh là bà Lê Thị Phương. Sau khi chặt cao su, gia đình ông T cày xới đất để trồng khoai. Tôi hỏi: “Cháu nghe nói chỉ làm hợp đồng góp vốn, tại sao phải mua?”. “Làm hợp đồng để hợp thức hóa mà thôi, chứ thực tế là mua bán đất!”, ông T trả lời.

Qua cuộc điện thoại giới thiệu của ông T, chúng tôi đến thôn 9 (xã Đắk Buk So) gặp ông H hỏi chuyện mua bán đất. Lúc mới gặp, ông H nói rằng do ông có máy đo đất nên được bà Phương thuê đo đạc đất, còn muốn mua đất thì gặp bà Phương. Trò chuyện hồi lâu, ông H mới đưa ra hợp đồng mẫu góp vốn chuyển nhượng đất. Theo hợp đồng này, việc góp vốn cổ phần được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và người góp vốn được toàn quyền sử dụng đất từ năm 2016 - 2050.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem các hợp đồng đã ký với người dân, ông H nói rằng bà Phương giữ nên ông không có. “Mua đất này có hợp pháp hay không?”, tôi hỏi. “Các anh yên tâm, công ty sẽ làm hợp đồng góp vốn đầy đủ cho các anh thuê đất đến năm 2050. Hiện nay, có nhiều cán bộ trong huyện và tỉnh Bình Phước cũng đến tham gia góp vốn cổ phần mua đất”, ông H khẳng định. Để chứng thực điều này, ông H còn dẫn chúng tôi ra xem khu đất có diện tích hàng chục hécta mà công ty mới chặt cây cao su để chuyển nhượng đất cho người dân.

Núp bóng “góp vốn cổ phần” để bán đất cao su ảnh 1 Công ty Huỳnh Phương Anh tự ý chặt cao su để trồng cây khác

Công an vào cuộc điều tra

Theo bà Lê Thị Phương - Giám đốc Công ty Huỳnh Phương Anh, hiện công ty đã chuyển đổi 149 ha cây cao su sang trồng cây lâu năm khác. Diện tích cây cao su còn lại công ty đang quản lý, bảo vệ là 85 ha. “Việc chuyển nhượng đất tại dự án của công ty là không có, do vậy không có bất kỳ cán bộ nào của huyện tham gia mua đất của công ty? Nhiều người dân địa phương có hợp đồng góp vốn với công ty để thực hiện dự án. Số hộ dân góp vốn với công ty chủ yếu là các hộ dân có đất giáp ranh với công ty, diện tích manh mún, không tập trung và khó quản lý nên công ty đã cho các hộ dân góp vốn để dễ quản lý”, bà Phương khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Chánh văn phòng UBND huyện Tuy Đức cho biết: Huyện đã chỉ đạo phòng TN&MT huyện phối hợp UBND xã Đắk Buk So và Công ty Huỳnh Phương Anh thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện dự án cũng như việc sử dụng đất của công ty. Trước khi tỉnh thu hồi đất của Daknoruco giao cho Công ty Huỳnh Phương Anh, huyện cũng có văn bản đề nghị tỉnh giao về cho huyện để quy hoạch vùng trồng phát triển cây dược liệu, cây công nghiệp theo hướng công nghệ cao theo hình thức huy động bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, vì phương án huy động vốn xã hội hóa của nhân dân không rõ ràng, không phù hợp nên UBND tỉnh không đồng ý.

Ngày 15/2/2019, một lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết: Công ty Huỳnh Phương Anh đã được tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất theo chủ trương tại công văn số 3698 vào ngày 13/7/2017. Sau đó, công ty đã lập phương án trình Sở NN&PTNT tỉnh thẩm định. Nhưng trước khi lập phương án sử dụng đất, công ty này đã cho người dân góp vốn cổ phần trái quy định và chuyển đổi hàng chục hécta cao su để trồng cây khác. Hiện công an tỉnh đã vào cuộc điều tra việc sử dụng đất của công ty này.

Theo báo cáo số 95 ngày 1/12/2017 của UBND xã Đắk Buk So, việc Công ty Huỳnh Phương Anh chuyển nhượng đất cho người dân là hình thức tham gia “hợp đồng góp vốn” (!?) Hiện có khoảng 33 hộ gia đình ở thôn 7 và thôn 9 tham gia “góp vốn” trên diện tích 56 ha, giá cổ phần góp vốn 170 triệu đồng/ha. Ngày 13/7/2017, Công ty Huỳnh Phương Anh được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho chuyển đổi 100 ha vườn cao su kém hiệu quả. Dù chưa lập dự án đầu tư và chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt, nhưng công ty này vẫn tiến hành phá bỏ cây cao su để chuyển đổi trồng cây khác. Một cán bộ UBND xã Đắk Buk So khẳng định: hình thức hợp đồng góp vốn nói trên chỉ là thủ đoạn “lách luật” để công ty này bán đất. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.